Thứ Năm, tháng 1 19, 2012

Ăn nhậu ngày tết...

Giữ đầu óc tỉnh táo và phớt lờ những ám ảnh khó chịu của bia rượu là điều khả thi đối với những ai chọn lựa loại thực phẩm như măng tây và mật ong.

 

Ngày tết là thời điểm chúc tụng và họp mặt tiệc tùng kéo dài. Để tận hưởng ngày tết trọn vẹn, giảm tình trạng nhộn nhạo bao tử và quay cuồng đầu óc, hãy chọn lọc những thực phẩm hỗ trợ gan xử lý tốt chất cồn, và giúp cơ thể nhanh chóng loại bỏ chất uống độc hại này.


Măng tây

Đây là loại thực phẩm bạn có thể nhấm nháp trước mỗi khi dùng tiệc. May mắn là có thể làm nhiều món ăn chỉ với măng tây, như măng xào, hấp, kho thịt, lẩu măng, canh măng... Chỉ cần chịu khó xử lý là có thể làm bớt mùi hăng của măng, giúp món ăn dễ chịu hơn.

Nước cam

Hình như ít ai để ý đến chuyện nên uống một ly nước cam sau trận nhậu túy lúy. Suy cho cùng, bia rượu với nước cam có vẻ chẳng ăn nhập gì với nhau. Tuy nhiên, giới chuyên gia dinh dưỡng Mỹ khuyên trước khi lên giường ngủ, hãy bổ sung cơ thể bằng loại vitamin này, vì vitamin C giúp gan phân hủy chất cồn nhanh hơn, đồng thời tăng tốc độ đào thải rượu bia khỏi cơ thể.

Hỗn hợp mật ong và sữa chua

Một loại thức uống khác có thể góp phần xua đi ảnh hưởng của bia rượu chính là hỗn hợp mật ong và sữa chua. Trộn 3 muỗng súp mật ong với sữa chua nguyên kem ít béo (sữa chua làm theo công thức của Hy Lạp), hoặc mật ong pha nước ép cam. Đường fructose đẩy nhanh tốc độ phân hủy chất cồn ở gan.

Cà phê

Chất cồn khiến mạch máu giãn nở, và đây là phản ứng khiến đầu của bạn nhức như búa bổ. May mắn là đa số người thích uống cà phê vào buổi sáng do công dụng kích thích thần kinh. Hiệu ứng này giúp co lại những mạch máu bị giãn nở quá mức. Lưu ý, chỉ cần một ly cà phê là đủ, nếu không muốn cơ thể bị mất nước thêm do ảnh hưởng của caffein.

Cỏ mạch

Đây là chất giải độc tố tự nhiên, có tác dụng tẩy sạch độc chất trong cơ thể, cung cấp nước và năng lượng cho các tế bào. Đối với những người mê thức uống hữu cơ, cỏ mạch được xếp vào dạng thực phẩm tăng lực cho sự sống. Do vậy, các chuyên gia khuyên nên uống một ly nước xay từ cỏ mạch để nhanh chóng tẩy sạch chất có hại trong cơ thể đồng thời bổ sung nước, và thêm 1 ly nữa vào buổi sáng hôm sau để tái tạo năng lượng cho một ngày mới.

Thứ Ba, tháng 1 17, 2012

Chai rượu Whisky lâu đời và đắt nhất


Hãy cùng thưởng thức rượu mạch nha đã 105 tuổi rồi nào! Các nhà bán lẻ trực tuyến và đóng chai độc lập từ Anh cùng thạc sĩ Malt đã đưa ra số liệu chính xác nhất về tuổi của chai rượu này. Chai rượu này được chưng cất vào 17 tháng 2 năm 1906 tại Aisla T’Orten và giờ nó đã 105 tuổi. Chắc các bạn đang băn khoăn về giá cả của chai rượu cổ này phải không? Với 1.405.000 USD (tương đương với 2,8 tỷ VNĐ) và bạn sẽ có nó !

Tết: Đừng biến rượu bia thành kẻ thù!

Nôn ói sau khi uống rượu bia là một trong những biểu hiện thường gặp nhất của ngộ độc rượu. Say xỉn = ngộ độc rượu.

 

Nói về rượu bia, nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bàn về cả lợi ích và tác hại rồi (…). Trong khuôn khổ một bài báo, có lẽ tôi xin phép được đề cập thẳng vào một số vấn đề liên quan đến rượu bia và cả những ngộ nhận thường gặp trong xã hội.

Say xỉn = ngộ độc rượu

Tất cả thức uống chứa cồn (alcohol), từ rượu cao độ chứa rất nhiều cồn (như rượu đế, rượu Tây…) đến bia nhẹ “đô” hơn vẫn chứa lượng cồn đáng kể. Chất làm người ta say xỉn chứa trong rượu và cả trong bia là ethanol tức cồn ethylic. Say xỉn rượu bia là từ thường dùng trong đời sống hằng ngày, trong y học thì gọi là ngộ độc rượu. Rượu chứa cồn cao độ như rượu đế hay Whiskey chứa tới 40% cồn hoặc hơn, trong khi bia chứa cồn độ thấp, 2%-10%. Bởi chứa lượng cồn không cao nên người ta dễ hiểu lầm uống bia nhiều chẳng việc gì.

Khi uống rượu hay bia, gan của chúng ta phải làm việc cật lực để giải độc và cơ thể phải thích ứng với độc chất là cồn. Chỉ cần uống rượu bia sau vài phút đã có cồn hấp thu qua dạ dày (đến 70%), ruột để vào máu. Khi ấy nhiều cơ quan trong cơ thể bị tác dụng gây độc của cồn.

Khi uống rượu, nồng độ cồn trong máu tăng lên đưa đến ngộ độc từ nhẹ đến nặng tùy theo từng người. Thông thường, khi nồng độ cồn trong máu là 20-50 mg% đã có những rối loạn về hành vi, ở mức 50-100 mg% (tương đương khi uống 1/2 lon bia) bắt đầu rối loạn về điều khiển, với mức 100-150 mg% thì khó khăn về đi lại (mất thăng bằng), còn ở mức 150-250 mg% là rối loạn ý thức, người uống có thể lú lẫn hay sững sờ, không còn nhận thức rõ môi trường xung quanh, không thể ngồi thẳng nếu không có trợ giúp. Khi nồng độ cồn trong máu vượt quá 300 mg% thì xuất hiện hôn mê (ngộ độc nặng) và khi vượt quá 400 mg% là có thể tử vong do ức chế trung tâm hô hấp. Đó là chưa nói đến tình trạng ngộ độc rượu do uống phải rượu có chứa nhiều tạp chất (như furfural, aldehyde, ester…) hoặc rượu có chứa hóa chất độc hại còn gọi là rượu giả (do có chứa cồn công nghiệp: methanol, ethylene glycol vài isopropanol…). Tác động của các hóa chất độc hại có thể gây tổn thương thần kinh thị giác (gây mù lòa), suy thận cấp, rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, trụy tim mạch, thậm chí tử vong nhanh chóng.

Vì sao uống rượu bia lại bị ói?

Nôn ói sau khi uống rượu bia là một trong những biểu hiện thường gặp nhất của ngộ độc rượu. Nôn ói có thể xuất hiện rất sớm hay khá muộn sau khi uống rượu bia (tùy từng người, ít uống hay nghiện rượu).

Nôn ói sớm ngay sau khi uống vài phút đến hàng chục phút hoặc mới chỉ uống với một lượng rượu không nhiều được gọi là nôn ói “phản xạ”, đó là phản xạ có lợi để tống tháo chất có hại (chất độc) ra khỏi cơ thể. Nôn ói cũng có thể khá muộn (từ vài giờ đến hàng chục giờ) sau uống rượu bia. Biểu hiện này thì phức tạp hơn nhiều vì có thể do rượu bia đã gây viêm, trợt loét niêm mạc thực quản, dạ dày (có thể nôn ra thức ăn lẫn máu hay nôn ra máu) hoặc thậm chí say xỉn (ngộ độc) đã đến mức độ nặng với nhiều biến chứng như viêm tụy cấp, rối loạn biến dưỡng gây nhiễm toan chuyển hóa (nôn ói dữ dội, không thể kiềm chế được, đe dọa tính mạng).

Đối với nôn ói phản xạ, cần “tôn trọng” và nên nôn hết mọi thứ khi có cảm giác buồn nôn, tránh kiềm nén hoặc dùng thuốc chống nôn, vì như vậy bạn đã vô tình giữ lại những chất độc mà cơ thể đang cố gắng vận dụng cơ chế tự bảo vệ để đào thải ra ngoài.

Đối với nôn ói muộn, nhất là nôn ra thức ăn lẫn máu hoặc nôn ra máu và nôn ói dữ dội, không thể kiềm chế được,… cần thiết đến bệnh viện ngay để được chăm sóc, cứu chữa kịp thời.

Lời khuyên cho người uống rượu

Nên:

- Tạo cho mình một giới hạn mỗi khi uống (VD: Một lon bia hoặc một ly rượu vang hay một ly nhỏ rượu mạnh).

- Ăn thứ gì đó trước và trong khi uống rượu bia, nó giúp làm chậm lại quá trình hấp thụ cồn, làm nhẹ bớt mức độ ngộ độc.

- Nôn hết mọi thứ khi có cảm giác buồn nôn để tống chất độc ra khỏi cơ thể. Sau đó cần uống đủ nước (có thể dùng nước ép trái cây, trà đường, chanh đường hoặc đậu xanh đường...) nhằm bù đắp lượng nước bị mất khi nôn ói và tránh bị hạ đường huyết (rất thường gặp khi say xỉn rượu), thêm nữa là nhằm pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng.

Không nên:

- Uống rượu bia trước và trong khi lái xe hay vận hành máy, thiết bị, làm việc trên cao, chơi thể thao,…

- Uống rượu bia khi bụng đang đói, uống nhanh kiểu cấp tập.

- Dùng các loại thuốc chống nôn ói trước khi uống rượu bia vì chẳng có ích lợi gì, chỉ gây hại cho cơ thể.

Cơ quan chịu tác động nhiều nhất của rượu là hệ thần kinh trung ương (mới uống rượu thì gây ngộ độc cấp với biểu hiện chủ yếu là rối loạn ý thức ở nhiều mức độ, uống rượu lâu dài sẽ bị nghiện rượu, là bệnh được xếp vào nhóm “bệnh tâm thần” ngang hàng với nghiện ma túy), kế đến là gan (dễ bị viêm gan do rượu, xơ gan), rồi đến dạ dày tá tràng (bị viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa), viêm tụy cấp, suy tim cấp...

Thứ Hai, tháng 1 16, 2012

Rượu từ nước lã pha cồn

Mỗi ngày có hàng nghìn lít rượu được pha chế từ nước lã, cồn tuồn vào các quán nhậu với danh nghĩa rượu quê, đầu độc sức khỏe người tiêu dùng.

 

Bí kíp “men tươi”

 

Khảo sát của Thanh Niên cho thấy các quán nhậu, cơm bình dân, rượu ốc… tại Q.Cầu Giấy, Q.Thanh Xuân, H.Từ Liêm, H.Đông Anh, H.Sóc Sơn (Hà Nội)… đều đang bán công khai loại rượu gạo uống cực “êm”, “phê” hết cỡ nhưng giá thì siêu rẻ, chỉ khoảng 10 ngàn đồng/lít. Gọi là siêu rẻ vì theo tính toán của dân nấu rượu chuyên nghiệp, giá bán này còn thấp hơn nhiều so với giá thành.

 

“Thường cứ nấu 10 kg gạo sẽ thu được khoảng 7 - 7,5 lít rượu. Giá 1 kg gạo rẻ cũng trên dưới 20 ngàn đồng, vị chi tiền gạo đã hết cả trăm ngàn đồng rồi, chưa kể tiền than, tiền men, tiền vận chuyển... Bán 7,5 lít rượu với giá 10 ngàn đồng/lít mới chỉ thu về 75 ngàn đồng. Tính sơ đã thấy lỗ nặng. Ai dại gì mà đi nấu rượu để bán nữa”, chị B., một người chuyên nấu rượu tại làng Vân (xã Vân Hà, H.Việt Yên, Bắc Giang) nhẩm tính.

 

Chúng tôi tìm về làng Vân và thôn Đại Lâm (xã Tam Đa, H.Yên Phong, Bắc Ninh) để tìm câu trả lời.


Bơm chất lỏng vào thùng nhựa để pha chế rượu và sắn dùng để nấu rượu chất đống ra đường - Ảnh: M.S - Q.D

Tại hai làng này, chúng tôi đều bắt gặp những đống sắn to tướng ở ven đường. Nhiều người đem quang gánh, xe thồ đến cân sắn, trả tiền cho chủ hàng rồi tất tả chở về nhà. “Sắn đó dùng để nấu rượu đấy. Giá chỉ 5 ngàn đồng/kg, “kinh tế” hơn nhiều so với nấu bằng gạo”, chị B. nói. Tuy nhiên, theo chị B., dù có nấu rượu sắn nhưng làm “thật thà” thì cũng chẳng thể nào làm ra được thứ rượu bán buôn với giá trên 8 ngàn đồng/lít.

 

Để hạ giá thành, những người nấu rượu siêu rẻ đã sử dụng “men tươi”, một thứ “thần dược” giúp cho rượu ra nhiều hơn, có thể tăng gần gấp đôi so với sử dụng các loại men truyền thống. Dùng men này, 10 kg sắn có thể “cất” được tới 14 - 15 lít rượu. Men tươi còn “góp phần giải phóng sức lao động” khi người nấu rượu không phải nhọc công tải cơm, rải đều men mà chỉ cần pha vào nước, tưới đều lên đống cơm rồi đem đi ủ trước khi cho vào nồi chưng cất.

 

Cách thức pha cồn hoa quả và nước lã thành rượu gạo không chỉ có giá thành siêu rẻ mà còn không phải nổi lửa, không phải chưng cất, không tốn nhiều diện tích mặt bằng

Q. - một người dân ở xã Tam Đa, H.Yên Phong, Bắc Ninh

Chúng tôi mua 1 túi “men tươi” tại làng Vân, chỉ với giá 40 ngàn đồng. Túi men màu đen, nặng 500 gr, bên trong đựng 5 túi nhỏ, có thể dùng để ủ được 1 tạ gạo. Người bán gói men cho chúng tôi xác nhận, men này trước mua từ Trung Quốc về bán nhưng giờ thì có người Việt cung cấp. “Tôi cũng chẳng biết nó được sản xuất ở đâu nữa. Chỉ thấy người ta bán và có người hỏi mua nên tôi lấy về bán kiếm lời thôi”, anh này nói.

 

Sản lượng tăng đáng kể nhờ vào thứ men tươi nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, rượu sắn nấu ra có mùi nồng, hắc, không thơm như rượu gạo và rất khó uống, không được các ma men ưa chuộng. Để “khử” những đặc tính bất lợi này, dân nấu rượu siêu rẻ còn phải thực hiện thêm một thủ thuật khác, tuy đơn giản nhưng lại đạt hiệu quả rất cao. Người ta pha thêm nước và đường hóa học với công thức: 10 lít rượu sắn + 2 lít nước + 5 viên đường hóa học, rồi cho tất cả vào thùng, đậy kín, lăn qua lăn lại là được rượu gạo thơm, rẻ.

 

Cồn hoa quả + nước lã = rượu gạo

 

Dọc con đường chạy xuyên qua thôn Đại Lâm (xã Tam Đa, H.Yên Phong, Bắc Ninh) không khó để chúng tôi bắt gặp những đống thùng phi nhựa màu xanh, mỗi thùng ước đựng được trên 200 lít chất lỏng. Theo kinh nghiệm của người nấu rượu như chị B., loại thùng này không thích hợp cho việc chứa rượu gạo nguyên chất, làm rượu bớt ngon nhưng lại tỏ ra rất hữu ích đối với việc chế biến rượu từ cồn. Người ta thường bơm nước gần đầy thùng, sau đó cho khoảng 10 - 20 lít rượu sắn vào, cho thêm một lượng nhất định “cồn hoa quả” bán trôi nổi trên thị trường, quấy đều để tạo ra thứ rượu gạo giá cực rẻ, có mùi vị y như rượu thật.

 

Khoảng gần 4 giờ chiều, chúng tôi bắt gặp ít nhất 2 nhóm người đang làm việc cật lực bên những đống thùng nhựa màu xanh. Một nhóm dùng bơm máy mini để bơm một thứ chất lỏng gì đó vào các thùng nhựa. Nhóm khác, gồm 2 người phụ nữ trung niên, cũng dùng vòi nhựa hút chất lỏng vào thùng nhựa trên 200 lít. Sau đó, một người cho thêm thứ chất lỏng gì đó vào thùng, lấy gậy và cố hết sức quấy thật mạnh một hồi. Người phụ nữ còn lại, với lấy cây gậy ở bên cạnh, một đầu có gắn chiếc phễu nhỏ kèm theo cái nhiệt kế (cặp nhiệt độ y tế - PV) nhúng xuống thùng nước rồi lấy lên xem thử. Hình như rượu pha chưa đủ độ (nhìn vào vạch trên nhiệt kế có thể biết được độ rượu - PV) nên họ lại cho thứ chất lỏng bí mật đựng sẵn ở chậu vào thùng và lặp lại thao tác như đã nêu trên.

 

 

“Cách thức pha cồn hoa quả và nước lã thành rượu gạo không chỉ có giá thành siêu rẻ mà còn không phải nổi lửa, không phải chưng cất, không tốn nhiều diện tích mặt bằng”, Q. cho biết. Theo anh này, cồn hoa quả có giá khoảng 15.000 đồng/lít và thường thì 1 lít cồn hoa quả có thể pha chế với nước lã để tạo thành nhiều lít rượu gạo.

 

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đình Minh - Phó chủ tịch UBND xã Tam Đa xác nhận, việc người dân làm rượu bằng cách pha nước lã và cồn ở Đại Lâm là có thật, đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chính quyền sở tại chưa có cách gì để dẹp bỏ. Theo ông Minh, trên địa bàn hiện có nhiều đại lý, gom rượu của người dân về, tổ chức pha chế thêm rồi chở đi bán cho khách hàng ở một loạt các địa phương phía bắc, thậm chí cả miền Trung. Mỗi ngày ước chừng có không dưới 10 ngàn lít rượu lên xe rời khỏi Đại Lâm.

 

“Một số hộ kinh doanh lấy cồn hoa quả pha với nước lã và rượu sắn để làm rượu gạo bán cho các mối hàng ở xa. Rượu nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tỷ lệ cồn/nước/rượu sắn và nhu cầu của khách hàng. Và đó cũng là “chuyên môn”, là bí quyết gia truyền của từng nhà, từng người, chúng tôi chưa nắm rõ được”, ông Minh nói.

 

Theo ông Minh, Đại Lâm từ lâu đã có tiếng về nghề nấu rượu gạo. Tuy nhiên, từ năm 2000, phong trào “củ sắn - con lợn” (nấu rượu sắn, tận dụng bã để nuôi lợn) phát triển quá nóng, vì lợi ích cá nhân trước mắt, một số người đã đưa công nghệ “pha chế rượu từ cồn và nước lã” về làng khiến cho nghề nấu rượu truyền thống nơi đây bị mai một dần. Từ chỗ có tới 80% số hộ dân trong làng có bếp nấu rượu, giờ con số đó chỉ còn chưa đầy 30%.

 

Ông Minh xác nhận, rượu sắn cho cồn hoa quả và nước vào có được mùi thơm đặc trưng của rượu gạo. “Chúng tôi chỉ nhìn bằng mắt thường. Biết người ta bỏ cồn và nước lã vào rượu nhưng không đủ căn cứ để bảo người ta vi phạm. Nếu người dân uống rượu này rồi lăn ra chết thì lại là chuyện khác. Đằng này, về hình thức và cảm tính, đúng là thứ chất lỏng đặc biệt đó vẫn là rượu. Chúng tôi rất muốn các cơ quan hữu trách cấp trên và nhà khoa học vào cuộc, lấy mẫu phân tích để chỉ tận tay day tận trán các cơ sở vi phạm, chúng tôi mới có hướng xử lý”, ông Minh nói.

 

 

Men “thần dược” không rõ xuất xứ

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đình Minh - Phó chủ tịch UBND xã Tam Đa, cho biết: Qua tìm hiểu thì các đại lý kinh doanh loại rượu siêu rẻ ở thôn Đại Lâm thường sử dụng một loại cồn để pha chế, đó là cồn thơm hay còn gọi bằng cái tên khá "kêu": cồn hoa quả. Sở dĩ dân làm rượu gọi cồn thơm bằng cồn hoa quả, là bởi loại cồn này có mùi hương như hoa quả chín. Theo đó, cồn hoa quả được sản xuất và tinh chế từ cây mía, mật mía, củ sắn, ngô và một số loại hoa quả khác… Theo ông Minh, trên địa bàn một số khu vực lân cận với xã Tam Đa cũng có vài ba nhà máy sản xuất loại cồn này. Tuy nhiên cũng có nhiều đại lý kinh doanh rượu siêu rẻ ở thôn Đại Lâm thường xuyên nhập hàng xe container cồn hoa quả chế xuất từ sắn ở khu vực miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) và cồn hoa quả từ mía ở thành phố Cần Thơ về để pha chế rượu siêu rẻ. Ông Minh cho biết thêm giá nhập cồn hoa quả loại này chừng 15.000 đồng/lít.

Ở một hướng thông tin khác, loại men tươi mà chúng tôi mua được tại một gia đình ở làng Vân trên bao bì có ghi dòng chữ “Công ty men rượu Hà Nội”. Tuy nhiên, khi xem kỹ trên bao bì chủng loại men này thì không hề có ghi hạn sử dụng cũng như ngày sản xuất. Và một điều đáng lạ khác là cho dù có đề “Công ty men rượu Hà Nội”, nhưng lại không ghi địa chỉ, số điện thoại của công ty này.

 

 

 

 

Ngộ độc rượu gây chết người

Đầu năm 2012, sau khi uống rượu suốt cả ngày, 3 người đàn ông ở tỉnh Hà Giang (41 tuổi, 36 tuổi và 18 tuổi) đã bị tử vong ngay bên bàn nhậu. Trước đó không lâu, ngày 17.12.2011 cũng xảy ra vụ ngộ độc sau khi uống rượu tại huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), khiến 3 người đàn ông trong một gia đình bị tử vong sau đó mấy ngày.

Giữa tháng 11.2011, một vụ ngộ độc sau khi uống rượu xảy ra tại xã Phú An (Phú Tân, tỉnh An Giang) khiến 4 người đàn ông lớn tuổi (từ 45 - 62 tuổi) phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Nhưng, rất may trong vụ ngộ độc này không có người tử vong.

Vụ ngộ độc rượu tập thể lớn nhất trong năm 2011 xảy ra ở đám cưới của gia đình ông Lê Văn Niển (H.Châu Phú, tỉnh An Giang), khiến 38 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 2 người bị tử vong.

Trong các vụ ngộ độc rượu nói trên, cơ quan chức năng phát hiện có rượu bị pha chế từ cồn công nghiệp, có rượu chứa hàm lượng methanol rất cao. Methanol rất độc cho thần kinh, làm tê liệt hệ thống thần kinh, dẫn đến tử vong.

Thanh Tùng

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng