Thứ Tư, tháng 7 08, 2009

Mùa ốc ở vịnh Lăng Cô


Ở vịnh Lăng Cô có cả những công dân nhí mới lên 5, 6, chưa được đến trường đã cắp chậu ra vịnh cào ốc. Dầm mình cả ngày dưới nước, môi tím tái, răng bập vào nhau lập cập, nhưng bọn trẻ không nản vì chúng muốn giúp cha mẹ mưu sinh…

Người già, phụ nữ và cả trẻ em, từ sáng sớm đến chiều tối cứ dầm mình dưới đầm Lập An (Hải Lộc, Lăng Cô, Thừa Thiên Huế) - một đầm nhỏ thuộc quần thể vịnh Lăng Cô để cào ốc, sò, nghêu… mưu sinh qua ngày.

Một ngày mưu sinh của người dân nghèo nơi đây là việc dầm mình dưới đầm Lập An từ lúc mặt trời chưa lên cho đến khi mặt trời “đi ngủ”. Người mang rổ rá, người dùng cào tự chế để cào nhưng phần lớn là dùng tay. Họ dầm mình dưới nước, đầu ngụp xuống rồi nhô lên, liên tục, để mò ốc.

Chiếc chậu được mắc thêm một sợi dây buộc chặt vào bên hông để bỏ ốc. Khi chậu đầy lại mang lên bờ để đãi sạch, trút vào bao rồi lại xuống tiếp tục ngụp lặn. Những người cào sò, ốc ở đây phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Cả ngày dầm mình trong nước bẩn, cực khổ là thế nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Mỗi kg ốc, sò bán được 1, 2 ngàn đồng nên dù làm liền tay, cả ngày cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn.

Mệ Đặng Thị Mãi (74 tuổi) ở Lộc Hải, nhà có năm người con, cho biết: “Mệ ngày mô cũng phải đi, biết mình không kiếm được nhiều nhưng ở nhà lấy chi mà ăn. Mỗi ngày mệ kiếm được bảy ngàn đến mười ngàn thôi. Cực lắm chú ơi!”.

Ở vịnh Lăng Cô có cả những công dân nhí mới lên 5, 6, chưa được đến trường đã cắp chậu, cắp cào ra vịnh. Cậu bé Phúc, học sinh lớp một, vừa được nghỉ hè đã theo mẹ đi cào nghêu, ốc. Dầm mình cả ngày dưới nước, môi tím tái, hai hàm răng bập vào nhau lập cập, Phúc nói: “Em đi cào ốc với mẹ để lấy tiền mua sách vở, quần áo chuẩn bị cho năm học mới”.


Phân biệt mật ong thật-giả

Mật ong loại làm giả là có trộn lẫn nước đường, muối ăn, đạm hóa học, tinh bột, đường mạch nha...Còn loại chính hiệu đặc quánh, độ kết dính cao, có mùi thơm, có các mầu trắng, vàng nhạt hay hồng nhạt, trông rất trong. Cùng XinhXinh nhận biết loại thực phẩm này nhé!

- Dùng một que tre sạch khuấy đều: Nếu trong mật ong có trộn lẫn các chất khác sẽ thấy màu đục lên còn loại chính hiệu sẽ không có hiện tượng ấy.

- Dùng chiếc đũa tre sạch khêu một ít mật ong rồi kéo thành sợi, sợi kéo dài thì sẽ đứt, nếu bị đứt mà co lại thành hình cục tròn thì đấy là loại hảo hạng. Loại này, khi sợi kéo lên khi chảy xuống sẽ xếp hình chóp.

- Dùng một sợi thép hơ nóng đỏ lên chọc vào mật ong, nếu thấy sủi bọt phả hơi thì đó là mật ong giả, người bán đã trộn lẫn khá nhiều nước.

- Lấy một tờ giấy trắng sạch rồi bôi mật ong lên đó, nếu mật ong chính hiệu sẽ thấm rất chậm, còn loại giả thì chỉ vừa phết lên đã thấm ướt ngay. Nếu đang ở trong vườn bạn dùng chính vạt áo để thay thế giấy cũng được.

- Lấy một phần mật ong và 5 phần nước quấy đều rồi đậy lại để một ngày, nếu không thấy có chất lắng xuống thì đó là mật ong tốt.

- Dùng một cọng hành nhúng vào mật ong, nếu mật thật thì cọng hành héo đi rất nhanh.

Tùy vào trường hợp và điều kiện cụ thể bạn hãy lựa chọn cách hợp lý nhé.

Chuẩn bị uống rượu vang

Rượu vang là một thức uống khá "khó tính" trong cách bảo quản. Nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn đến hương vị và chất lượng của rượu. Nếu muốn tận hưởng rượu vang đậm chất nhất, hãy tham khảo những lời khuyên về cách bảo quan dưới đây.
1. Rượu vang đỏ
Nên uống ở nhiệt độ phòng 22°C cao hơn nhiệt độ hầm.

Còn nếu không thì nên ướp trong tủ lạnh khoảng 20 phút trước khi dùng.

2. Rượu vang trắng

Nên ướp trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 1° – 5°C khoảng 1h30 phút trước khi uống.

3. Rượu vang hồng

Rượu vang hồng sử dụng ngon nhất ở nhiệt độ: từ 6° tới 10 °C.

4. Champagne và vang sủi tăm

Nên ướp lạnh hoàn toàn.

Ướp trong tủ lạnh khoảng 1h30 phút hoặc xô nước đá 20 phút trước khi uống.

Đối với những chai Champagne có niên hiệu và những chai vang nổ ngon thì nên làm ấm chai hơn một chút trước khi dùng để không làm mất đi những đặc tính rất riêng của rượu trưởng thành (lâu năm).

Lưu ý: Những nhiệt độ nói ở trên là những nhiệt độ thích hợp với nhiệt độ của đất nước Pháp.

Nhiệt độ của phòng thưởng thức rượu ở Pháp vào khoảng từ 19° cho tới 21°.

Nếu nhiệt độ của phòng thưởng thức rượu cao hơn nhiều thì phải tăng những mức nhiệt độ nói ở trên của rượu lên một hay hai độ.

5. Cách tăng hay hạ nhiệt độ cho chai rượu vang

Làm cho nhiệt độ tăng lên

- Mang chai rượu ở hầm rượu lên phòng ăn trước 3h đồng hồ

- Không nên để chai rượu ở gần chỗ nóng, như là lò sưởi hay mặt trời chẳng hạn.

- Nên dùng một cái khăn ẩm và ấm bao chung quanh chai rượu lại, nếu có nhiều chai thì cần mỗi chai là một cái khăn ấm, rồi xếp lên nhau và nên bao phủ hết cả bằng một chiếc khăn ẩm và ấm.

Làm cho nhiệt độ giảm đi

- Nên làm như ở trên, cũng dùng một chiếc khăn ẩm và lạnh thì chai rượu sẽ có nhiệt độ mát, rồi để vài miếng nước đá lên trên cái khăn bao phủ.

- Có thể để vào tủ lạnh, nhưng phải để ở chỗ thấp nhất, chỗ ít lạnh nhất của tủ lạnh.

Đặc biệt: Chú ý phải tránh bỏ chai rượu vang vào chỗ làm nước đá của tủ lạnh vì nhiệt độ xuống quá thấp, quá lạnh làm cho rượu bị hư hỏng.

Hầu hết tất cả các loại rượu vang không thích hợp với nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao, đặc biệt khi nhiệt độ thay đổi quá đột ngột từ thái cực nọ qua thái cực kia.

Mẹo pha cà phê ngon

Nhiều hãng sản xuất đưa ra loại sản phẩm cà phê hòa tan với đầy đủ thành phần. Người dùng chỉ việc pha với nước nóng. Nhưng nếu bạn nghĩ, pha cà phê chỉ cần làm vậy thì sẽ không bao giờ có được tách cà phê ngon. Dưới đây là một số mẹo nhỏ để bạn hoàn thành công việc tưởng chừng đơn giản này.
Cách bước thực hiện:

- Trước hết, bạn cần mua đúng loại cà phê dùng cho cách pha phin, tránh mua những sản phẩm dành cho các kiểu pha đại trà.

- Nước pha cà phê phải là nước đang sôi, nước sôi hơi già càng tốt.

- Bắc nước từ bếp xuống pha ngay. Không nên dùng nước sôi chứa trong bình thủy.

- Lượng cà phê cần dùng tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, lượng trung bình khoảng 29 gam cho loại đen và 17 gam đối với loại có sữa.

- Đảm bảo phin và tách phải sạch và khô.

- Đặt phin lên miệng tách, cho vào phin một lượng cà phê, sau đó lắc nhẹ phin đều tay, xoay theo hình xoắn ốc cho có độ chặt nhất định.

- Tráng phin và ly cho nóng, rồi đặt ly vào một ly nước nóng khác rồi hãy cho bột cà phê vào pha.

- Chế nước sôi vào từ từ cho đến mức mình muốn. Không nên chế nước hai lần vào phin vì cà phê sẽ nhạt mùi.

Sành điệu khi uống rượu tại nhà hàng

Khi đi ăn tại nhà hàng sang trọng, chọn rượu và uống rượu thực sự là cả một nghệ thuật. Mỗi loại rượu đi phù hợp với một món ăn khác nhau. Cùng một loại rượu nhưng tuỳ theo năm sản xuất mà mùi vị sẽ khác... Một số lời khuyên nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn "sành điệu" hơn khi uống rượu tại nhà hàng.
Cách chọn thực đơn rượu thích hợp

- Một thực đơn rượu tốt là đầy đủ các chi tiết của rượu, nơi sản xuất, năm sản xuất…người sành điệu là người nắm rõ thời tiết tốt hay xấu tại từng vùng và vì vậy sẽ biết rõ rượu sản xuất năm nào là lọai rượu ngon.

- Nếu trong thực đơn không nói chi tiết nào khác ngoài tên rượu và gia tiền. Bạn có thể hỏi xin ngửi mùi hoặc nếm thử một ít trước khi gọi.

- Nếu không sành về rượu và không nhớ hết mọi thông tin, bạn có thể mang theo cuốn sách chuyên nghiệp để so sánh ngay tại bàn ăn (chỉ có điều là bạn sẽ mất điểm nếu có người đẹp đi cùng)

Những điều cần biết khi thưởng thức rượu



- Khi rượu được đưa ra tới bàn, nên cẩn thận nhìn lại nhãn hiệu để chắc chắn rằng loại đó bạn đã gọi. Nhiều khi trong tình trạng nhà hàng bận rộn hoặc nhân viên chểnh mang khui nhầm một loại rượu khác thì bạn có quyền xin đổi lại.

- Bạn nên xem sét qua để biết nút không bị mốc, nhủi không có mùi chua hay mùi vị khác.. đó là nguyên nhân do đóng nút chai không đúng cách khiến rượu bị hỏng. Trong trương hợp này, bạn có thể phàn nàn hay xin đổi chai rượu

- Khi rót rượu ra ly, cách đúng nhất là rót 4 phần của ly mà thôi, như vậy là đủ cho một lần nhấm nháp của khách.

- Trước khi uống bạn phải thực hiện đúng thao tác các bước thưởng thức rượu như xoay tròn ly rượu, ngửi mùi vị để thưởng thức trước, và sau đó là uống từng ngụm nhỏ.

- Uống rượu vang tránh tình trạng tu ừng ực như tu rượi đế, bạn sẽ mất điểm sành điệu ngay.


- Bạn có thể yêu cầu nhân viên phục vụ rượu ở nhiệt độ thích hợp. Nếu là nhà hàng sang trọng và mức am hiểu cao, họ tự động mang rượu ra trong xô đá nhỏ ( nếu điều đó là cần thiết với các loại đặc biệt cần ướp lạnh, chẳng hạn như champange),

- Nhưng nếu họ làm sai quy tắc , bạn có thể yêu cầu họ để chai rượu ở nhiệt độ thích hợp trước khi khui, nhất là với khí hậu nóng như ở Việt Nam, nhiệt độ mát lại càng cần thiết hơn đối với các loại rượu vang.

Rượu rẻ hơn nước

Đối phó với khủng hoảng, mọi người chọn giải pháp tiết kiệm chi tiêu bằng cách nấu nướng tại nhà và chọn các món ăn nhanh. Tuy nhiên, giờ đây bạn có thể ăn và uống như một ông hoàng với giá rẻ như cho.

Tại sao lại có sự ngược đời như thế? Chính khủng hoảng kinh tế đã khiến ngành công nghiệp hải sản suy thoái. Giờ đây bạn có thể dễ dàng thưởng thức món tôm hùm ngon lành cho bữa trưa trên bán đảo Cape cod mà không phải băn khoăn về giá.

Hãy khiến bữa tối của bạn thú vị hơn với rượu ngoại Vino và tôm hùm bởi giá rượu giờ đây còn "rẻ hơn cả nước".

Nhà phân phối lẻ rượu vang Australia Dan Murphy đang để giá 1,99 USD/chai vang “cleanskin” (có thể là rượu ngon của một hãng có tên tuổi nhưng bị ứ đọng phải bán tống bán tháo, chai không dán nhãn để tránh tiếng cho hãng), thấp hơn giá một chai nước lọc. Đại diện của hãng cho biết sẽ duy trì mức giá này trong một thời gian để đối phó tình trạng cung vượt cầu hiện nay.

Theo tờ New York Times, giá bán hiện nay không bằng một nửa giá bán cách đây 10 năm.

Hiệp hội Các nhà sản xuất rượu vang Australia cho biết, do suy thoái kinh tế, cần phải giảm 20% lượng nho trong vòng 3 năm tới để tái cân bằng cung cầu mặt hàng rượu vang. Trung bình mỗi mùa vụ chỉ cần khoảng 1,5 triệu tấn nho đã đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất rượu vang. Thế nhưng dự đoán lượng nho thu hoạch trong năm nay lên đến 1,7 triệu tấn, trong khi vào năm 2008 là 1,8 triệu tấn. Khủng hoảng thừa chính là mối đe dọa với những nhà sản xuất rượu vang tại Australia.

Thứ Hai, tháng 7 06, 2009

Kỷ lục cầm cốc bia bằng tay

Một người đàn ông Australia vừa mới đánh bại những đối thủ người Đức trong một cuộc thách đố kì quặc, có thể cầm được nhiều cốc bia nhất. Tình cờ, một kỷ lục thế giới đã được xác lập!



Chủ một nhà hàng ăn ở Australia người gốc Bavaria tên là Reinhard Wurtz vừa mới phá kỷ lục thế giới với màn trình diễn cầm bằng tay được nhiều cốc bia đầy loại 1 lít nhất. Màn trình diễn mới chỉ diễn ra vào tối hôm qua (15/11/2007), trong đó, ông Reinhard Wurtz đã cầm trên tay 20 cốc bia và đi được quãng đường dài 40 m!

Trung bình, mỗi cốc bia loại 1 lít đầy có cân nặng 2,5 kg. Theo ước tính, ông Wurtz đã mang được 50 kg bao gồm cả cốc thủy tinh và bia. Và ông cũng là người phá kỷ lục thế giới về cầm cốc bia bằng tay.

7 kỷ lục thế giới về đồ ăn thức uống

1- Chai rượu vang già nua nhất



2- Chiếc Hamburger khổng lồ (Bild)



3- Chiếc bánh Sandwich đắt nhất thế giới


4- Chiếc bánh sinh nhật gồm 7 tầng, nặng 1300 kg và cao 6,5 m


5- Chai bia có độ cồn cao nhất: 25%


6- Túi khoai tây rán lớn nhất, nó nặng tới 368,5 kg


7- Miếng cá phi lê to nhất thế giới


Những món ăn,thức uống đắt nhất thế giới

Người Việt ta thường nói vui “ăn hết lắm chứ sắm hết là bao” - quả thật đúng. Hơn nữa, để được thưởng thức những món cao lương mỹ vị như trong bài viết này thì quả vô cùng tốn kém. Biết đâu, khi đọc xong, nếu có thể, tại sao quý vị lại không nếm thử?

Gia vị đắt nhất thế giới là nhụy hoa kỵ phù nam (còn được gọi là nghệ tây, tên khoa học là Crocus Sativus). Gia vị này được chế biến thủ công bằng cách ngắt nhụy đực của hoa kỵ phù nam, đem sấy khô.


Để làm ra 0,5kg gia vị phải cần tới 225.000 nhụy hoa. Gia vị này còn bị làm giả bằng nhụy của hoa cúc vạn thọ, tuy nhiên “hàng nhái” phải dùng với lượng lớn hơn rất nhiều mà vẫn không thể mang lại hương vị quyến rũ như kỵ phù nam thật. Một kg gia vị nhụy kỵ phù nam “xịn” có giá khoảng 6.000 USD.

Trứng cá đắt nhất thế giới là trứng của loài cá chiên trắng được Iran xuất khẩu với thương hiệu “Almas”. Do số lượng rất hạn chế, nên một kg trứng cá “Almas” có giá khoảng 20.000 USD.


Nấm đắt nhất thế giới là giống nấm trắng Truffel. Người ta không thể biết được chính xác giá một kilôgam nấm này giá là bao nhiêu, bởi mỗi cây nấm lớn thường được bán trong một cuộc đấu giá.

Năm 2004, một người Toscana đã bỏ ra 28.000 bảng Anh cho 850 gam nấm… thối. Để tự an ủi, người mua đã đem vùi cây nấm thối này xuống vườn với hi vọng từ đó sẽ mọc lên một cây nấm khác. Nhưng ông đã vỡ mộng và đành phải ngậm ngùi mang nắm đất có xác nấm về quê hương để làm kỷ niệm.


Gần đây nhất là vào năm 2007, trong cuộc bán đấu giá ở Italia, ba tỷ phú Hồng Kông đã bỏ ra 209.000 USD để mua 750 gam nấm loại này mang về nước dùng cho một bữa tiệc hoan hỉ với bạn bè và người thân.

Ở Pháp, những đồn điền trồng nấm Truffel được cảnh sát đặc nhiệm bảo vệ rất cẩn mật, người ta còn gắn chip điện tử vào từng cây nấm và theo dõi chúng qua hệ thống định vị toàn cầu.

Bánh pizza đắt nhất thế giới là món pizza “Luis XIII” của một đầu bếp trẻ người Italia có tên Renato Viola.


Một suất pizza này có giá 8.300 Euro. Vị đầu bếp này cho biết: “Giá trên không phải là do chúng tôi tự thổi phồng lên mà loại bánh pizza này được chế biến từ những nguyên liệu thực phẩm độc nhất vô nhị và tiền công cho hai đầu bếp tài ba đến tận nhà làm món bánh này cho gia đình bạn”.

Loại bánh pizza này được làm bằng pho mát từ sữa trâu đen của Italia, 3 loại trứng cá đen khác nhau, trứng tôm đỏ, tôm đuôi dài và tôm hùm (tất cả các nguyên liệu này hoàn toàn được lấy từ môi trường hoang dã)… Thậm chí, muối để làm loại bánh này cũng không phải muối bình thường làm từ nước biển, mà đó là loại muối màu hồng đặc biệt có tên Murray River của Austalia.

Món kem đắt nhất thế giới là kem được bán ở nhà hàng Serendipity 3 ở New York. Nó được làm từ 25 loại ca cao hảo hạng khác nhau. Bề mặt được phủ một lớp váng sữa đánh bông, bột vàng và một miếng socola nhỏ hiệu La Madeline au Truffle của hãng Knipschildt Chocolatier.


Chiếc ly được trang trí bằng vàng, đá quý và kim cương, cùng một chiếc thìa nhỏ bằng vàng có cuống cũng được nạm kim cương. Giá của ly kem quý tộc này lên tới 25.000 USD. Tuy vậy, không phải bất kỳ lúc nào có tiền bạn cũng có thể chén ngay món kem này tại nhà hàng Serendipity 3, muốn thử, bạn phải gọi điện đặt hàng từ trước.

Sôcôla đắt nhất thế giới là loại sôcôla Chocopologie by Knipschildt do hãng Knipschildt Chocolatier của Mỹ sản xuất. Một pound (tương đương 453 gam) sôcôla Chocopologie by Knipschildt có giá 2.600 USD.


Trà đắt nhất thế giới có tên là Đại hồng bào. Tên gọi này có nghĩa là chiếc áo bào lớn màu đỏ. Người ta làm ra trà này từ lá của 6 khóm trà mọc gần tu viện ở Thiên Tân. Những khóm trà có một không hai này có độ tuổi khoảng 350 năm.

Hàng năm, người ta chỉ thu hoạch được không quá 500 gam loại trà huyền thoại này. Giá 1 kg trà thành phẩm vào khoảng 685.000 USD.


Năm 2005, tại tỉnh Phúc Kiến, người ta đã bán đấu giá 20 gam (khoảng 4 thìa nhỏ) trà Đại hồng bào với giá 208.000 nhân dân tệ (tương đương 25.000 USD), sau đó một tuần, người ta bán tiếp 20 gam với giá 24.000 USD.

Năm 2006, số lượng trà thu hoạch được trong cả vụ được đưa vào lưu giữ tại Bảo tàng trà quốc gia Trung Quốc, sau đó người ta tuyên bố ngừng thu hoạch những khóm trà này.

Vì vậy, từ nay trở đi không ai được thưởng thức món trà “xịn” này nữa. Tuy nhiên, từ năm 80 của thế kỷ trước, từ khóm trà mẹ trên đã được người ta nhân ra thành nhiều khóm con bằng phương pháp chiết cành. Loại trà thu được từ những cây trà thế hệ sau cũng được gọi là Đại hồng bào. Tuy vậy, người thưởng thức đánh giá rằng, thứ trà mới không thể nào sánh được với Đại hồng bào “xịn”.

Rượu sâm banh đắt nhất thế giới thuộc về loại sâm banh Perrier Jouet Belle Epoque de Blanc. Rượu này được chế từ nho của hai vườn nho ở thị trấn Cotes des Blancs, Pháp. Việc sản xuất rượu nho này chỉ được tiến hành vào những năm hai vườn nho trên được mùa. Sâm banh Perrier Jouet Belle Epoque de Blanc có giá 11.000 Euro cho một chai 750 ml.


Rượu whisky đắt nhắt thế giới là rượu The Macallan Fine&Rare Vintage được ủ 60 năm và đóng chai năm 1926. Bạn không thể mua loại rượu này bằng tiền. Tuy nhiên, giá của nó đã được nhiều người biết đến là 38.000 USD/1 chai 750ml. Loại rượu whisky Macallan Fine&Rare được sản xuất năm 1938 cũng được người mua đề nghị với giá trên 10.000 USD/1 chai với dung tích tương tự.


Rượu rum đắt nhất thế giới được công ty Wray&Nephew của Jamaica đóng chai năm 1940. Hiện tại trên thế giới chỉ còn lại 4 chai và mỗi chai được định giá khoảng 53.000 USD. Chính loại rượu rum này dùng để điều chế ra loại coctail Mai Tai nổi tiếng và ngày càng trở nên đắt đỏ hiện nay.


Mặc dù rượu coctail Diamonds-Are-Forever không được điều chế từ các loại nguyên liệu hiếm nhất, nhưng nó lại là loại rượu coctail đắt nhất thế giới hiện nay, với giá 11.000 euro/1 ly. Quý vị có thể đặt hàng món đồ uống này tại khách sạn Rich Carlton ở Tokyo.



Trà Huế

image

Trước đây có người nhận định: đất Huế ở lâu thấy buồn, muốn bỏ đi, nhưng đi xa Huế thì lại thấy như muốn trở về. Thật đúng? Mỗi người dân xứ Huế dù có phiêu dạt nơi đâu cùng ít nhiều gói ghém trong lòng vài kỷ niệm thâm trầm về xứ Huế. Riêng tôi, một trong nhiều kỷ niệm đó là cung cách uống trà của nhiều người Huế.

Lớp bình dân lao động thì uống chè tươi (trà Huế), lớp quý phái quan quyền thì uống trà tàu một cách cầu kỳ và điệu nghệ. Trong phạm vi bài này, chúng tôi sẽ không đi vào các cách uống khác như chè hột, lá mồng năm, nước gạo rang...

Uống chè tươi hay trà Huế là cách uống đơn sơ và bình dị của đa số dân quê Huế. Lá chè (trà) nấu trong một om đất lớn, bỏ thêm vài lá gừng.

Ngoài Bắc và trong Nam cũng uống chè tươi nhưng không bỏ gừng như ở Huế. Dân Nam gọi nước trà tươi là chè Huế. Lá trà to và dầy, được vò ra rồi nấu cho đến khi màu nước trở nên vàng là được.

Những quán chè tươi

Ở Huế, những quán chè tươi có từ lâu đời, và hầu như ở khắp mọi nơi. Thông thường quán chỉ là một mái tranh sơ sài dựng trên bốn cột tre, sau lưng là một tấm phên dựng che gió, đôi khi chỉ là một tấm phên giại, nắng chiếu chiều nào thì che theo chiều ấy. Vị trí quán nước thường ở gốc bàng có tàng lá lớn nằm ở những địa điểm quen thuộc như bến đò, góc chợ, đầu ngọn dốc, trước rạp hát, cửa đình làng vv... Trước đây, tôi đã thấy những quán chè tươi ở các bến đò Thừa Phủ, Cồn Hến, chợ Dinh, sau lưng chợ Đông Ba, chợ Xếp, dọc bến Ngự, Nam Giao hoặc trước cửa trường hát Bà Tuần. Quán bày vài cái đòn (ghế thấp) cho khách ngồi, một cái chõng tre trên úp vài cái đọi (bát) để một đĩa trầu cau mới têm, vài cái thẩu đựng thuốc lá cẩm lệ, giấy quyến, kẹo cau, kẹo gừng, một hai nải chuối, chồng bánh tráng, vài cái bánh ú, bánh tét; đặc biệt có treo một sợi giây dừa đất một đầu cho khách mồi thuốc.

Vào đầu thập niên 1940 trở về trước, giá mỗi đọi nước chè tươi là một trự tiền kẽm (trự Bảo đại trự Khải Định hay trự Đồng Khánh tùy theo thời giá. Tôi còn nhớ vào năm tổ chức tế Nam Giao lần cuối cùng, một nửa đồng xu ăn hai trự Bảo đại). Khi có khách bà bán quán - luôn mặc áo dài - múc một chút nước cốt chè vàng đậm đổ vô một cái đọi, rồi dùng một gáo nước trà đun sôi từ một cái om đất lớn để trên trú (trấu) đốt cháy âm ỉ. Khi đưa cho khách bà quán lại múc thêm một phần gáo nước lạnh chế vô đọi. Cách pha chè tươi thường rất khéo, độ nóng vừa đủ uống, nước đầy vừa chí miệng đọi.

Vào những buổi trưa hè, phượng đỏ rực, ve kêu inh ỏi, trời nóng như bốc lửa, uống một đọi chè huế, ta mới thấy sướng! Hai tay bưng đọi, mắt ngó xuống màu nước chè xanh xanh vàng lợt, sủi bọt bằng đầu tăm, kê miệng vô chén đọi, mùi thơm của lá chè tươi nồng ngát ngai ngái lẫn với mùi thơm của gừng xông vô hai lỗ mũi nở lớn, nín một hơi dài rồi bắt đầu uống! Đọi nước vơi tới đâu nghiêng lưng đọi tới đó, cái đầu không cúi xuống mà trái lại từ từ ngả ra sau. Nước chè tươi uống từng ngụm lớn, liên tục trôi xuống cổ.

Đầu lưỡi tê vị chát của lá chè nhưng ở cổ họng cảm thấy vị ngọt dịu dịu ngây ngất của chất trà.

Tâm can phèo phổi trong giây lát đều được tẩm nhuần bằng giòng nước thơm ngọt ấy. Thiệt là khỏe! Bao nhiêu mệt nhọc của một cuốc xích lô dài vừa leo dốc, một đoạn đường trường gồng gánh từ làng xa tới chợ...tưởng chừng được rịn ra theo những giọt mồ hôi ở trán, ở cổ, ở nách, ở lưng. Muốn hãm cái vị ngọt ngây ngất của đọi chè tươi, khách có thể ăn một viên kẹo cau, kẹo gừng hay bặp bặp vài hơi thuốc cẩm lệ.

Ở Huế, lá chè trồng ở Truồi là ngon nhất hạng. Các chợ thường có bán bó lá chè cột bằng lạt tre vừa đủ nấu một nồi. Nhưng chè tươi nấu ở nhà thường không ngon bằng chè hàng, có lẽ vì pha chè nước cốt không đúng điệu hay tại vì không khát dữ dội như đi ngoài đường!

Uống trà ấm

Nếu uống chè tươi Huế đơn sơ và bình dị bao nhiêu thì uống trà ấm lại đòi hỏi công phu bấy nhiêu. Trong Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Tuân đã tả lại cái nghệ thuật uống trà của lớp người nho học ngày xưa. Cách uống trà tàu ở Huế ngoài sắc thái cầu kỳ như ở Bắc hay Nam Việt Nam, còn có những điểm đặc thù của chốn đế đô. Vì là đất kinh đô với những cung cấm, phủ đê, là nơi sinh sống của những danh gia vọng tộc một thời, Huế có nhiều người biết thưởng thức nghệ thuật uống trà vốn được coi là cung cách của người quý phái.

Huế cũng là trung tâm văn hóa thời xưa với trường thi (nằm ở khu Canh Nông, Thành Nội) là nơi quy tụ những tao nhân mặc khách hay là nơi thành lập những thi xã, văn đoàn, do đó trà và rượu không thể bị coi thường trong sự thù tiếp giao tế. Những thứ trà quý ở bên Tàu cũng như trà cụ (ấm chén) hiếm có chắc chắn đã được các quan đi sứ bên Tàu mang về dâng vua hay tặng các bạn đồng liêu.

Anh Nguyễn Hữu Ái, người bạn vong niên (đã qua đời) của tôi, là một trong những người cuối cùng của xứ Huế xưa đã nâng cung cách uống trà lên hàng trà đạo. Mẹ của anh là một bà chúa có dung dáng đài các. Nhà anh ở đường Minh Mạng, từ dốc cầu Đông Ba đi xuống dưới chùa Phước Điền một chút. Nhờ anh, tôi có dịp dự những buổi trà ẩm tại tư gia anh cũng như ở vài phủ đệ. Tôi chỉ là một kẻ phàm phu rất dốt nát về cách uống trà nên nhớ đến đâu thì tôi ghi chép đến đấy thôi. Anh Nguyễn Hữu Ái rất thông hiểu chữ nho qua việc tự học. Anh đã có chú thích vài áng cổ văn Việt Nam và đã dịch qua Việt ngữ bộ Trung Quốc Triết Học Sử của Phùng Bích Lan. Một trong những cuốn sách quý trên án thư của anh là cuốn Trà Kinh của Lục Vũ (viết thế kỷ thứ 8 đời Đường) dạy về nghệ thuật uống trà.

Khác vời chè tươi nấu từ những lá to và dầy ở phần gốc, trà tàu được chế tạo từ những đọt lá non của cây trà. Đọt trà chữ nho là minh (hay mính hoặc dánh). Trước ở Sài Gòn có tờ báo tên Nông Cổ Mín Đàm lấy ý nghĩa uống trà mà nói chuyện. Cây trà dùng để uống không phải cây trà mi hay cây trà hoa. Tên thảo mộc của trà là thea hay camellia sinensis. Dược tính theo đông y thì trà có chứa tính hàn, vị cam khổ, không độc.

Cây trà gốc ở Trung Hoa (nên có tên Sinensis), về sau lan qua các nước khác như Ấn Độ, Tích Lan. Việt Nam cũng là một nước có mức sản xuất trà khá cao.

Về cách chế trà, đại loại có ba cách:

Loại thanh trà (green tea) : đọt trà tươi hái rồi để héo, xong cán ngay cho vỡ những chất tinh dầu trong thớ lá và sấy khô chứ không để oxyd hoá bằng cách phơi - nghĩa là phương pháp để lên men (fermentation). Thanh trà cho nước màu xanh, hương vị dịu ngọt tự nhiên. Có rất nhiều thứ thanh trà tùy theo tên gọi trên thương trường. Việt Nam ta quen dùng thứ phổ thông gọi là trà Long Tĩnh. Về màu xanh của trà, người Tàu thường làm cho xanh hơn bằng cách nhuộm sulfate de chau, nghệ và chàm.

Loại ô long trà (oolong tea): đọt trà cũng chế biến như trên nhưng lại để lên men một phần (semi-fermented). Nước trà ra không xanh nhưng hơi ngà vàng, mùi thơm và vị chát rất đặc biệt. Trà Thiết Quan Âm là loại trà ô long được nhiều người xứ ta dùng, ngoài ra còn cả trăm thứ ô long trà khác.

Loại ô long trà ở các quán Tàu là thứ rất phổ thông, uống khi ăn lót dạ.

Loại hồng trà (black tea): là loại đọt trà được để lên men kỹ. Nước pha ra có màu đỏ. Đây là thứ trà dân Âu, Mỹ thường hay uống. Loại hồng trà phổ thông của Tàu tên là trà Kỳ Môn.

Trà có thể rời từng là hoặc đóng thành bánh. Việt Nam trước cũng uống trà Mạn Hảo thường đóng từng bánh cho nên có câu:
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Mạn Hảo xem nôm Thúy Kiều

Còn một thứ trà trắng gọi là bạch trà ít được chuộng.

Tất cả các loại trà đều có thể ướp thêm các mùi hoa như sen, thủy tiên, sói, mộc, nhài, cúc... tùy theo sở thích. Ở Huế các cụ ngày xưa vẫn dùng các loại trà như Long Tĩnh, Thiết Quan Âm. Việt Nam trước đây chỉ có ba nhà buôn trà lớn ở Hà nội là Chính Thái, Sinh Thái và Ninh Thái, nhưng lâu đời nhất là Chính Thái, cho nên họ mới sửa câu ca dao trên thành: “Uống trà Chính Thái xem nôm Thúy Kiều

Theo anh Nguyễn Hữu Ái thì trà được hái vào mùa xuân trước Thanh Minh (gọi là Vũ Tiên) là ngon hơn cả. Đọt trà hái trễ nhất cũng phải là trước tiết cốc vũ. Thời điểm hái trà thường được ghi trên những hộp trà quý. Bây giờ thì không còn được như trước nữa.

Nước pha trà cũng phải rất kén. Bất đắc dĩ lắm các cụ mới dùng đến nước máy vì các cụ chê là có lẫn mùi thuốc lọc nước và mùi rỉ sắt. Tùy theo sở thích, các cụ có thể dùng nước mưa hứng lúc trời đang mưa nửa trận và hứng giữa trời hay nước giếng. Ơ Huế có vài cái giếng tại các chùa cách xa thành phố miệt núi Ngự nổi tiếng trong ngọt hay nước sông Hương múc ở giữa dòng và phải bơi đò lên đến chùa Thiên Mụ. Về nước Hương Giang, vua chúa ngày xưa đã gọi huyện của đô thành Huế là Hương Trà (tên cũ của huyện là Kim Trà nhưng có sông Hương chảy ngang nên gọi là Hương Trà). Riêng cái tên Hương giang cũng đủ gây cho ẩm khách một ấn tượng thơm đẹp rồi chớ đừng nói là dùng nước trong ngọt của Hương Giang mà pha trà. Nhưng cầu kỳ hơn cả là hứng các giọt sương trên lá sen để pha trà. Hồ Tịnh Tâm thuở trước còn là hai hồ sen lớn vây bọc bởi một thành cao cổ kính, sáng sáng các cung nữ thường chèo xuồng nhỏ ra hứng sương về pha trà cho vua ngự.

Các cụ khi dùng trà thường tự tay nấu nước trong những ấm đồng để trên hỏa lò đất bằng than soạn ngay tại phòng khách chớ không nấu dưới bếp đem lên vì sợ lẫn mùi xào nấu. Nước pha trà phải vừa đúng độ sôi, ước lượng qua các tăm nước sủi lên. Nước sôi non, pha trà sẽ nhạt, nước sôi già pha trà sẽ đắng chát.

Ấm phải được tráng nước sôi trước, cốt để ấm có một nhiệt độ tiêu chuẩn. Lượng trà và lượng nước phải tương xứng. Trà tàu thường được uống đậm hơn lối trà Anh. Sau khi bỏ trà vô ấm, một lượt nước sôi được chế vào rồi đổ ngay đi gọi là rửa trà. Đến lượt nước sôi kế tiếp đổ vào thì mới gọi là trà nước nhất. Các ấm trà sau các buổi trà ẩm thường chỉ được rửa sơ qua bằng nước sôi rồi cất trong tủ chè. Tối kỵ là kỳ cọ hay rửa bằng xà phòng vì như thế sẽ phá hẳn lớp cao đóng trong lòng ấm. Cái ấm càng cũ thì lớp cao càng nhiều, cao đóng không phải trên mặt mà thấm vào các lỗ li ti của thành ấm. Ấm mới mua về phải được tôi kỹ bằng cách nấu với trà trước khi dùng.

Ấm trà quý

Đất Thần kinh trước đây có rất nhiều loại ấm quý nổi danh như Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần; các loại khay chén Mai Hạc hay men Celadon của cung cấm và các phủ đệ. Nhưng rồi trải qua bao nhiêu tang thương biến đổi những trà cụ quý giá đó đã bị thất lạc gần hết. Đất Huế đã chịu nhiều cơn sóng gió tao loạn của các biến cố lịch sử như thất thủ kinh đô 23 tháng 5, thời tản cư của chiến tranh Việt Pháp, Tết Mậu Thân, di tản 75... Chính mắt tôi đã trông thấy nhiều đồ sành sứ nội phủ bị đổ ra bán ở chợ Bao Vinh thời mới hồi cư. Các sách xưa bằng giấy bản hoặc các văn kiện, hòa ước cũng bị đem bán để thợ mã mua về dán bồi các con nộm.

Tôi còn nhớ có lần được anh Nguyễn Hữu Ái dắt đi thăm một vị hưu quan của triều đình Huế.

Nhà cụ trong thành Nội. Cụ Hường đã tự tay quạt nước pha trà tiếp khách một cách trân trọng. Cụ mặc áo dài đen gài nút xương trắng, cử chỉ rất khoan thai đĩnh đạc trong việc pha trà.

Những buổi trà ẩm như vậy thường tối đa là ba người để câu chuyện bàn luận thi văn không đến nỗi tẻ nhạt mà cũng không xô bồ ồn ào như các cuộc tửu đàm có trên bốn người. Tiếng than hỏa lò nổ lép bép, lửa rực hồng trở ngọn xanh, khói trà nghi ngút thơm nhẹ, vị trà hơi chát ngọt kín đáo quyện lấy cuống lưỡi... tất cả tạo nên một không khí thanh nhàn cho ẩm khách, nhất là khi ngoài trời mưa lất phất. Các ẩm khách sành điệu thường chỉ uống trà suông, nhưng đôi khi nếu cỏ một dĩa mè xửng Huế hay vài cái bánh trung thu để hãm cái vị đắng ngọt của trà thì cũng vô hại.

Trong các buổi trà đàm, những câu chuyện thi văn hay bàn luận cổ kim thường là đề tài cho ẩm khách. Sau đây là một giai thoại về trà mà tôi đã được nghe, nay xin kể lại hầu quí vị độc giả:

Ngày xưa, cứ ba năm một lần, sứ bộ Việt Nam lại sang Tàu dâng cống vật, nhưng thường chỉ đến đất Lưỡng Quảng rồi về. Một lần kia, vì có việc quan trọng, sứ bộ lên đến tận Yên Kinh vì thế một quan trong sứ bộ được đồng liêu nhờ mua vài thứ quý lạ ở Yên Kinh. Lúc trở về kinh đô Huế, vị quan vì bệnh thình lình, phải sai một đứa trà đồng thân tín đem các vật đã mua đến nhà bạn. Nhà vị đồng liêu kia lại ở cách xa một đoạn đường dài và phải qua một chuyến đò ngang.

Ông bạn nhận các thứ trên, dở ra xem thì là một hộp trà và một bức tranh lụa. Bức tranh vẽ một con cá vàng bơi lội tung tăng trong nước, nhưng ngắm chẳng có gì đặc biệt. Còn hộp trà lúc mở ra thì nồng nặc mùi cứt bò. ông bạn giận lắm.

Ít lâu sau, vị quan kia khỏi bệnh liền đến thăm bạn. ông bạn liền đem tranh cá ra hỏi giá trị của nó. Vị quan giật mình sửng sốt: "Lạ quá? Tranh vẽ hai con cá, sao bây giờ chỉ thấy một con cá?"

Lúc bấy giờ tên trà đồng mới thú nhận: “Đó là lỗi tại con. Lúc con đem bức tranh qua đò, con tò mò giở ra xem. ánh nắng lúc đó vào giờ ngọ rọi thẳng xuống sông vào bức tranh... Bỗng con thấy rõ ràng một con cá từ trong tranh nhảy ra văng xuống nước và lặn mất”. Vị quan bây giờ mới vỡ lẽ: “Thưa bác, bức họa này do một thần bút Trung Hoa vẽ lưỡng ngư giỡn ánh nắng. Tranh phải treo ở một góc độ sao cho ánh nắng rọi phản chiếu mới thấy sinh động như hai con cá thật đang bơi. Còn thưa bác: "Hộp trà kia là Trảm Mã Trà, một thứ còn quí hơn Hầu Trà. Ở Triết Giang người ta nuôi ngựa rồi lùa ngựa lên các ngọn đồi để tự tìm các bụi trà mọc hoang mà ăn. Trà thánh Lục Vũ ngày xưa đã nói loại trà mọc hoang ở các đồi núi hứng đủ tinh khí trời đất cho nên vị ngon hơn trà trồng. Giống ngựa theo tự nhiên sẽ chọn các đọt trà ngon mà ăn. Khi ngựa trở về người ta mổ bụng ngựa ra lấy. Lá trà trộn với các chất trong dạ dầy ngựa sẽ tạo nên loại trà tiêu thực rất ngon và phải pha chế theo phương pháp riêng."

Bia - Những điều bạn chưa biết

Ngoài đáp ứng nhu cầu giải khát, bia còn có nhiều tác dụng mà có thể bạn chưa từng nghĩ tới. Danh sách dưới đây sẽ giúp bạn tận dụng lượng bia còn thừa sau những bữa tiệc

1. Gội đầu
“Dầu gội” bia có thể biến mái tóc bị tổn thương trở nên bóng bẩy. Đây cũng là một lựa chọn tốt hơn nhiều các loại dầu gội chứa nhiều hóa chất. Chỉ cần hòa 1 lon bia với 1 quả trứng sống để gội đầu – hỗn hợp này có thể tạo bọt giống như các loại dầu gội thông thường. Sử dụng phương pháp này thường xuyên, bạn sẽ thấy ngạc nhiên bởi tác dụng của nó. Tốt nhất bạn nên sử dụng liệu pháp điều trị đặc biệt này mỗi tháng một lần. Bạn cũng có thể sử dụng bia như dầu xả - thoa bia lên tóc, mát xa tóc, rồi sau đó xả lại với nước sạch.
2. Làm dịu cơn đau bụng

Nếu bạn bị rối loạn tiêu hóa, hãy từ từ nhấp từng ngụm bia, làm như vậy sẽ rất hiệu quả - chất cồn trong bia có tác dụng gây tê giúp làm dịu cơn đau. Lưu ý: phương pháp này không áp dụng cho những người viêm loét dạ dày.
3. Đánh bóng đồ gỗ
Bia là một chất đánh bóng đồ gỗ tốt đến ngạc nhiên. Hãy đổ một chút bia lên một tấm khăn lau mềm, sau đó dùng khăn lau đồ gỗ và cuối cùng lau lại với một miếng vải khô. Bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên với vẻ ngoài sáng bóng của đồ gỗ sau khi được lau bằng bia.
4.Tẩm ướp thịt
Ngoài công dụng lấy lại vẻ sáng bóng cho đồ gỗ, bia còn là nguyên liệu tẩm ướp thịt được các bà nội trợ tin dùng. Chỉ cần tẩm ướp thịt với bia sau vài tiếng (càng lâu càng tốt), bạn sẽ có một món thịt ngon tuyệt! Bạn có thể thử mạo hiểm chế biến thịt theo những cách khác – bỏ thêm những hương vị bạn thích vào bia – thậm chí cả những nguyên liệu như mứt cam hoặc mứt táo. Hoặc bạn có thể sử dụng những loại gia vị phổ biến hơn đó là xì dầu hoặc các loại mắm của châu Á khác. Bạn có thể bỏ thêm vài lát dứa, nước ép dứa và vài lát gừng khi tẩm ướp thịt lợn để món thịt có cả vị chua và ngọt.
5.Loại bỏ sên một cách tự nhiên
Sên là côn trùng gây hại trong vườn nhà bạn. Thay vì sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại, hãy đặt một chiếc đĩa bia nhỏ trong vườn và thay bia tươi mỗi ngày. Những con sên sẽ bị hấp dẫn bởi mùi bia, say và chết đuối trong bia.
6. Khiến cây cối thêm tươi tốt
Men bia và các chiết xuất khác có trong bia rất tốt cho cây cối. Vì vậy hãy tưới bia thừa lên gốc cây và quan sát những hiệu quả của bia đối với cây.
7. Ngăn cản ong và côn trùng
Ong và côn trùng bị hấp dẫn bởi mùi bia – vì thế thay vì sử dụng dầu xả hoặc nến, hãy dùng bia để xua đuổi côn trùng.
8. Ngâm mình trong bia
Bia là một loại dưỡng chất tuyệt vời dành cho da. Hãy đổ bia đầy bồn tắm và ngâm mình thư giãn – đây là một phương pháp hiệu quả để bổ sung các tinh thể muối cho làn da thêm phần khỏe mạnh.
9. Nhào bột làm bánh
Khi nhào bột làm bánh, bạn thường bỏ thêm một chút phụ gia – thường là bột nở. Nhưng còn một phương pháp khác thay thế, đó là dùng bia. Bọt và men bia sẽ khiến bánh mềm và xốp hơn.



Nguyên tắc kết hợp rượu và thức ăn

image

Nếu bạn mời khách đến nhà ăn một bữa tối có kèm rượu vang thì nguyên tắc dễ nhớ, dễ áp dụng nhất là rượu đỏ đi cùng thịt đỏ, rượu trắng đi cùng thịt trắng. Đối với thịt gà thì lại là ngoại lệ, vì thịt gà là thịt trắng nên dùng với các loại rượu đỏ hương trái cây thì phù hợp hơn cả. Một chút "lệch pha" thú vị như cá hồi hoặc cá thu thì dùng rượu đỏ vẫn hơn là vang trắng.

Có một số điều bạn phải nhớ và tránh mắc phải như không được rót rượu quá sớm nếu khai vị bằng salad, vì trong salad có dấm, vị của dấm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vị của rượu, nhưng nếu món khai vị là những thức có pho-mat hoặc các món chiên thì rượu sẽ được rót ngay từ đầu bữa. Nếu món chính trong bữa ăn là thịt bò, cừu thì lựa chọn đầu tiên và đúng nhất là vang đỏ, nên chọn các dòng có vị chat nhiều như Cabernet Sauvignon hoặc Pinot Noir hoặc các dòng vang đỏ của Ý thường có vị chat nhiều.


Nếu món chính là hải sản thì chọn rượu vang trắng có độ chat cao. Đối với các loại thịt bê, gia cầm, heo thì nên dùng rượu trắng, nếu bạn muốn dùng rượu đỏ thì phải chắc rằng đó là dòng vang đỏ ngọt như Merlot chẳng hạn. Nếu bạn có ý mời khách các thức cay, nóng như thức ăn Ấn Độ, Thái Lan thì nên sử dụng các loại rượu trái cây có gas và được ướp lạnh kỹ.

Trên thị trường Việt Nam hiện chỉ phổ biến một số dòng chính và bạn có thể đọc được nhãn các dòng này dễ dàng như dòng rượu trắng Sauvigon Blanc có vị hơi chua thích hợp với các món hải sản. Dòng rượu trắng Chardonay rất phổ biến với vị ngọt nhẹ, hợp với các loại thịt trắng và cá. Dòng vang đỏ Cabernet Sauvigon hợp với cá hồi và các loại thịt đỏ nấu hoặc nướng không dùng kem sốt. Dòng vang đỏ Merlot có vị ngọt và thường có độ cồn cao thì nên dùng để uống cùng với các loại thức ăn như patê gan, thịt rừng hoặc các món đút lò có nhiều pho-mát. Dòng vang đỏ Pinot Noir cũng khá phổ biến nhưng đắt tiền, độ cồn cao, vị chát và hơi chua thích hợp với các món như thịt thỏ, gà, các món nấu từ thịt nguội...



Vodka Mojito - thức uống kiểu Mỹ

Trong một quầy rượu ở San Franciso, món Vodka Mojito là món được nhiều bạn gái ưa chuộng. Mới nhìn bạn sẽ nghĩ đây là ly cocktail rum chanh thông thường. Nhưng nếu đã thử, bạn sẽ ngỡ ngàng với vị thơm nồng ngây ngất của rượu vodka, hòa quyện với bạc hà và

Sau đây là công thức của vodka mojito mà bạn có thể tự làm ở nhà.


Thành phần: (cho 1 ly)

30ml rượu vodka
 3 nhánh bạc hà non
 2 muỗng súp đường
 2 muỗng súp nước ép quả lime (có thể thay bằng quất)
 3 muỗng súp nước cốt chanh tươi
 Sợi vỏ chanh xoắn để trang trí
 Vài thẻ nước đá

Pha chế:

Trộn chung bạc hà, đường và nước ép chanh, quất vào ly thủy tinh.
Cho đá, vodka vào quấy đều. Thêm sợi vỏ chanh cho đẹp mắt.


NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng