Thứ Bảy, tháng 6 27, 2009

Thưởng thức rượu qua cách chọn ly

Thưởng thức rượu là cả một nghệ thuật, một niềm đam mê. Mỗi loại rượu đều có một hương vị, màu sắc, nồng độ riêng, và thưởng thức rượu không chỉ là việc nhìn màu rượu, ngửi mùi và nếm vị của nó mà hơn thế nữa còn đòi hỏi sự tinh tế trong cách sử dụng ly để uống.

Mỗi loại rượu lại phù hợp với từng kiểu ly khác nhau, và bài viết sau sẽ là đôi nét giới thiệu về rượu và cách chọn ly cho từng nhóm rượu cơ bản như: Champagne, rượu vang, rượu mạnh và cocktail. Việc chọn ly cho phù hợp là việc cần thiết mà người thưởng thức rượu cần tìm hiểu để đảm bảo giá trị văn hóa trong ẩm thực, để cảm nhận được sự hấp dẫn, độc đáo trong từng loại rượu.

Champagne và cách chọn ly cho Champagne

Champagne là một dạng vang nổ, được sản xuất bằng cách tạo ra sự lên men thứ cấp trong chai chứa rượu vang để thực hiện sự cacbonat hóa, xuất xứ từ vùng Champagne của Pháp. Champagne thường dùng để khai vị hoặc khi đi ngủ tạo sự hưng phấn, là loại rượu nhẹ, mùi dịu, có vị ngọt nên thường được rót nhiều.

Ly uống Champagne thường có hình nón hoặc hình parabol thành cao, miệng ly hơi uốn cong vào trong gần giống hình hoa tuy lip để lưu lại những bọt nhỏ ly ti hay hương thơm của rượu. Khi uống dùng ngón tay giữ cuống ly, nếu cầm bằng cả hai tay, hơi nóng của bàn tay sẽ làm rượu nóng lên và làm mất đi hương vị của rượu. Champagne ướp lạnh ở nhiệt độ 7-9 độ C, khi uống thường được rót 2/3 ly.

Với các bữa tiệc lớn, đông người, hay tiệc đứng ly được xếp theo hình tháp để rót nhiều ly cùng một lúc, do đó thường sử dụng loại ly ngắn, miệng rộng.

Với các bữa tiệc ít người, loại ly được sử dụng là loại ly có hình dạng thuôn dài, đường kính nhỏ để giữ cho rượu sủi tăm lâu hơn, tạo cảm giác thú vị hơn.

Vang và cách chọn ly

Rượu vang được chiết xuất từ những quả nho lên men hay từ một số loại trái cây khác. Vang được coi là thức uống sang trọng, bổ dưỡng mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Vang được sử dụng trong bữa ăn, tùy theo từng loại rượu vang sử dụng mà có loại ly thích hợp

Vang trắng


Đối với loại vang trắng ủ lâu ngày như Barbera, Nebbiolo, Brunello, chọn ly có chân cao, thân hẹp và đường kính miệng nhỏ, dung lượng khoảng 145-150ml. Kiểu ly này sẽ giúp giữ độ sủi tăm của rượu lâu hơn, tạo cảm giác thú vị khi thưởng thức. Thân ly dài khiến cho khi uống sẽ cảm nhận được hương rượu thơm sát mũi và đế ly tạo hình ảnh thanh thoát, đẹp mắt.

Đối với loại vang có hương mạnh hơn thì dùng ly chân cao, thân nhỏ gọn, miệng chúm lại trông như bông hoa tullip. Loại vang trắng uống lạnh ở 6-7 độ C, vang lâu năm từ 12-13 độ

Vang đỏ

Ly dùng cho loại vang đỏ là loại ly chân cao, thân tròn to và rộng, dung tích khoảng 200-250ml để hương rượu đủ đậm và phảng phất, ly có độ trong suốt để lộ rõ màu nguyên chất của rượu. Vang đỏ có nhiều loại, tùy theo mỗi loại mà sử dụng loại ly tương ứng:

- Rượu vang Bordeaux đỏ: ly hình quả trứng, miệng ly hơi khum, dung tích khoảng 250ml. Chỉ rót rượu khoảng 1/3 ly để khi chạm cốc, rượu không bị sánh ra ngoài. Miệng ly khum còn giúp giữ được hương vị của rượu khi nhấm nháp từng ngụm nhỏ.

- Rượu vang Porto Bồ Đào Nha hay rượu Sherry: dùng loại ly nhỏ hơn nữa (150ml) và cũng chỉ rót lưng chừng ly.

- Rượu vang Burgundy: dùng ly có miệng lớn hơn dùng cho vang Bordeaux.

Rượu mạnh và loại ly phù hợp

Rượu mạnh là rượu có nồng độ cồn cao, được chiết xuất từ nho, bắp, khoai tây, lúa mì, lúa mạch. Ly uống rượu mạnh thường là loại nhỏ, có chân thấp hoặc không chân, hình trụ dày. Loại rượu này thường được dùng sau bữa ăn, mỗi lần rót chỉ khoảng 30–40ml, nhằm tránh cho người uống cảm giác bị sốc. Khi uống dùng ngón tay cái và ngón trỏ nhấc ly rượu lên, áp ly vào lòng bàn tay, sau đó xoay nhẹ ly để hơi ấm của bàn tay thấm vào trong rượu. Sau khi rượu ấm lên, nhẹ nhàng nhấp từng chút một để thưởng thức vị ngon của rượu.

Đối với Brandy (Cognac và armagnac), loại rượu mạnh chưng cất từ trái cây, loại ly thích hợp là ly chân ngắn, dáng bầu bĩnh hoặc ốm cao, miệng có thể loe hoặc túm.

Rượu Whisky phù hợp với ly có dáng cao, thân rộng, miệng hẹp để hương vị của rượu dễ tỏa ra và lưu đọng lại khi xoay ly.

Với Whisky đá, có thể lựa chọn ly tumbler, đế dày 0,5–2cm, thân tròn đứng, hình dáng to khỏe.

Vodka thường được dùng với ly có chân dài, miệng loe, hình ống khói để có thể cảm nhận hương vị Vodka một cách tinh tế nhất bằng thị giác, khứu giác và vị giác.

Rượu Rum: phù hợp với loại ly có thân và miệng rộng hay ly chân dài, miệng loe. Điều này sẽ giúp làm nổi bật hương vị của Rum. Xoay nhẹ ly để cảm nhận màu và sắc trong của rượu.

Rượu Tequila: sử dụng loại ly có dạng hình hoa tulip, ly có miệng loe hay một chiếc ly nhỏ và thường được dùng với một lát chanh tươi và muối.

Ly uống Cocktail


Ly uống cocktail thường có chân ngắn, thân dài và rộng, miệng rộng ngang bằng chân ly hoặc có thể là loại không chân, thân ngắn, bụng phình rộng, miệng rộng. Có nhiều kiểu dáng khác nhau tùy theo người pha chế sử dụng. Chúng thường được dùng theo tên gọi của loại cocktail hoặc phù hợp với cách trình bày tương ứng.

Ly cocktail còn được trang trí bằng những lát chanh, lát dâu, cà chua, cà rốt... được tỉa thành những hình dạng vui mắt và những chiếc ô con đủ màu sắc...

Văn hóa cafe người Việt

Café không biết từ bao giờ đã trở nên gần gũi và quen thuộc với người dân Việt Nam đến thế. Cái vị đăng đắng, đầm đậm bên đầu lưỡi, mùi hương hạnh nhân, mùi đất lan tỏa bên tách café khiến cho người ta phải ngất ngây...và cứ như thế café đi vào lòng người Việt một cách đằm thắm nhẹ nhàng.

Người ta thưởng thức café trong khi làm việc, khi gặp gỡ, bàn chuyện cùng đối tác, khi trò chuyện cùng bạn bè, người thân, hay khi giải trí…Và café đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc sống, trong công việc của mỗi người. Vậy thật sự mọi người đã hiểu về nét văn hóa café của mình hay chưa? Bài viết sau đây sẽ là một cái nhìn chung về café Việt, từ sự xuất hiện của café tại xứ sở hình chữ S đến sự hình thành nét văn hóa café của người Việt và những tác dụng quan trọng mà café mang lại trong cuộc sống.

Sự xuất hiện của café ở Việt Nam


Café có nguồn gốc từ phương Tây, theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thời thuộc địa. Ban đầu thứ thức uống này chỉ dành riêng cho giới quý tộc, các quan chức Pháp, hay tầng lớp trí thức nơi thành thị. Dần dần café trở thành thứ thức uống phổ biến trong cuộc sống của người dân.

Ngày nay café Việt không chỉ được biết đến về sản lượng đứng trong top đầu thế giới mà còn tạo dựng được nét café rất riêng của người Việt. Hai loại café được sử dụng và trồng phổ biến ở Việt Nam là Arabica và Robusta. Mỗi loại đều mang lại tên tuổi của nó ở trong nước cũng như ở nước ngoài về sản lượng, chất lượng, mùi vị. Hương vị café Việt ngày càng bay cao, bay xa với những thương hiệu lớn như Café Trung Nguyên, Vinacafe, NesCafé…

Nét văn hóa cafe người Việt

Hương vị café đậm đà đã trở nên quen thuộc trong nhịp sống mỗi ngày của người dân Việt. Sự tinh tế của café Việt thể hiện ở nét văn hóa và phong cách thưởng thức café khác lạ của người Việt.

Người Việt có phong cách thưởng thức cafe rất riêng, họ không coi cafe là thức uống nhanh, có tác dụng chống buồn ngủ như người Mỹ mà thưởng thức cafe như một thứ văn hóa: nhâm nhi và suy tưởng. Ngồi bên tách café, vừa nhấp từng ngụm nhỏ vừa đọc báo, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, cùng đối tác làm ăn, hay ngồi làm việc, và còn để suy ngẫm về cuộc sống, về con người,…

Gu thưởng thức của người Việt là: đậm, đắng, thơm mùi hạnh nhân, mùi đất. Tùy mỗi một loại café mà mang lại cho người thưởng thức cái cảm nhận về vị chua, độ dầu, và mùi hương của các loại hoa trái khác nhau. Một ly café ngon là ly café đậm đà hương vị tự nhiên, có độ chua thanh, tươi, sạch lưỡi; có độ dầu đậm và đặc biệt hơn là tỏa ra mùi hạnh nhân, hoa trái, bơ dầu và mùi đất.

Cafe phin được coi là thứ thức uống được ưa thích nhất của người Việt. Cái cảm giác ngồi chờ đợi từng giọt từng giọt café rơi thật là thú vị. Càng thú vị hơn nữa khi được nhâm nhi thành quả của nó, có thể là một tách café đen nóng, có thể pha thêm chút sữa, uống nóng hay uống đá tùy theo sở thích của mỗi người.

Người ta có thể đoán biết được tính cách con người, văn hóa của mỗi vùng miền qua cách pha café và sở thích uống của mỗi người. Chẳng hạn, người miền Nam thường bọc cafe trong tấm vải và nấu trong nồi, họ thích uống cafe đá hơn là uống nóng. Còn người miền Bắc, chủ yếu uống cafe pha phin, đen hoặc nâu nhưng đều rất đậm đặc.

Tác dụng của café trong đời sống hàng ngày

Cafe không đơn thuần chỉ là thức uống giải khát, mà café còn khiến cho người ta tỉnh táo, thư giãn, mang lại sức khỏe cho con người, làm cho người với người gần nhau hơn.

Café giúp nâng cao tinh thần và hiệu quả công việc. Hoạt chất caffeine trong café có tác dụng kích thích hoạt động của trí não, giúp con người có được sự tỉnh táo, minh mẫn và tập trung trong công việc. Ngoài ra còn làm tăng tốc độ tư duy và sáng tạo khiến cho cho hiệu quả công việc được nâng cao. Chính vì vậy mà việc uống café đã trở nên phổ biến nơi công sở.

Café cải thiện sức khỏe cho mỗi người. Cuộc sống tất bật hàng ngày, công việc luôn luôn bận rộn sẽ khiến cho bạn mệt mỏi, căng thẳng, đau đầu khó chịu hay vướng vào một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường típ 2, gan, hen suyễn hay dị ứng… Với việc uống café đủ liều lượng có thể giúp bạn giảm được nguy cơ mắc những căn bệnh trên. Ngoài ra café còn có khả năng làm tăng sức mạnh của cơ bắp, giảm lượng mỡ trong cơ thể.

Theo nghiên cứu, trong café có chứa chất chống ô–xy hóa và khoáng chất làm tăng khả năng phản ứng của cơ thể với isulin, làm tăng lượng isulin trong máu, và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đặc biệt chất caffein trong café lại rất có tác dụng đối với những người mắc bệnh cao huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh hen và dị ứng. Theo nghiên cứu của người Ý, họ theo dõi trên 70.000 người, kết quả là sự khẳng định caffeine là “khắc tinh” của bệnh hen. Nếu uống từ 2 đến 3 ly café mỗi ngày thì nguy cơ bị các cơn hen tấn công sẽ giảm 28%.

Café tạo cảm giác sảng khoái, thư giãn và giúp cho người với người gần nhau hơn. Một tách café mỗi buổi sáng sẽ khiến bạn cảm thấy sảng khoái trước khi bước vào một ngày làm việc mới. Những giây phút thư giãn, nhâm nhi tách café cùng bạn bè, người thân sẽ là những giây phút để mọi người cùng nhau trò chuyện, hàn huyên tâm sự, chia sẻ những lo toan, muộn phiền từ công việc, từ cuộc sống… giúp mọi người gần gũi, hiểu nhau hơn.

Thứ Năm, tháng 6 25, 2009

Biến tấu với nước giải khát.

Cùng biến tấu với những loại trái cây nhiệt đới như thơm, đu đủ, chanh dây... để pha chế nên những loại thức uống thật mới lạ và nhiều sắc màu rực rỡ.

Nước ép hỗn hợp

Thành phần:

6 trái dâu, 1/2 trái táo xanh, 1/4 trái thơm, 20g đường, 5ml si rô dâu, 15ml mật ong, 1 ít đá bào.

Pha chế:

Dâu, táo xanh, thơm gọt bỏ vỏ, rửa sạch, ép lấy nước. Cho nước ép trái cây vào máy, xay cùng với đường, mật ong, đá bào. Tráng siro dâu lên thành ly, rót nước ép ra ly, trang trí thêm một lát táo đỏ và một trái dâu.

Sinh tố dâu, đu đủ

Thành phần:

1 trái cam, 150g đu đủ, 2 trái dâu, 1 hũ yaourt, 20g đường, 2 thìa cà phê sữa đặc, 1 ít đá viên loại 4, 1 ít đá bào.

Pha chế:

Cam vắt lấy nước, đu đủ gọt vỏ bỏ hạt. Cho yaourt, nước cam, đu đủ, đường, sữa đặc vào máy xay, xay nhuyễn, cho tiếp một ít đá bào vào. Rót ra ly, cho dâu cắt lát mỏng và một ít đá viên vào ly. Trang trí 1 trái cherry đỏ, 1 lát chanh.

Nước ép dưa gang

Thành phần:

150g dưa gang vàng, 1 trái chanh dây, 10ml mật ong, 20g đường, 1 ít đá viên loại 4.

Pha chế:

Chanh dây, dưa gang ép lấy nước. Cho nước chanh dây, dưa gang, mật ong và đường vào máy xay mịn. Rót ra ly, thêm ít đá viên loại 4, khuấy đều hỗn hợp, trang trí bằng một nhánh lan vàng.

Thứ Tư, tháng 6 24, 2009

Vài Nghi Thức Cần Biết Khi Uống


Vài Nghi Thức Cần Biết Khi Uống
Nếu như uống trà trở thành một loại nghệ thuật ẩm thực độc đáo ở các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc... thì rượu cần của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi miền Trung Tây Nguyên cũng có những quy luật riêng, khi thưởng thức được nâng lên thành nghi lễ uống rượu cần của đồng bào miền núi nước ta.

Mỗi vùng đất ở nước ta đều có một loại rượu mang hương vị độc đáo riêng biệt. Miền Bắc có rượu làng Vân, hoặc rượu cúc, rượu sen, rượu hoa cau; ở Bình Định là rượu Bàu Đá, rượu nếp nức tiếng nhiều nơi; còn miền Nam là rượu nếp than, Gò Đen.... Hầu hết các loại rượu miền xuôi đều được chưng cất từ cơm gạo hoặc ủ từ hoa quả. Còn ở miền núi, đồng bào dân tộc có loại rượu cần ủ bằng bắp, mì hoặc cơm gạo đựng trong ghè không kém phần độc đáo, hấp dẫn.

Nồng độ rượu cần không cao như rượu gạo miền xuôi, thế nhưng khi đã say thì cũng không kém phần dữ dội. Có lẽ tên gọi rượu cần là xuất phát từ cách uống vô cùng độc đáo. Đồng bào dân tộc dùng loại cây trúc, tre thân rỗng, dài gần 1 mét cắm vào tận đáy ghè để uống. Trong cùng một ghè nhưng có chỗ ngon hoặc chua, nhạt... vì vậy, nếu không ưng ý, có thể rút cần và găm vào chỗ khác ngon hơn.

Ghè rượu làm bằng đất, tráng men sành sứ với nhiều hình ảnh, họa tiết mang nét văn hóa riêng của từng dân tộc. Trước khi vào cuộc, người ta buộc ghè rượu vào cột nhà, rửa sạch bó cần và chuẩn bị bầu nước sạch. Để mời rượu, chủ nhân cởi bỏ lớp lá ở miệng ghè, đổ nước đầy ghè và cắm cần vào. Rượu cần được uống từng đôi nên khi nhập cuộc thường có mối giao hòa, thân thiện lớn. Trước khi uống, chủ nhân không quên dùng một thanh tre làm nấc thang đo tửu lượng của từng người. Rượu uống đến đâu, nước ở miệng ghè vơi tới đó. Đến vạch đã định lại đổ thêm nước vào và chuyển cần cho người khác.

Cũng như uống rượu đế ở miền xuôi, nếu theo cung cách chính thống, nguyên tắc uống rượu cần cũng không kém phần độc đáo, mang nét văn hóa giao tiếp đặc sắc. Khi được mời rượu, khách phải đón cần bằng tay phải hoặc hai tay, vì đối với đồng bào miền núi, cầm bằng tay trái là tỏ ý khinh họ. Lúc nhận lời uống thì phải uống thực lòng vì khi cùng uống, chủ nhân thường nhìn thẳng vào mặt để xem thử khách có thực tình không và cũng nhằm bày tỏ sự tôn trọng, mối thiện cảm. Cho nên dù không quen uống rượu, đã ngậm cần là phải uống, đến một mức nào đó có thể xin phép chủ nhân trả lại cần. Ở một số nơi, khi cắm cần vào ghè cần phải thận trọng vì nếu vô tình cắm lộn đầu dễ bị hiểu lầm là hành động khiêu khích... Đó là một số nguyên tắc giao tiếp truyền thống trong các cuộc rượu của đồng bào miền núi. Vào những ngày lễ tết, quanh ché rượu cần còn là những cuộc trò chuyện mang nét độc đáo của lối sinh hoạt văn hóa truyền thống. Những kinh nghiệm làm ăn hoặc bao mối tình trong sáng, bao điệu nhạc, lời thơ... đã nảy sinh từ cần rượu vút cong và ánh nhìn tin tưởng, trìu mến...

Ngày nay rượu cần đã du nhập xuống khu vực miền xuôi. Vì thế, nó cũng được “Kinh hóa” bằng nhiều hình thức phong phú hơn. Thay vì đổ nước lã vào ghè, ở một số nơi người ta dùng nước dừa non hay sang hơn còn đổ bia vào để uống. Thế nhưng, rượu cần vẫn luôn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo mà không gì có thể thay thế được.

Thứ Ba, tháng 6 23, 2009

Trung, Nhật, Nga: Chưa biết rượu nước nào lợi hại hơn ?

Trung, Nhật, Nga: Chưa biết rượu nước nào lợi hại hơn


Nghe nói, có một năm 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Nga cùng tổ chức một hội chợ về văn hoá rượu. Tại hội chợ, ba nhà nếm rượu nổi tiếng của 3 nước đã có dịp gặp nhau. Họ cùng mời nhau nếm rượu của nuớc mình và vị nào cũng lớn tiếng ca ngợi rượu nước mình là ngon nhất, là lợi hại nhất, không ai chịu ai.

Cuối cùng chuyên gia nếm rượu Nhật đưa ra đề nghị: “Chúng ta bắt một con chuột cống, cho nó mỗi ngày uống một vò rượu của mỗi nước. Hễ thấy hôm nào nó say nhất thì rượu của nước cho nó uống hôm đó là lợi hại nhất”. Đề nghị đó được nhất trí tán thành.

Ngày thứ nhất, con chuột được cho uống rượu gạo Nhật Bản. Sau khi uống xong vò rượu, con chuột đi được 7 bước thì ngã lăn ra ngủ gục. Người Nhật lấy tay xoa đôi má nhẵn thín, cười đắc ý: “Rượu gạo Đại Hoà Nhật Bản lợi hại thật!”

Ngày thứ hai, con chuột được uống rượu vodka Nga. Uống xong vò rượu nó đi được 3 bước thì ngã lăn ra ngủ gục. Người Nga khoái chí vuốt râu mép, cười đắc ý: “Thì ra rượu vodka Nga lợi hại thật,chỉ 3 bước là đã ngã gục”.

Ngày thứ ba, con chuột được uống rượu Nhị Oa Đầu Trung Quốc, vừa uống xong vò rượu mắt nó sáng lên, chạy một mạch về hang. Người Nhật và ngưòi Nga đều cất tiếng cười lớn: Rượu Trung Quốc không ổn rồi, càng uống con chuột lại càng hăng!

Người Trung Quốc cũng chưa biết ăn nói thế nào, nhưng ông ta nghĩ rượu Trung Quốc không thể kém như vậy. Đúng lúc đó thấy con chuột đầu đội thương hiệu “rượu Phấn Đấu Hàn Quốc”, một tay cầm nửa viên gạch khí thế hung hăng hô lớn: “Mèo đâu? Mèo Đâu?”

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng