Hầu hết các loại rượu ngoại trên thị trường Việt Nam đều có thể bị làm giả. Không ai có thể ngờ những chai rượu mang mác ngoại tiền triệu có thể được chế từ nước lã, hóa chất độc hại hay cồn pha với phẩm màu.
Rượu sâm panh làm từ hóa chất độc hại
Ngày 11/1/2013, phòng cảnh sát môi trường và các đơn vị chức năng bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất rượu vang tại Tổ 10, Phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội đã phát hiện toàn bộ số rượu sản xuất tại đây được chế biến từ hóa chất độc hại.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở sản xuất và toàn bộ công nhân đã bỏ trốn, 10.000 chai rượu vang đỏ và xanh đang trên quá trình thành phẩm bày la liệt trên nền nhà. Bên cạnh đó cồn công nghiệp, phẩm màu, chất bảo quản dùng để chế biến rượu vang được chứa đầy trong các thùng nhựa tại đây.
Tồn tại và hoạt động nhiều năm nay, cơ sở này đã 2 lần bị lực lượng chức năng lập hồ sơ xử phạt các vi phạm tuy nhiên chưa bao giờ chủ cơ sở này chịu nộp phạt, mà còn ngang nhiên sản xuất rượu từ các hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phòng cảnh sát môi trường và đội quản lý thị trường số 12, chi cục quản lý thị trường Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã lập biên bản niêm phong số rượu trên. Có thể thấy những vi phạm kiểu này vẫn chưa có những chế tài cụ thể khiến người dân khi sử dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Biến rượu vang Đà Lạt thành vang Pháp
Ngày 21/12, Đội Quản lý Thị trường số 11 Hà Nội phối hợp với Cảnh sát kinh tế Công an quận Tây Hồ bất ngờ kiểm tra và bắt quả tang một cơ sở làm rượu vang giả với quy mô rất lớn tại ngõ 38, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.
Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện có hơn 10 nghìn chai rượu vang giả với các nhãn hiệu Bordeaux, Chile đã được đóng gói thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường. Ngoài ra, còn một lượng lớn rượu vang đóng trong túi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua điều tra, các đối tượng khai nhận đã dùng rượu vang Đà Lạt và các loại rượu vang đóng túi không nguồn gốc để sang chiết, đóng chai, dán nhãn mác giả các thượng hiệu rượu vang bán chạy trên thị trường, để bán kiếm lời.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng còn thu giữ một lượng lớn bao bì, nhãn mác các loại rượu vang ngoại đắt tiền. Đặc biệt là hàng ngàn chiếc tem chống hàng giả cũng được các đối tượng làm giả một cách tinh vi. Các đối tượng cũng không xuất trình được bất kỳ giấy phép hoạt động cũng như nguồn gốc xuất sứ số rượu trên.
Tang vật thu được 380 bịch rượu vang đã thành phẩm dán tem nhãn giả; 545 thùng vang đóng chai đã thành phẩm chuẩn bị bán ra thị trường; 1.000 thùng rượu vang Đà Lạt đóng chai chưa thành phẩm; 2 thùng vỏ hộp có dán nhãn rượu nước ngoài; 1 thùng cát tông đựng thiết bị để đóng nhãn rượu…
Bình rượu ngoại, ruột quốc lủi
Ngày 29/11/2012, 4 điểm kinh doanh rượu ngoại giả của vợ chồng Trịnh Thu Hương và Đoàn Việt Anh trên hai địa bàn quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng, Hà Nội đã bị cơ quan điều tra Công an Hà Nội khám xét. Kết quả cho thấy hai vợ chồng này đã mua vỏ chai, nhãn mác, tem ngoại rồi đóng rượu quốc lủi, sau đó mang ra thị trường tiêu thụ.
Cơ quan điều tra đã thu giữ 53 chai rượu giả bao gồm các loại Chivas, Johnnie Walker… khi khám xét nơi sản xuất rượu giả của vợ chồng Trịnh Thu Hương, Đoàn Việt Anh. Ngoài ra, công an cũng thu được 263 vỏ chai rượu ngoại, 558 hộp giấy, 263 nút chai và 58 tem nhập khẩu.
Theo điều tra, từ tháng 8 đến nay hai vợ chồng này đã mua vỏ chai, nhãn mác, tem ngoại và rượu quốc lủi đem về nhà đóng chai sau đó đem bán với giá từ 170.000 đến 650.000 đồng một chai.
Rượu lậu đội lốt hàng xách tay
Tại TP Hồ Chí Minh, không khó để mua được một chai rượu lậu được quảng cáo là "hàng xách tay". Tại các khu vực tập trung nhiều cửa hàng rượu như đường Nguyễn Thông (quận 3), đường Châu Văn Liêm (quận 5), đường Lê Văn Sỹ, Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)…, khách hàng đều dễ dàng mua được rượu ngoại “xách tay” với giá cả “hợp lý”. Không chỉ bán tại các cửa hàng, một lượng lớn rượu không nguồn gốc này cũng được mua bán rầm rộ qua các trang quảng cáo trên mạng với hình thức giao hàng tận nơi. Mua bán dưới hình thức này, người không sành về rượu cũng sẽ dễ dàng bị đánh tráo rượu thật bằng rượu giả.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cho biết: Công nghệ làm rượu giả hiện nay tinh vi hơn, nên rất khó phân biệt thật giả và tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp cả về quy mô và số lượng.
TP Hồ Chí Minh Là thị trường tiêu thụ rượu bia lớn nhất cả nước và luôn là tâm điểm để dân buôn lậu và làm rượu giả hoạt động.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đánh giá: "Khoảng 70% lượng rượu ngoại nhập lậu trên thị trường có điểm xuất phát từ tuyến biên giới Tây nam, miền Trung với các thủ đoạn gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất. Đó là chưa kể việc các đầu nậu tổ chức mua gom hàng tại các siêu thị, cửa hàng miễn thuế rồi tìm mọi cách tuồn hàng vào nội địa".