Thứ Tư, tháng 7 31, 2013

Thưởng thức cocktail ở độ cao 10.000 m

 Lời mời quen thuộc “Quý khách dùng trà hay càphê?” nay được tiếp viên một số hãng hàng không thêm vài từ ngắn nhưng rất hấp dẫn: “… hoặc cocktail?”.

Thời kinh tế khó khăn, lượng khách sẵn sàng chi sộp đã giảm nhiều nên các hãng tìm cách thu hút khách, nhất là khách hạng premium (hạng nhất và hạng thương gia) bằng cách phục vụ món cocktail đặc biệt. Nhưng việc pha chế đồ uống ở độ cao 10.000 m không dễ.


Cocktail ở độ cao 10.000 m

Cocktail pha theo ý thích

Nay khách hàng cao cấp của hãng Virgin Atlantic (Anh) có thể thưởng thức món cocktail theo yêu cầu. Còn gì quyến rũ hơn việc nhấm nháp món cocktail ở độ cao trên 10.000 m? Thử hình dung bạn đang cuộn mình trong chiếc ghế da, trôi bềnh bồng trên mây, tiếp viên ân cần sẵn sàng phục vụ bạn một ly cocktail Martini đúng ý thích của bạn.

Nghe có vẻ như trong phim James Bond 007, nhưng không phải với diễn viên Daniel Craig (anh này bây giờ uống bia Heineken) mà là chàng Sean Connery trước đây – trên máy bay là hình ảnh thu nhỏ của sự quyến rũ và sang trọng và người ta cũng phải ăn mặc thật sang đẹp, phù hợp với tâm trạng.

Champagne và các loại vang ngon đều tốt, nhưng không thể  qua mặt được ly cocktail được pha theo đúng ý thích cá nhân. Đây là xu hướng ngày càng nhiều hãng hàng không đang áp dụng trên các chuyến bay.

Điều kỳ diệu bắt đầu từ phòng khách sân bay. Ít nhất, khách có thể tự pha chế cho mình nhiều loại thức uống tại quầy bar, hoặc sẽ tìm thấy đầy đủ các loại nơi những quán bar. Như tại phòng khách hạng sang Virgin Clubhouses của hãng Virgin Atlantic, khách có thể lựa chọn trong rất nhiều loại cocktail chất lượng.

Vào quán Grey Goose Loft Bar tại terminal số 3 của sân bay quốc tế Heathrow, London, bạn có thể chọn một thức uống tùy thích từ 5 loại hương vị (ngọt đường, chua, vị ngọt thịt, đắng và mặn). Mỗi loại có 2 thức uống, tùy chọn này bao gồm loại cocktail Black Truffle Martini hoặc Bloody Mary với French Twist cho vị ngọt thịt, còn vị ngọt đường sẽ có Grey Goose Le Fizz hoặc Blossom Bellini.

Và cuộc phiêu lưu dịch vụ cocktail dành cho du khách không dừng ở đó. Trên máy bay, khách  thương gia của Virgin có thể được phục vụ món mình yêu thích ngay tại ghế, nhấm nháp từng ngụm cocktail đặt trên chiếc giá được thiết kế đặc biệt. Trên máy bay còn có một quầy rượu thật đẹp  với những chiếc ly pha lê Swarovski.

Theo Alex Kratena, trưởng nhóm bartender Artesian, khách sạn sang The Langham tại London, “Bạn có thể thưởng thức một ly Manhattan hoặc White Lady ngay trên máy bay, trong lúc chờ đợi hạ cánh… Tuyệt quá phải không?”.

Điều này thật sự tuyệt vời và Kratena biết rõ điều này khi pha chế cocktail trên các chuyến bay của hãng Virgin. Hiện là người sở hữu danh hiệu Bartender Quốc tế của năm, nói về loại cocktail phục vụ trên máy bay, Kratena cho biết: “Chúng tôi phục vụ món cocktail cổ điển trong những ly như thùng rượu mini cùng danh sách các thức uống như ở Artesian”.

Danh sách này cũng có Spontaneity, được pha trộn khéo léo giữa gin Tanqueray, Velvet falernum, nước vắt chanh tươi, lá tía tô, bia đắng và hạt vừng rang nhuyễn. Ai lại đi chọn vang hoặc bia khi họ có thể thưởng thức món này?

Ban đầu, hãng hàng không Virgin có một hợp đồng 6 tuần với anh Giles Looker, thuộc công ty Soulshakers và anh Marc Plumridge, đại sứ thương hiệu toàn cầu của Bacardi. Soulshakers được yêu cầu triển khai các câu lạc bộ và công việc đã tiến triển từ đó.

Theo Giles Looker: “Lần đầu tiên khi  bước lên máy bay cách đây 7 năm, chúng tôi pha cho mọi người vài ly cocktail Bombay Sapphire và nhận được những phản hồi rất tích cực từ nhân viên và khách hàng, sau đó được hỏi xem liệu có thể làm việc trên các chuyến bay không”.

Plumridge làm việc cho bộ phận du lịch toàn cầu của Bacardi, anh đã đi hơn một triệu km để pha chế cocktail và hướng dẫn cho khách cách thực hiện trên các chuyến bay. Anh giải thích: “Khách hàng thích thú với những trải nghiệm này, rõ ràng nhất khi họ được nếm thử lần đầu tiên và sẽ không bao giờ chọn vang hoặc Champagne như thường lệ trong phần còn lại của chuyến bay. Nhờ giảng giải, họ có thể hiểu được quy trình thực hiện các món cocktail cổ điển và đương đại tuyệt vời”.


Ăn ngon, uống ngon ở hạng thương gia Air France

Nhiều cạnh tranh

Virgin có thể là người tiên phong, nhưng không có nghĩa là hãng hàng không duy nhất theo chủ đề cocktail. Singapore Airlines cũng vào cuộc với danh sách cocktail dành cho các hạng ghế, với 6 loại đồ uống được chuẩn bị ngay trên tàu bay, có thể ứng biến phù hợp theo nhu cầu của khách hàng khắp nơi, hơn là thực hiện ở nhà với các bartender hoặc thương hiệu nổi tiếng.

Trong khi các món cocktail được luân chuyển, thay mới mỗi tháng 2 lần nhằm đảm bảo sự đa dạng thì cocktail đặc trưng Singapore Sling được yêu cầu nhiều nhất, khoảng 500 ngàn lần mỗi năm. Loại cocktail này đã hình thành trong khách sạn Raffles nổi tiếng tại Singapore từ đầu thế kỷ 20, nên chắc chắn không thể vắng mặt trên máy bay của Hãng hàng không quốc gia Singapore.

Những người yêu thích cocktail trên các chuyến bay của Cathay Pacific sẽ có 4 lựa chọn gồm 2 thức uống có cồn và 2 không cồn. Món Cathay Delight,  Pacific Sunrise, Oriental Breeze và Cloud Nine được thay đổi từng tháng và là các sản phẩm của cuộc thi được tổ chức bởi hãng hàng không và hiệp hội bartender Hong Kong.

Hãng All Nippon Airways (Nhật) duy trì sự lựa chọn dành cho khách hạng nhất và thương gia các món cocktail cổ điển với Kir, Kir Royale, Martini, Bloody Mary và Screwdriver, riêng món Spumonis và Mimosas chỉ dành cho hạng nhất.

Tất cả khách hạng thương gia của British Airways cất cánh từ London, vượt Đại Tây Dương để hạ cánh xuống sân bay quốc tế JFK ở thành phố New York có dư thời gian để thử cocktail London City Signature, một sự pha trộn giữa rượu mùi Crème de cassis, gin, champagne và một lát chanh.

Theo phát ngôn viên hãng hàng không này, “Với khách hạng nhất, chúng tôi cho chọn Kir Royale, Bucks Fizz, hoặc món Bloody Mary với những ai yêu thích. Các quầy bar trên máy bay luôn trữ đầy hàng và phi hành đoàn sẽ nỗ lực thể hiện mình như những tay pha chế chuyên nghiệp”.

Kỳ công pha chế trên độ cao 10.000 m

Tuy nhiên, chuyện pha cocktail trên máy bay không hề đơn giản. Theo anh Looker: “Tôi đã phải cho toàn bộ nguyên phụ liệu, gồm cả rượu mùi và xirô đường vào những chai 100 ml trước chuyến bay. Để thực hiện đồ uống trên bầu trời, chúng tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị khoảng một tháng trước, phải tính toán mọi nguyên liệu dự trữ, vì hãng hàng không đã trả tiền cho từng hạng mục, gồm cả ly thủy tinh, bình pha chế… Phải chuẩn bị trước ba giờ đồng hồ, trước khi đưa ra xe và chuyển lên máy bay cùng với hành khách”.

Hãy nhớ rằng ở trên cao, mọi việc đều diễn biến khác thường. Kratena chỉ dẫn: “Bạn không thể đóng kín hoàn toàn những túi zip-lock. Phải luôn để hở một ít, nếu không chúng sẽ nổ tung như bong bóng; cũng không cần chuẩn bị cho các loại thảo mộc và hoa tươi, vì chúng sẽ úa đen trong vòng nửa giờ.

Bạn cần sử dụng nhiều đường hơn bình thường với món cocktail Daiquiri và phải thêm gia vị cho Bloody Mary. Số lượng nước đá có thể là một vấn đề, nhưng nếu nhỡ hết đá thì bạn có dùng đá khô vẫn tốt”.

Mục đích là để làm cho thức uống có mùi vị giống như khi pha chế dưới đất, dù có những trở ngại.

Theo một bartender, “Tôi luôn nói các bạn phải biết tổ chức như người Đức, tính toán thời gian như người Thụy Sĩ, giải trí như người Ý và giải quyết vấn đề với tâm trạng thoải mái của một người Tây Ban Nha”.

Vậy nên không lạ gì khi những món cocktail trên trời hấp dẫn mọi người đến thế!

 

Các hãng hàng không có phục vụ cocktail trong chuyến bay

All Nippon Airlines: hạng nhất và hạng thương gia.

British Airways: hạng nhất và hạng thương gia và ở các chuyến bay duy nhất một hạng thương gia, tuyến bay từ London đến JFK-New York

Cathay Pacific: hạng nhất và hạng thương gia

Emirates: tất cả các hạng ghế

Singapore Airlines: tất cả các hạng ghế

Virgin Atlantic: hạng thương gia

 

 

 

Trà đạo ở cabin hạng nhất của Singapore Airlines

Khi bay tuyến London - Singapore, khách hạng premium được mời thưởng thức trà đúng kiểu truyền thống quý tộc Ăng-lê. Trên khay trà dĩ nhiên phải có tách trà thơm nóng với “một giọt lệ sữa chocolat”, vài miếng bánh ngọt (hoặc bánh xăng uých cá hồi xông khói, dưa leo), vài loại mứt trái cây và vài trái cây tươi. Trà là sản phẩm hảo hạng của nhà Harrods, bao gồm các túi trà rất quen thuộc Afternoon Tea (No.16) và Earl Grey (No.42).

Cất cánh từ Anh trên máy bay của British Airways, hành khách hạng nhất cũng được phục vụ bữa trà buổi chiều đúng kiểu cách Anh. Nhưng trà trên cabin First Class của hãng này là sản phẩm của nhà Twinnings.

 

Thứ Ba, tháng 7 30, 2013

Rượu cuốc lủi là "hàng hót" ở châu Á

Nhấp một ly đồ uống có cồn tại một vùng đất lạ là một trong những cách nhanh nhất để tiếp cận với văn hóa bản xứ.

Chuyên trang du lịch CNNgo giới thiệu 8 món đồ uống có cồn mà du khách tới các quốc gia châu Á khó thể bỏ qua, trong đó rượu cuốc lủi của Việt Nam xếp vị trí thứ 8.

Dưới đây là danh sách 8 loại đồ uống quốc hồn quốc túy nổi bật tại châu Á:

fdgdj

Trung Quốc: Rượu Baijiu

Cổ nhân Trung Hoa có câu "phải nếm đủ rượu trắng 300 lần thì mới yêu được nó". Baijiu, hay rượu trắng thường có mùi hoa quả và được uống bằng những hớp nhỏ. Các chuyên gia rượu cho hay mùi vị của các loại rượu trắng Trung Quốc thay đổi theo nhãn chai, mỗi hãng rượu có mùi vị đặc trưng khác nhau.


Khách du lịch có thể mua một chai rượu trắng ở bất kì đại lý hoặc cửa hàng tạp hóa nào bên đường phố. Tuy nhiên, một chai rượu trắng đảm bảo chất lượng nhất khi nó xuất hiện trên bàn ăn của các nhà hàng. Ở đây, người ta không lạ gì cảnh rượu được rót ra, người uống cầm ly lên, hô to "Gan Bei!(Cạn ly) và "Cạch!", họ chạm cốc rồi uống.

Cảnh này diễn ra quay vòng liên tục trên bàn tiệc, người uống không quen dễ cảm thấy mặt mũi nóng phừng phừng, bụng nóng và choáng cho tới tận sáng hôm sau. 

Ấn Độ: Rượu Feni

Feni là tên loại rượu nổi tiếng nhất bang Goa, bang có diện tích nhỏ nhất Ấn Độ. Rượu Feni có hai loại: Feni hạt điều và Feni dừa, cả hai loại này đều khá nhẹ, mượt và hơi cay.

Loại rượu này uống ngon nhất với một lát chanh hoặc một vài hạt muối.

Nhật Bản: Shochu

Shochu là rượu chưng cất từ gạo, lúa mạch hoặc khoai lang. Các loại shochu truyền thống chỉ được chưng cất 1 lần, thường có độ cồn dưới 36%. Những loại shochu được chưng cất nhiều lần thường tinh khiết hơn nhưng mùi thơm của nguyên liệu không còn giữ được. 

Ngoại trừ shochu nấu từ khoai lang là loại có mùi thơm nổi rõ và vị chát nhất, các loại shochu còn lại khá nhẹ, đậm vị trái cây hoặc mùi hoa, cỏ. Loại rượu này có thể uống lạnh, hâm nóng hoặc uống với đá đều được.

Hàn Quốc: Soju

Tục ngữ Hàn Quốc có câu "Anh không hiểu rõ được ai đấy nếu anh không nhậu say với người ta". Rất nhiều tình bằng hữu ở Hàn Quốc được xác lập từ chai rượu soju.

Người Hàn nấu soju từ gạo; Nhưng vào giữa thế kỉ 20, nguồn cung rượu bị thiếu trầm trọng khiến người ta phải dùng cả khoai lang và sắn để nấu cho đủ rượu. Ngày nay các hãng rượu nhỏ vẫn còn dùng hai loại nguyên liệu này để chưng cất soju. Vị rượu khá gắt, hơi giống mùi ethanol công nghiệp.

Nếu bạn ở Hàn Quốc, nên tuân thủ quy tắc rót rượu ở nước này: Phải giữ ly rượu bằng hai tay và đưa lên uống cạn ly. Nếu rót rượu cho bạn rượu, cũng nên dùng cả hai tay để rót. Người Hàn thường hô lớn "konbae" trước khi uống cạn ly rượu. Jinro là một trong những thương hiệu rượu soju nổi tiếng nhất Hàn Quốc.

Mông Cổ: Rượu Naijiu

Rượu Naijiu có mùi hơi hôi, được chiết xuất từ sữa bò Tây Tạng, bò Yak.

Dù bạn có thấy mùi của loại rượu này kinh khủng đến đâu, cũng nên thử một lần - vì nếu đến Mông Cổ, bạn không thể không thử thứ đồ uống này. Khách du lịch có thể dễ tìm mua loại rượu này trong các cửa hàng lưu niệm bán đủ thứ kì dị. Luôn giữ rượu naijiu trong túi có thể giúp bạn ấm người trong những đêm trên đồng hoang ở Mông Cổ.

Philippines: Rượu Lambanog

Lambanog thường có tên là "vodka Philippines" mặc dù loại rượu này được chưng cất từ nhựa dừa. Cả mùi và vị của loại rượu này khá giống với vodka Nga. Có rất nhiều loại lambanog với đủ mùi vị và màu khác nhau như lambanog mùi xoài, cam, dâu và cà phê.

Trước khi uống Lambanog, người nông dân nước này thường đổ một chút rượu lên nền đất với ý nghĩa "para sa Demonyo" (tương đương "cho loài quỷ dữ"). Sau đó, người ta truyền tay nhau một ly rượu và nhấp một hơi rượu.

Thái Lan: Rượu Sangsom

Hầu như mọi cửa hàng hoặc các quán bar ở Thái Lan đều bán rượu sangsom, thứ rượu có màu mật ong và vị hơi giống rum bởi người ta chưng cất sangsom từ cây mía đường. Vậy nên cho dù loại rượu này quen được gọi là whiskey Thái, nhưng thực chất nó là một loại rum.

Hầu hết người Thái uống sangsom với nước soda và đá, riêng các du khách Tây balô thích đổ khoảng hơn 1 lít sangsom vào một cốc lớn, phần trên phủ đá cục và nước tăng lực Rell Bull, sau đó cắm những ống hút bảy sắc cầu vồng vào cốc lớn đó để thưởng thức rượu.

Việt Nam: Rượu cuốc lủi

Một chai rượu cuốc lủi đựng trong chai thủy tinh và nắp lá chuối truyền thống.
Loại đồ uống có cồn này nấu từ gạo trắng, thường được người Việt gọi là rượu đế hoặc rượu cuốc lủi. Từ rượu cuốc lủi, người Việt còn ngâm các loại rắn hoặc bọ cạp vào rượu này để làm rượu thuốc. Rượu thuốc thường có vị lạ, chống rụng tóc, chữa bệnh và cường dương.

Vang trắng và những hiểu biết sai lầm

Có thể bạn chỉ uống vang trắng với cá hoặc khi ăn trưa. Dưới đây là những điều chứng minh mọi hiểu biết về vang trắng của bạn còn thiếu sót.

Ảnh: "Vang đỏ tốt hơn vang trắng ở duy nhất 1 điểm: chúng dễ làm ố màu quần áo hơn" - Alan Richman.
"Vang đỏ tốt hơn vang trắng ở duy nhất 1 điểm: chúng dễ làm ố màu quần áo hơn" - Alan Richman.

1. Vang trắng không chỉ hợp với đồ hải sản. Ba thứ khác rất hợp để đi cùng vang trắng là: Thịt heo, các món ăn cay và những cuộc làm tình. 

Vang trắng giúp giảm độ ngậy và giàu chất béo của thịt heo.

Khi xào nấu đồ ăn cay, đổ một chút vang trắng Sauvignon, Pinot Gris hay Verdicchino vào sẽ khiến gia giảm vị đắng của nguyên liệu nấu khi bị chiên xào ở nhiệt độ cao. Rượu làm bằng nho Gewürztraminer vừa thơm hương hoa, vừa ngọt, có vị cay nồng nên nó được các chuyên gia ẩm thực coi là thứ rượu đặc biệt làm cân bằng vị cay ở các món ăn Á Đông, nhất là món Thái và món Việt.

Theo tạp chí đàn ông GQ Anh quốc, vang trắng Gewurztraminer hợp cho những tối hẹn hò lãng mạn có liên quan tới tình dục. Khi phái đẹp đã quá quen thuộc với những ly Bordeaux, họ mong đợi điều gì đó mới mẻ nhưng tuyệt vời, và vang Gewurztraminer có được tất cả những yếu tố đó. Vị sảng khoái, hơi cay của Gewurztraminer có thể khiến những giây phút dạo đầu trở nên vô cùng ấn tượng. 

2. Rất nhiều chuyên gia lão luyện về rượu vang uống vang trắng nhiều hơn bất kỳ thứ đồ uống có cồn nào khác. Họ mất cả đời tìm hiểu và thưởng thức vang trắng sao cho đúng cách và hiểu được vị ngon vang trắng. Vì vậy nếu bạn từng thất vọng khi không hiểu vang trắng ngon ra sao, cũng đừng nản chí vì còn cả đường dài để học về vang trắng ở phía trước. 

g
Không nên để vang trắng quá lạnh trước khi uống. Hãy để vang trắng với đá trong vòng 20 phút rồi lấy uống thử, nếu chưa ưng vị rượu, bạn có thể đặt lại vị trí ướp đá cũ.

3. Vang trắng có thể dùng uống quanh năm. Chuyên gia về vang Lee Campbell tại Brooklyn gợi ý về những chai vang trắng dùng với 4 mùa:

c
- Mùa thu: vang Jurançon từ xứ Basque có vị quả hạnh, chất rượu hơi thô và lý tưởng khi dùng với món foie gras hoặc nhấm nháp thư giãn. 

- Mùa đông: vang Chablis Alice et Olivier De Moor mang đậm vị khoáng chất, thích hợp với những tháng mùa đông giá lạnh. Loại vang này ngon nhất khi dùng kèm với hàu, món ăn của mùa đông.

- Mùa xuân: Thử loại vang sủi tăm Pétillant Naturel. Người Pháp làm thứ vang này theo cách cổ điển khiến bọt tăm của Pétillant naturel còn nhỏ nhẹ hơn bọt tăm của sâmbanh.

- Mùa hè: Những chai Frizzante xuất xứ từ Ý là món thức uống hoàn hảo trên bãi biển. Một chai Bera Vittorio e Figli Arcese đậm vị hoa quả là lựa chọn tuyệt vời nhất.

4. Nho Reisling là giống nho quan trọng nhất trong thế giới vang trắng, theo chuyên gia rượu danh tiếng nhất nước Mỹ, ông Paul Grieco.

j
Ông Paul Grieco khuyên người uống rượu nên mua các chai vang Đức cổ điển càng nhiều càng tốt.

Riesling là giống nho trắng có nguồn gốc từ vùng Rhine – Đức. Riesling thơm hương của hoa, có độ axit cao. Vang Reisling thường rất tinh khiết và hiếm khi ủ trong thùng gỗ sồi. Thế giới xem đây là 1 trong 3 giống nho tuyệt vời nhất để làm vang trắng (Chardonnay và Sauvignon Blanc).

Vang Riesling nổi tiếng về sự cân bằng giữa các vị chua, ngọt, đắng, phù hợp nhất là khi uống kèm các món gà, cá, hoặc thịt heo.

Nho Reisling ngon nhất được tìm thấy trên các cánh đồng vùng Rhine và Mosel thuộc nước Đức. Loại nho trồng ở vùng Alsace (Pháp) và miền Đông nước Mỹ tuy vị tương đối đạt chuẩn của giống Riesling nhưng hơi ráo, kém ngọt và có rất nhiều chủng loại, khó phân biệt đối với những ai chưa quen với việc chọn rượu. 

Loại rượu vang đắt giá nhất được làm từ Reisling là loại vang tráng miệng làm từ nho thu hoạch muộn. Loại vang cô đặc này có nhiều đường hơn (trong một số trường hợp chứa hàm trăm gram/lít), nhiều axit hơn (giúp cân bằng với lượng đường), nhiều hương vị hơn và phức hợp hơn. Vì vậy, vang làm từ Reisling nằm trong số những dòng vang trắng có tuổi thọ lâu nhất.

5. Những chai vang ngon nhất không phải là vang trắng thuần chất.

Những ly "orange wine" ngon nhất thế giới.
Những ly "orange wine" ngon nhất thế giới.
Nhà hàng danh tiếng Saint Anselm tại Brooklyn dành hẳn một hầm rượu để chứa "orange wine". 

"Orange wine" là thuật ngữ dùng cho một loại vang làm từ các giống nho trắng khác nhau; Phần nước nho chảy ra trong quá trình làm nho được để cho lên men lẫn với phần vỏ nho trong vòng vài ngày đến vài tháng. Kết quả của quá trình này là một thứ chất lỏng có màu đồng, vị nồng, chứa hàm lượng chất tannin chát chúa cao hơn cả trong rượu vang trắng và vang đỏ. 

Các chuyên gia rượu cho hay, lần đầu nếm loại "orange wine" sẽ khiến đầu óc và tâm thần người uống đảo lộn, và mọi kiến thức về rượu của người đó sẽ bị thử thách. Phương pháp làm rượu này vốn có xuất xứ từ thời cổ đại nhưng hiện tại, New York đang chao đảo vì làn sóng "orange wine".

Một số cái tên nổi bật trong loại rượu này là rượu Radikon Jakot (51 USD), rượu Gravner Anfora (67 USD) và Channing Daughters Envelope (40 USD).

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng