Thứ Sáu, tháng 6 22, 2012

Ngắm hầm rượu 89 năm tuổi nằm trong lòng núi

Ra đời từ năm 1923, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bom đạn chiến tranh, hầm rượu Debay nằm trong lòng núi tại Bà Nà - Đà Nẵng vừa được phục hồi lại gần như nguyên trạng.

 

 

Cửa vào hầm rượu vừa được phục hồi
Cửa vào hầm rượu vừa được phục hồi
Trong quãng thời gian từ năm 1919-1938, đồng thời với việc xây dựng hàng trăm ngôi biệt thự cùng bệnh viện, bưu điện, ngân hàng… để phục vụ nhu cầu nghỉ mát của các quan chức, sĩ quan quân đội, thương gia người Pháp và những người Việt giàu có, người Pháp đã cho xây dựng hầm rượu này vào năm 1923. Mục đích cơ bản của việc xây dựng hầm rượu là để làm nơi cất giữ các loại rượu, đặc biệt là rượu vang mà người Pháp mang sang từ cố quốc.
 
Bên trong hầm rượu
Bên trong hầm rượu
 
Đây là công trình khá độc đáo bởi hầm rượu vốn thường chỉ được nhắc đến ở châu Âu. Đặc biệt hơn nữa, không giống các hầm rượu thường thì được đào sâu xuống lòng đất, hầm rượu này được đào xuyên vào lòng núi.
 
Ở đây có nhiều loại rượu nổi tiếng trên thế giới
Nhiều loại rượu nổi tiếng thế giới đã được lưu giữ tại đây
 
Hầm rượu có tổng chiều dài từ lối vào đến lối ra khoảng 100 mét, chiều cao 2,5 mét, rộng khoảng 2 mét, bên trong có các hầm cất giữ rượu, hầm chưng cất rượu, bar rượu, lò sưởi, sảnh. Vách hầm được xây bằng đá núi và vữa làm từ hỗn hợp đường và nhựa cây bời lời - một loại cây khá phổ biến ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Trần hầm được đào theo hình vòm cung thể hiện lối kiến trúc mang đậm chất Pháp.

Ở đây có nhiều loại rượu nổi tiếng trên thế giới

Hơn nữa, hình vòm còn giúp tạo nên sự vững chắc cho hầm rượu. Đó là lý do vì sao gần 100 năm qua, hàng trăm ngôi biệt thự lộng lẫy nguy nga một thời nay chỉ còn là những phế tích nhưng hầm rượu vẫn trường tồn với thời gian với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá của bom đạn trong chiến tranh. Đây cũng là công trình duy nhất của người Pháp còn lại khá nguyên vẹn tại Bà Nà - Đà Nẵng.
 
Hướng dẫn viên giới thiệu các hốc rượu
Các hốc rượu không chỉ cất giữ rượu vang mà có cả những bình rượu nấu của Việt Nam
 
Nhiệt độ bên trong hầm rượu nói chung và các hầm này nói riêng thường khoảng 16 - 20oC. Đây chính là nhiệt độ lý tưởng để cất giữ các loại rượu vang. Trong hầm rượu có tất cả 14 hốc, gồm có 11 hốc nhỏ và 3 hốc lớn, mỗi hốc này đều có chủ riêng - là những chủ nhân của những ngôi biệt thự hoặc khách sạn tại Bà Nà trước đây, đăng ký gửi rượu trong hầm.
 
Một số người lớn tuổi trước đây từng làm phu cho người Pháp ở Bà Nà kể lại rằng, người Pháp cất giữ rượu vang trong những hốc này và mang ra tiếp đãi khách quý trong những buổi khánh tiết.
 
Trước đây, mỗi hốc rượu đều có chủ nhân
Trước đây, mỗi hốc rượu đều có chủ nhân
 
Cùng với sự ra đi của người Pháp ở Việt Nam vào năm 1945, Bà Nà đã chìm vào quên lãng và hầm rượu cũng chịu chung số phận. Nó đã bị bỏ hoang trong một thời gian dài và khu vực này đã bị bom đạn đánh sập. May mắn thay, hầm rượu về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn và đã được phục chế lại.
 
Ngày nay, du khách có thể gởi rượu của mình ở đây để thiết đãi bạn bè mỗi khi có dịp lên Bà Nà
 
Ngày nay, du khách có thể gởi rượu của mình ở đây để thiết đãi bạn bè mỗi khi có dịp lên Bà Nà
  
Bên trong hầm rượu có bàn để du khách thưởng thức
Những bàn rượu bên trong hầm rượu.

Cuộc đời chìm nổi của anh chàng sáng tạo cocktail hương phở

Từ một cậu bé đánh giày ngủ gầm cầu, Phạm Tiến Tiếp vừa giành giải Nhà pha chế giỏi nhất Việt Nam với loại đồ uống lạ.

 

Món cocktail mang hương vị phở này sắp tới sẽ cùng Tiếp sang Brazil tham dự cuộc thi dành cho các bartender thế giới.

 

Hương thơm của những gia vị trong món phở lan khắp phòng khi chàng bartender 24 tuổi đốt cốc rượu vừa lắc, sau đó tưới lần lượt qua ba cốc đựng hồi, quế và thảo quả, rồi thêm một chút rau mùi. Vị cay đặc trưng của rượu hòa quyện vào mùi thơm của từng gia vị là lạ khiến người thưởng thức mới đầu còn e ngại nhưng sau đó muốn uống tiếp. Hương vị phở được nhận ra ngay ở ngụm đầu tiên và lưu lại mãi.

 

Món cocktail mang tên nữ ca sĩ nổi tiếng thế giới, Joan Baez, này giúp Tiếp vô địch Diageo Reserve World Class 2012 ở Nha Trang, cuộc thi dành cho những bartender đẳng cấp ở Việt Nam mới đây. Đầu tháng 7 tới, Tiếp sẽ mang đồ uống đậm chất Việt Nam ấy sang Brazil tham dự cuộc thi tầm cỡ thế giới.

 

Tự nhiên và ấn tượng với nụ cười có má lúm đồng tiền, chàng trai quê Hưng Yên thoăn thoắt pha chế món đồ uống độc đáo trước sự chứng kiến của các vị khách trong bar Angelina của Khách sạn Metropol. Sáu năm làm nghề, Tiếp từng mơ ước một ngày sẽ trở thành nhà pha chế tài ba.

 

Khi tham dự cuộc thi, Tiếp nghĩ đó là cơ hội để giao lưu, học hỏi và thể hiện mình. Cuộc thi diễn ra trong một ngày gồm bốn phần chính. Ở phần thi cocktail sáng tạo yêu cầu chế đồ uống mang tên một diva hoặc bài hát nổi tiếng thế giới, Tiếp chọn Joan Baez, nữ ca sĩ từng trú bom dưới hầm của khách sạn Metropol khi bà lưu lại đây. Giữa bom đạn, tiếng đàn, tiếng hát ngọt ngào của nghệ sĩ nước ngoài ấy làm những người trú ẩn dưới hầm quên đi nỗi sợ hãi. Món cocktail đặc biệt như một lời cảm ơn của người Việt Nam gửi tới bà Joan Baez. Để có sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và Pháp, Tiếp sáng tạo đồ uống của mình có hương vị phở, món ăn đặc trưng của người Việt.

 

Nguyên liệu làm món đồ uống độc đáo này gồm quế, thảo quả, hồi, ớt và rau mùi.

 

"Vừa kết thúc phần thuyết trình bằng tiếng Anh về món cocktail vị phở, giám khảo cùng tất cả những người có mặt lúc đó đồng loạt vỗ tay, chúc mừng khiến em đứng lặng người vì vui sướng. Em chỉ biết chắp tay cảm ơn mẹ ở trên trời đã phù hộ cho em",Tiếp xúc động nói.

 

Mẹ mất khi Tiếp học lớp một. Bố đi bước nữa khiến hai chị em Tiếp giận ông rồi nghỉ học từ rất sớm. Chị đi học nghề nấu ăn ở trường dành cho trẻ mồ côi còn Tiếp lang thang kiếm sống. Không muốn làm phiền tới chị nhưng suốt một tuần đầu lê la ở Hà Nội, đói quá, cậu đành tới chỗ chị cầu cứu. Tiếp chia sẻ, thời điểm đó, ai thuê gì cậu cũng làm, từ phục vụ trong quán phở, làm ở công trường xây dựng hay đánh giày. Không ít lần bị hội đánh giày đập vỡ đồ nghề vì dám "xâm phạm lãnh địa", Tiếp sợ hãi. Không có chỗ ngủ, cậu lang thang ra gầm cầu Long Biên ngủ cùng đám bạn bỏ nhà đi dạt trong đó có cả dân nghiện và xã hội đen. "Em cũng rất sợ nhưng nghĩ mình không còn gì để mất. Lúc đó nếu chúng có đe dọa, em cũng sẵn sàng đáp trả", Tiếp ngậm ngùi nhớ về những ngày xa xưa.

 

Sau quãng đời lang bạt ấy, cậu được vợ chồng chủ quán phở nhận làm con nuôi và cho đi học bổ túc. Một thời gian sau, Tiếp được ông chủ trung tâm nơi chị gái đang theo học cho đi học nhạc sau khi nghe bài hát cậu sáng tác. Trong thời gian học nhạc, Tiếp làm thêm ở quán bar trên Hàng Bè. Lần đầu tiên trông thấy bartender biểu diễn với bộ đồ trước ánh mắt ngưỡng mộ của khách, Tiếp đã mê mẩn và quyết định theo đuổi nghề pha chế đồ uống.

 

Tiếp kể, tháng nào cậu cũng chia mức lương làm thêm 800.000 đồng thành nhiều phần và luôn dành ra 200.000 đồng làm tiền "học phí" đến quán bar để uống và học lỏm. "Một tháng em đi khoảng bốn lần và chỉ dám tới những bar vừa vừa. Mới đầu nhân viên ở đó rất ghét em vì ngồi lâu và hay hỏi nhưng dần dần thấy em thực sự muốn học hỏi, các anh bartender đã chia sẻ", Tiếp cho biết.

 

Không có tiền mua nguyên liệu, ở phòng trọ, Tiếp pha nước chanh và tự tưởng tượng trong đầu chai nước trước mặt là rượu ngoại rồi nghĩ ra nhiều cách chế khác nhau. Có lần cậu chế cocktail với rượu trắng cho các bạn cùng phòng trọ thưởng thức. Không biết tiếng Anh, Tiếp lưu vào điện thoại tên rượu, xuất xứ và công thức pha chế rồi nhẩm đọc thuộc lúc đi ngủ. Hôm sau tỉnh dậy, cậu bạn cùng phòng mở lại đoạn ghi âm Tiếp đọc làu làu tên đồ uống trong mơ.

 

Phạm Tiến Tiếp vừa giành giải bartender xuất sắc nhất Việt Nam trong cuộc thi tìm kiếm nhà pha chế tài ba Diageo Reserve World Class 2012 tổ chức tại Nha Trang.

 

Những ngày đầu mới vào nghề, Tiếp từng gặp nhiều sự cố khi pha cocktail cho khách. Nhiều lần mải buôn chuyện, đồ uống bật ra từ bộ đồ làm cocktail và đổ ụp xuống đầu Tiếp hay viên đá văng vào người khách. Có lần đang vắt nước cam cho một khách nữ, hạt cam bất ngờ bắn vào ngực của cô khiến Tiếp xấu hổ đành ngồi thụp xuống dưới để... trốn. Lúc sau cậu mới từ từ nhô lên và trông thấy người khách đó đang bối rối lấy hạt cam ra. Vẻ ngượng ngùng cùng khuôn mặt hài hước của Tiếp khiến cô bật cười bỏ qua lỗi. Sau sự cố ấy, Tiếp và người này trở thành bạn thân.

 

Trước khi vào làm ở bar của khách sạn Metropol, Tiếp từng pha chế cho một vài quán bar khác. Tiếp cho biết bản thân mỗi bartender cần phải có bản lĩnh. Cậu sợ chị gái buồn nên luôn tự nhắc mình giữ mình trước những lời mời mọc "gửi hàng" (tài mà hoặc ma túy tổng hợp) hay gái bán dâm gửi số điện thoại hoặc gay quấy rầy. "Một số bạn của em làm cũng từng kiếm thêm theo cách đó nhưng em thấy việc này làm ảnh hưởng đến uy tín nơi mình làm việc, giảm giá trị của một bartender", Tiếp nói.

 

Sau lần bị một đàn anh "chơi xấu" và phải đền đồ uống cho khách, Tiếp đã tự nhủ "một ngày nào đó sẽ giỏi hơn đàn anh đó". "Chiến thắng tại Diageo Reserve World Class và chuyến đi tới Brazil sắp tới đã giúp em thực hiện được lời hứa của mình", Tiếp vui vẻ khoe.

 

Ngay khi thắng cuộc, người đầu tiên cậu gọi điện thông báo là chị gái. Không kìm nổi xúc động, người chị khóc suốt trong cuộc điện thoại của em trai. Hiện tại, chị gái Tiếp nấu ăn cho một khách sạn lớn ở Hà Nội.

 

Trong chuyến sang Brazil sắp tới, Tiếp dự định vẫn mang đồ uống có hương vị phở theo để giới thiệu với các vị khách quốc tế về nét đặc sắc của Việt Nam. Ngoài ra, cậu cũng đang ấp ủ một đồ uống mới có sự kết hợp nhiều gia vị đặc trưng của người Việt để đi thi. Trong tương lai, Tiếp mơ ước sẽ mở được trung tâm dạy pha chế cho những em nhỏ có hoàn cảnh như mình và những ai đam mê trở thành bartender.

Thứ Năm, tháng 6 21, 2012

Làm rượu nếp cẩm đón Tết Đoan Ngọ

Rượu nếp ủ đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng; có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà bạn không cần phải dùng đến đường!

 

 
      
 
Nguyên liệu:

- 1kg gạo nếp xay lật hay còn gọi là gạo nếp lứt
- 3 quả men rượu
- Nồi gốm, túi khóa zip cỡ to.
 
Bước 1:

Gạo nếp vo sạch, để ráo.
 

Cho gạo vào nồi cơm điện, nấu như nấu cơm tuy nhiên bạn cho lượng nước ít hơn so với nấu cơm bình thường nhé. Nếu cẩn thận hơn bạn có thể đồ như đồ xôi.

 
Cơm nếp chín đổ ra mâm rộng, tãi mỏng cơm cho nhanh nguội.
 
Bước 2:

Men rượu gạt bỏ lớp vỏ trấu bằng cách xát 2 quả men vào nhau.
 
Giã mịn men.
 
Bước 3:

Cơm sau khi đã nguội hoàn toàn bạn rây men vào.
 
Trộn đều cơm và men.
      
 
Tiếp tục rắc nốt phần men còn lại, trộn đều.
 

Bước 4:

Ủ rượu nếp cái ngon nhất là dùng lá chuối khô, tuy nhiên ở thành phố hiện nay để tìm được lá chuối khô là điều không dễ dàng. Mình đã thử tận dụng ngay những vật dụng thường có trong bếp để ủ rượu thì thấy kết quả vẫn ngon. Vật dụng thay cho rổ tre và lá chuối khô mình dùng là nồi gốm và túi khóa zip. Dùng kéo cắt tạo lỗ ở phần đáy túi khóa zip.

 

Cho cơm đã trộn men vào túi.

 

Trong nồi gốm đặt 1 bát hoặc đĩa nhỏ sau đó đặt tấm phên tre lên. Để như vậy để khi ủ rượu nước rượu sẽ chảy xuống chứ không bị đọng làm rượu dễ lên men cay.

 

Đặt túi khóa zip chứa cơm đã trộn men vào nồi.

 

Kéo miệng túi kín lại rồi đậy vung nồi để chỗ thoáng mát.

 
Với thời tiết nắng nóng như hiện này bạn chỉ cần ủ khoảng 34 tiếng là rượu đã ngấu. Với thời tiết mát mẻ hơn bạn có thể tăng thời gian ủ. Cách kiểm tra cơm rượu đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng, rượu có vị ngọt, thơm, không bị chua hoặc cay.
 
Sau thời gian ủ, nước rượu chảy xuống dưới khá nhiều, bạn dùng chính nước này để tưới lên cơm rượu nhé.
 

Bạn nhớ để ý dỡ rượu khi đến độ, tránh ủ lâu sẽ làm rượu lên men cay và hạt cơm rượu bị xác.

Rượu nếp cái ủ đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng. Rượu nếp có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà bạn không cần phải dùng đến đường. Ngoài rượu nếp bạn có thể chuẩn bị các loại trái cây của mùa này như mận, xoài, lê, đào... để có một cái tết Đoan Ngọ thật xôm và đúng điệu nhé!
 


Chúc các bạn thành công và làm được món rượu nếp thật ngon nhé!

“Ngất ngây” với vẻ đẹp của Intercontinental Đà Nẵng

Bất cứ ai đã từng đặt chân tới Khu du lịch nghỉ dưỡng Intercontinental Da Nang Resort tại Bắc bán đảo Sơn Trà đều ngỡ ngàng và không tiếc lời khen ngợi trước vẻ đẹp quyến rũ của khu nghỉ dưỡng cao cấp này. Với địa thế hòa quyện tuyệt vời giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và lối kiến trúc tinh tế đầy sáng tạo, nơi đây xứng đáng là một trong những khu nghỉ dưỡng sinh thái đẹp và hiện đại vào loại bậc nhất của khu vực Châu Á.

 

 

 

 

Vẻ đẹp của Intercontinental Đà Nẵng

 

 

 

Intercontinental Da Nang Sun Peninsula Resort do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng tại Bắc bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) với tổng mức đầu tư đến thời điểm hiện tại là trên 2000 tỷ đồng. Khu nghỉ dưỡng sang trọng và đẳng cấp này nằm trên một bãi biển biệt lập tại bán đảo Sơn Trà, cách sân bay Đà Nẵng chừng 30 phút xe chạy. Tác giả của công trình tuyệt mỹ này không phải ai xa lạ mà chính là kiến trúc sư lừng danh Bill Bensley, người đã vẽ lên những công trình xa hoa, lộng lẫy có một không hai tại các thiên đường du lịch Bali, Maldives hay Hawaii.

 

Mở cửa hoạt động vào tháng 6 năm 2012, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort là sự hòa quyện tuyệt vời giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và nét tinh hoa kiến trúc, văn hóa độc đáo của Việt Nam.

 

Ở đây du khách có thể bất ngờ và thú vị khi nhận ra được các chi tiết kiến trúc và văn hóa của Việt Nam được tái hiện một cách tinh tế và sáng tạo, hiện diện xuyên suốt trong không gian kiến trúc, nội thất và cảnh quan của khu nghỉ dưỡng. Không chỉ có thế, du khách còn có thể quan sát được cuộc sống tự nhiên đa dạng trong những tán cây rậm rạp của rừng nguyên sinh, hòa mình vào làn nước biển ấm áp và chiêm ngưỡng những rặng san hô cùng những đàn cá đủ màu sắc dưới làn nước trong xanh.

 

 

 

Intercontinental Đà Nẵng lung linh trong đêm

 

Intercontinental Danang có 197 phòng, suite và villa với tất cả đều hướng biển. Ẩn mình trong vịnh biển riêng, khu Resort mang đến không gian thư giãn tuyệt đối để tận hưởng khung cảnh huyền diệu của đất trời, nơi mà thiên nhiên đang được tách biệt khỏi thế giới hiện đại bên ngoài với bãi biển hoang sơ, tầm nhìn rộng mở, cây cối xanh tốt chung tay tạo nên khu resort xinh đẹp nhất trong khu vực.

 

Kiến trúc sư Bill Bensley đã phủ phép màu lên từng chi tiết trong khu resort với thiết kế độc đảo và các vật dụng được chế tạo riêng. Gam màu trung lập đen, trắng tạo nên bức nền chuẩn mực để các màu sắc khác được thăng hoa trong mỗi phòng. Với diện tích tối thiểu 70 mét vuông, các phòng ở tại resort được đánh giá là rộng nhất trong khu vực. Kiến trúc mang đậm chất văn hóa kết hợp cùng các phương tiện hiện đại bảo đảm cho du khách sự tiện nghi thiết yếu trong môi trường đầy truyền thống.

 

Không chỉ có kiến trúc, khu resort còn mang đến các lựa chọn ẩm thực phong phú cho những người sành ăn, thực đơn món Việt và món Tây phong phú của nhà hàng luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng các bữa ăn trong ngày bởi người đầu bếp tài hoa đạt danh hiệu sao Michelin đầu tiên tại Việt Nam.

 

Quên đi các áp lực của cuộc sống thường nhật ở bên bãi biển xinh đẹp với ghế xếp là các loại cocktail hấp dẫn, Long Bar và Barefoot Café nằm ngay trên bờ biển là lựa chọn hoàn hảo để thư giãn với các món ăn Địa Trung Hải, hải sản nướng và các loại rượu ngon hảo hạng.

 

Tại lễ công bố thương hiệu Sun Group và khai trương khu nghỉ dưỡng Intercontinental Đà Nẵng, ông Tony Marrinan - Tổng Giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng đã bày tỏ: “Tôi thực sự thán phục về tầm nhìn của Ban lãnh đạo tập đoàn Sun Group khi đã quyết định đầu tư một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp tại nơi đây. Chắc chắn Intercontinental Đà Nẵng không thua kém bất cứ một khu nghỉ dưỡng cao cấp nào tại các bãi biển nổi tiếng như: Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia). Thời gian tới, bằng kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp của một tập đoàn quản lý khách sạn lừng danh trên thế giới là Intercontinental Hotels Group, tôi cùng với các cộng sự của mình sẽ biến nơi đây thành một trong những khu nghỉ dưỡng sinh thái tốt nhất trên thế giới”.

 

 

 

Một số hình ảnh của Intercontinental Đà Nẵng

 

 

 

Bãi biển hoang sơ đầy nét quyến rũ
Không gian kiến trúc mở sang trọng nhưng đầy chất lãng mạn
Nét văn hóa kiến trúc Việt Nam đầy tinh tế
Nơi chế biến các món ăn của các đầu bếp nổi tiếng
Phòng ăn sang trọng và lịch sự
Phòng ngủ sang trọng và ấm cúng
Phòng tắm có view nhìn ra biển đấy lãng mạn
Quán Bar bên bờ biển đầy thơ mộng

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng