Thứ Ba, tháng 1 17, 2012

Tết: Đừng biến rượu bia thành kẻ thù!

Nôn ói sau khi uống rượu bia là một trong những biểu hiện thường gặp nhất của ngộ độc rượu. Say xỉn = ngộ độc rượu.

 

Nói về rượu bia, nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bàn về cả lợi ích và tác hại rồi (…). Trong khuôn khổ một bài báo, có lẽ tôi xin phép được đề cập thẳng vào một số vấn đề liên quan đến rượu bia và cả những ngộ nhận thường gặp trong xã hội.

Say xỉn = ngộ độc rượu

Tất cả thức uống chứa cồn (alcohol), từ rượu cao độ chứa rất nhiều cồn (như rượu đế, rượu Tây…) đến bia nhẹ “đô” hơn vẫn chứa lượng cồn đáng kể. Chất làm người ta say xỉn chứa trong rượu và cả trong bia là ethanol tức cồn ethylic. Say xỉn rượu bia là từ thường dùng trong đời sống hằng ngày, trong y học thì gọi là ngộ độc rượu. Rượu chứa cồn cao độ như rượu đế hay Whiskey chứa tới 40% cồn hoặc hơn, trong khi bia chứa cồn độ thấp, 2%-10%. Bởi chứa lượng cồn không cao nên người ta dễ hiểu lầm uống bia nhiều chẳng việc gì.

Khi uống rượu hay bia, gan của chúng ta phải làm việc cật lực để giải độc và cơ thể phải thích ứng với độc chất là cồn. Chỉ cần uống rượu bia sau vài phút đã có cồn hấp thu qua dạ dày (đến 70%), ruột để vào máu. Khi ấy nhiều cơ quan trong cơ thể bị tác dụng gây độc của cồn.

Khi uống rượu, nồng độ cồn trong máu tăng lên đưa đến ngộ độc từ nhẹ đến nặng tùy theo từng người. Thông thường, khi nồng độ cồn trong máu là 20-50 mg% đã có những rối loạn về hành vi, ở mức 50-100 mg% (tương đương khi uống 1/2 lon bia) bắt đầu rối loạn về điều khiển, với mức 100-150 mg% thì khó khăn về đi lại (mất thăng bằng), còn ở mức 150-250 mg% là rối loạn ý thức, người uống có thể lú lẫn hay sững sờ, không còn nhận thức rõ môi trường xung quanh, không thể ngồi thẳng nếu không có trợ giúp. Khi nồng độ cồn trong máu vượt quá 300 mg% thì xuất hiện hôn mê (ngộ độc nặng) và khi vượt quá 400 mg% là có thể tử vong do ức chế trung tâm hô hấp. Đó là chưa nói đến tình trạng ngộ độc rượu do uống phải rượu có chứa nhiều tạp chất (như furfural, aldehyde, ester…) hoặc rượu có chứa hóa chất độc hại còn gọi là rượu giả (do có chứa cồn công nghiệp: methanol, ethylene glycol vài isopropanol…). Tác động của các hóa chất độc hại có thể gây tổn thương thần kinh thị giác (gây mù lòa), suy thận cấp, rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, trụy tim mạch, thậm chí tử vong nhanh chóng.

Vì sao uống rượu bia lại bị ói?

Nôn ói sau khi uống rượu bia là một trong những biểu hiện thường gặp nhất của ngộ độc rượu. Nôn ói có thể xuất hiện rất sớm hay khá muộn sau khi uống rượu bia (tùy từng người, ít uống hay nghiện rượu).

Nôn ói sớm ngay sau khi uống vài phút đến hàng chục phút hoặc mới chỉ uống với một lượng rượu không nhiều được gọi là nôn ói “phản xạ”, đó là phản xạ có lợi để tống tháo chất có hại (chất độc) ra khỏi cơ thể. Nôn ói cũng có thể khá muộn (từ vài giờ đến hàng chục giờ) sau uống rượu bia. Biểu hiện này thì phức tạp hơn nhiều vì có thể do rượu bia đã gây viêm, trợt loét niêm mạc thực quản, dạ dày (có thể nôn ra thức ăn lẫn máu hay nôn ra máu) hoặc thậm chí say xỉn (ngộ độc) đã đến mức độ nặng với nhiều biến chứng như viêm tụy cấp, rối loạn biến dưỡng gây nhiễm toan chuyển hóa (nôn ói dữ dội, không thể kiềm chế được, đe dọa tính mạng).

Đối với nôn ói phản xạ, cần “tôn trọng” và nên nôn hết mọi thứ khi có cảm giác buồn nôn, tránh kiềm nén hoặc dùng thuốc chống nôn, vì như vậy bạn đã vô tình giữ lại những chất độc mà cơ thể đang cố gắng vận dụng cơ chế tự bảo vệ để đào thải ra ngoài.

Đối với nôn ói muộn, nhất là nôn ra thức ăn lẫn máu hoặc nôn ra máu và nôn ói dữ dội, không thể kiềm chế được,… cần thiết đến bệnh viện ngay để được chăm sóc, cứu chữa kịp thời.

Lời khuyên cho người uống rượu

Nên:

- Tạo cho mình một giới hạn mỗi khi uống (VD: Một lon bia hoặc một ly rượu vang hay một ly nhỏ rượu mạnh).

- Ăn thứ gì đó trước và trong khi uống rượu bia, nó giúp làm chậm lại quá trình hấp thụ cồn, làm nhẹ bớt mức độ ngộ độc.

- Nôn hết mọi thứ khi có cảm giác buồn nôn để tống chất độc ra khỏi cơ thể. Sau đó cần uống đủ nước (có thể dùng nước ép trái cây, trà đường, chanh đường hoặc đậu xanh đường...) nhằm bù đắp lượng nước bị mất khi nôn ói và tránh bị hạ đường huyết (rất thường gặp khi say xỉn rượu), thêm nữa là nhằm pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng.

Không nên:

- Uống rượu bia trước và trong khi lái xe hay vận hành máy, thiết bị, làm việc trên cao, chơi thể thao,…

- Uống rượu bia khi bụng đang đói, uống nhanh kiểu cấp tập.

- Dùng các loại thuốc chống nôn ói trước khi uống rượu bia vì chẳng có ích lợi gì, chỉ gây hại cho cơ thể.

Cơ quan chịu tác động nhiều nhất của rượu là hệ thần kinh trung ương (mới uống rượu thì gây ngộ độc cấp với biểu hiện chủ yếu là rối loạn ý thức ở nhiều mức độ, uống rượu lâu dài sẽ bị nghiện rượu, là bệnh được xếp vào nhóm “bệnh tâm thần” ngang hàng với nghiện ma túy), kế đến là gan (dễ bị viêm gan do rượu, xơ gan), rồi đến dạ dày tá tràng (bị viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa), viêm tụy cấp, suy tim cấp...

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng