Rượu không chỉ để cúng lễ hay uống vào ngày Tết mà còn được sử dụng cả ngày thường. Ngày Tết, dù mâm cao cỗ đầy, nhưng thiếu rượu thì không ra cỗ. Trên bàn thờ khi làm lễ dâng cúng tổ tiên không thể thiếu rượu vì người Việt quan niệm "trần sao âm vậy" và "thắp hương 3 nén, rót rượu 3 đài".
Điệu múa “Mời rượu ngày xuân” của dân tộc Thái. Ảnh: Lê Quân |
Thăng Long nổi tiếng về nấu rượu ngon. Trong sách "Dư địa chí", Nguyễn Trãi ghi nhận, phường Thụy Chương nấu rượu ngon có tiếng. Ngon đến mức Phật cũng không cưỡng lại được cho dù trong giáo lý "ngũ giới" của nhà Phật có "giới tửu" (cấm rượu). Tương truyền Phật đã nhiều lần uống say, nên dân vùng này đã cho dựng tượng Phật say ở chùa Đõ (nay chùa này không còn). Có lẽ vì thế trong ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:
Làng Võng (Võng Thị ngày nay) bán lợn bán gà
Thụy Chương (nay là Thụy Khuê) nấu rượu la đà cả đêm.
Nằm cạnh Hồ Tây với hoa sen thơm ngát nên Thụy Chương cũng nổi tiếng khắp kinh thành với loại rượu nhụy sen. Một vùng đất khác cũng nấu rượu rất nổi tiếng, đó là Kẻ Mơ.
Em là con gái kẻ Mơ
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh
Rượu ngon chẳng quản be sành...
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.
Trong dân gian lưu truyền "Rượu làng Mơ, thơ làng Lũ" (Kim Lũ, quận Hoàng Mai nổi tiếng có nhiều người làm thơ hay trong đó phải kể đến Nguyễn Siêu). Một câu khác là "Rượu làng Mơ, cờ Mộ Trạch" (làng có nhiều người chơi cờ tướng giỏi ở huyện Bình Giang, Hải Dương), điều đó cho thấy rượu Mơ không chỉ có tiếng ở Thăng Long mà còn có tiếng vang khắp thiên hạ. Phía Tây nam thành Thăng Long có làng Vọng (nay là phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) nấu rượu rất ngon, ngoài ra trong ca dao tục ngữ còn nói đến rượu làng Ngâu (nay là Yên Ngưu, Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì), làng Thổ Khối (Gia Lâm). Trong "Dư địa chí", Nguyễn Trãi cũng nhắc đến rượu sen, rượu cúc như đặc sản lâu đời của Thăng Long.
Trưng bày rượu cổ truyền tại Lễ hội Câu đối, Hoa và Đồ uống Tết. |
Trước rằm tháng Chạp, dân kinh thành đã mua rượu chuẩn bị cho ngày ông Công, ông Táo về trời. Nhà bình thường thì đợi các cô bán rượu làng Thụy, làng Mơ gánh be sành đi qua mua đầy chóe dùng đủ cho ngày Tết. Nhà giàu không mua rượu rong mà đặt, rượu phải được nấu bằng nếp trồng ở Định Công (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai). Người bán mang đến tận nhà và họ cho vào các nậm sứ, nhà giàu đựng bằng nậm bạc. Khác với nhiều vùng, dân thành Thăng Long còn mua rượu nếp, dành cho đàn bà, cho con trẻ. Ngày Tết ăn bát rượu nếp cho gương mặt hồng hào có sắc khí. Có nhiều phường nấu rượu ngon nhưng người Thăng Long cũng sành uống rượu, biết tửu lượng của mình mà uống đủ nóng mặt để thêm hứng với sắc xuân, không để ma men làm mất lý trí cho thiên hạ chê cười. Trong cỗ tất niên hay tân niên, con cháu chúc ông bà sức khỏe và trường thọ cũng chỉ dùng loại chén nhỏ, uống tạo ra sinh khí trong bữa cơm, cho câu chuyện thêm rôm rả. Trong "Vũ Trung tùy bút", Phạm Đình Hồ ghi nhận tục đẹp của người Thăng Long: "Khi nào có khách cần thết rượu thì dùng cái chén nhỏ bằng đầu ngón tay cái mà uống vài chén rồi thôi ngay, nếu mời uống quá thì ai cũng chê là đắm say".
Dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442-1497), Bộ luật Hồng Đức được ban hành. Đây là bộ luật đầu tiên của Việt Nam, có nhiều điều khoản với mục đích bảo vệ chế độ vương quyền và duy trì Nho giáo của nhà Lê. Luật Hồng Đức quy định dân chúng phải duy trì thuần phong mỹ tục của Đại Việt, đàn ông không được uống rượu say. Uống rượu say bị coi là phàm tục và tùy theo mức độ có thể bị phạt tới cả trăm roi nên các đệ tử của Lưu Linh chỉ uống đủ là thôi. Năm 1811, vua Gia Long ban hành "Hoàng Việt luật lệ" (còn gọi là Luật Gia Long) cũng có điều khoản cấm đàn ông uống say trong hội hè, lễ tết. Có lẽ vì thế mà Thăng Long không có đám "ngưu tử".
Thế kỷ XVIII và XIX, sỹ phu Bắc Hà ăn tết "trùng cửu", trước Tết này là mùa thu nên hoa cúc nhiều và Kẻ Mơ đã chế ra thứ rượu cúc thơm nhẹ, uống vào thấy người bay bay, thế nên mới có "Thu ẩm hoàng cúc hoa". Rượu này còn được dùng trong dịp Tết của sỹ phu. Có một điều rất ít người biết là đầu thế kỷ XVIII, người Thăng Long - Hà Nội đã uống rượu vang trong ngày Tết, tất nhiên chỉ là các gia đình giàu có. Rượu nho này làm ở Bồ Đào Nha đưa sang Ma Cao, rồi được các nhà buôn đưa sang Việt Nam.
Năm 1895, Pháp xây nhà máy rượu trên đất của hai thôn Cảm Ứng và Hòa Mã. Chủ hãng rượu tên là Fontaine. Nhà máy sản xuất ra các loại rượu trắng 35o, rượu cúc hay ngũ gia bì. Cũng từ năm 1890 đến 1900, phố Hàng Than có 2 nhà máy rượu của chủ Tây là Wurhlin chuyên sản xuất rượu nếp đóng chai với công suất 500 lít/ngày và Denoc sản suất rượu Rhum bằng mật mía. Rượu đóng chai ra đời nên các cô bán rượu rong bị ế và mất dần. Năm 1933, lấy cớ rượu nấu theo kiểu thủ công trốn thuế nhà nước nên chính quyền ra lệnh cấm, vì thế rượu truyền thống bỗng nhiên thành thứ quốc cấm và cái tên rượu quốc lủi ra đời. Ngày Tết, người dân Hà Nội ghét Tây vẫn lén mua rượu quốc lủi để thờ tổ tiên và uống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.