Phảng phất nhưng cũng đầy dư vị, rượu dừa đã lắm lúc làm người ta ngất ngây. Cái
lạ của rượu cũng lắm lúc khiến những ai chưa từng thưởng thức qua thảng thốt: xứ
dừa quả có những đặc sản lạ lùng!
Không ai có thể hình dung rõ ràng về loại rượu
này nếu chỉ thoáng nghe tên gọi. Cái tên lạ lẫm đến cuốn hút. Rượu dừa thì tất
phải liên quan đến dừa nhưng làm thế nào để người dân bản xứ có thể ấp ủ và cho
ra đời loại rượu tinh tế như thế? Chẳng có gì gọi là bí quyết đối với những
người làm ra nó. Tất cả chỉ đơn giản là sự hòa hợp của những nguyên liệu tự
nhiên, trải qua quá trình chưng cất nhất định và tạo nên hương vị đặc trưng hiếm
có.
Thêm một đặc sản từ dừa
Nếu nói về cái “thú say” thì ẩm thực Việt có bao
điều thú vị. Từ những loại rượu của vùng núi ngàn lừng lẫy như rượu cần, rượu
táo mèo, rượu ngô Nà Hang đến các loại rượu bình dân của xứ sở đồng bằng như nếp
than, rượu gạo, tất cả đều khiến lắm kẻ ngất ngây. Ấy thế mà có một loại rượu
chẳng thể làm người ta say, nếu có chăng thì chất men nồng của nó dễ làm người
ta nhớ: nhớ về một vùng đất của ba dải cù lao, nhớ về những con người chất phát
và bao đặc sản khó quên.
Cây dừa gắn bó máu thịt với người dân Đồng Khởi
từ bao đời nhưng hình như rượu dừa mới được biết đến như một đặc sản của vùng
chỉ vài năm trở lại đây. Câu chuyện cũng bắt đầu với những con người tâm huyết
với cây dừa quê hương. Họ là những ông chủ của thương hiệu rượu dừa Bến Tre. Bỏ
công mày mò với trái dừa xứ sở, bao sáng kiến nảy nở để rồi cuối cùng chắt lọc
được thức ngon hiếm có. Đặc sản xứ dừa luôn có sức hút lạ: bình dị, ngọt ngào,
chất phát và hiền hòa như người dân quanh năm gắn bó với mảnh đất này. Thế là
nhắc đến đặc sản Bến Tre, nhiều người có thể hồn hậu thêm vào hai tiếng rượu dừa
như một minh chứng cho sự ưu đãi của thiên nhiên đối với vùng đất này. Rượu dừa
Bến Tre đã trở thành sản phẩm thương mại. Những “bình rượu” được “đúc” hoàn toàn
từ trái dừa tươi được cho vào những túi lưới nhỏ, đi khắp mọi miền để quảng bá
cho sản phẩm làm nên một nét đặc trưng xứ sở. Rượu dừa góp vào danh sách các
loại rượu ba miền như một hương lạ. Không phiêu du như rượu cần, không cay nồng
như Bàu Đá, không chan chát mặn ngọt như rượu táo mèo, rượu dừa có hương của
đất, của người, của cây dừa quê đến độ đậm đà. Uống rượu dừa không phải để say
men mà để say lòng, một cái gì đó phảng phất nhưng đầy dư vị.
Say rượu hay say lòng?
Rượu dừa chẳng thể làm ai say, có chăng sẽ khiến
ai đó “ứ ừ”, tỉnh táo nhận ra thứ này làm họ say theo cách khác, cái cách quyến
rũ của hương quê chứ không phải là chất men ủ thuần túy. Những ai đã từng thưởng
thức rượu dừa, mới lần đầu sẽ có sự ngần ngại ngay đầu lưỡi vì rượu nhưng không
hẳn là rượu, cay thâm thúy đó nhưng cũng ngọt ngào ngay đó. Uống mãi đến hết
bình, cảm giác say chỉ mới ngà ngà, giống như cái cảm giác ngất ngây trước một
sự mê hoặc khó cưỡng. Rượu có hương men, hương nếp và tất nhiên là hương dừa. Sự
hòa quyện của những nguyên liệu nồng nàn cho ra một loại rượu đặc sản. Uống rượu
dừa hẳn cũng như một cách giải khát, chỉ có điều thức uống này lạ lùng quá đỗi.
Nghe qua về quy trình làm rượu, cũng thấy hẳn sự công phu. Trái dừa được chọn
phải là dừa già, cơm dày, béo mỡ màng và thơm ngai ngái. Hình dáng bên ngoài của
quả cũng quan trọng. Thông thường, những quả có đường kính quả từ 16 đến 18 cm,
cân nặng từ 1,2 đến 1,4 kg (sau khi đã lột sạch vỏ) mới được chọn. Lớp sùi bên
ngoài được mài nhẵn cho trơn láng để tạo độ bóng đẹp, ấn tượng như một bình rượu
bầu. Nếp cái chọn loại căng tròn, hạt mẩy, trộn với men cổ truyền chuyên dùng
cho rượu nếp. Sau đó, người ta khoét một lỗ nhỏ trên đầu quả dừa, tiêm hỗn hợp
nếp cái, men vào theo một tỉ lệ nhất định, hàn kín và ủ từ 15 đến 20 ngày là có
thể dùng được. Rượu có màu trắng ngà, vân vẩn đục với những chấm xác dừa lơ
lửng. Rượu có vị ngọt mát với hương thơm đặc trưng của trái dừa bản xứ, vừa nồng
nàn, vừa thanh tao, dịu nhẹ. Trong những ngày se se, dùng rượu dừa hâm nóng sẽ
tốt và ấm hơn, ngược lại, những ngày oi nồng, một chút mát lạnh sẽ làm rượu càng
thêm ngon. Nói là rượu nhưng đây không hẳn dành cho nam giới bởi người phụ nữ
khi đã mê thì cũng dễ say với rượu dừa. Rượu làm cho nét chấm hồng trên khuôn
mặt của người thiếu nữ thêm hao hao, làm nét duyên ngầm càng thêm quyến rũ. Một
phương pháp sản xuất rượu đại trà hơn nữa là thông qua quá trình chưng cất từ
nước dừa. Nước dừa được lọc, ủ men, sau đó được trưng lên như cách làm rượu nếp
hay rượu gạo. Tuy nhiên, hương dừa sẽ giảm và rượu cũng không có được vị hòa
quyện khi được ủ ngay trong lòng trái. Ngày nay, về Bến Tre, du khách dễ dàng
tìm thấy những “mẻ” rượu dừa được bày bán dọc các tuyến đường. Đừng ngại ngần để
thử vì hương vị thật rất khó quên.
(Theo:
monngonvietnam.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.