Từ khi lớn lên cho đến bây giờ khi mái đầu đã điểm sương, được tận mắt thấy những cung cách uống rượu qua hai thời đại mới thấy quả là rất khác nhau mà tự hỏi không biết cách uống nào đúng, cách uống nào sai. Sinh ra ở làng quê hồi còn nhỏ chưa biết uống rượu thấy các cụ khi ăn cỗ, rót rượu ra chén mắt trâu hay chén hạt mít nhỏ xíu mà cũng không uống hết bằng một ngụm.
Khi chúc rượu thì chỉ nâng chén hơi cao mà không có lệ chạm cốc, chạm ly liên tục như bây giờ. Rượu lúc nào cũng được rót đầy chén vì đó là thể hiện tấm lòng người mời, người rót rượu, còn người uống thì tùy tâm.
Khi khách mới chỉ dùng một ngụm nhỏ, chén rượu vơi đi chút ít thì lại được rót thêm, vì thế chén rượu luôn đầy. Tửu lượng khách không cao thì tuy mời rất nhiệt tâm để khách uống thêm ít nhiều nhưng tuyệt đối không ép đến mức phải say. Người ngồi cùng mâm rượu thì mời nhau rất tao nhã: “Rước cụ xơi rượu ạ!” hay: “Để mời ông xơi rượu ạ!”…
Tiệc rượu thì nhẩn nha nhưng thường không kéo dài vì thế người say đến mất hết tự chủ ít lắm. Phải là người thân thiết, tâm đắc đến mức nào mới được mời uống rượu vì thế cuộc rượu thường mặn mà câu chuyện của những người gần gũi, đồng cảm và thấu hiểu nhau… Nhà thơ Lý Bạch thời Đường, Trung Hoa được người đời gọi là Tiên thi, cùng với các ông Đỗ Phủ (Thánh thi) và ông Bạch Cư Dị là Tam nhân Đường thi.
Các nhà thơ bàn về rượu như sau:
“Một ly hợp lẽ tự nhiên
Ba ly đạo lớn thông lên tận giời”,
hay:
“Trời mà không thích rượu ư
Cớ sao tiên giới ngất ngư Bàn Đào
Đất mà không thích rượu sao
Tửu Tuyền đất đã vận vào thành tên”,
rồi:
“Trời đất đã nhiều phen nghiêng chén
Ta say mèm chẳng thẹn cùng ai
Thánh nhân thích rượu mới hay
Hiền nhân say tít cung mây, càng hiền
Thì phải ước thần tiên chi nữa
Thánh với hiền đã đủ thần tiên”.
Đọc lên nghe ngang ngang giọng rượu nhưng không cãi vào đâu được vì nó đúng và đậm chất nhân văn. Người đời gọi Lý Bạch là “Tiên thi” lại càng đúng vì thơ ông đầy tiêu sái, hào sảng và thoát tục.
“Ta bên rượu, thơ thơ, hát hát
Mong chén nào cũng bát ngát trăng”, làm gì còn cái dung tục của một kẻ uống rượu tầm thường hay nát rượu với những hệ lụy của rượu. Bài thơ “Tương tiến tửu” của ông thì thật là một thiên thơ rượu, không thể viết hay hơn được nữa:
Anh không thấy nước trời chảy mãi
Thành mênh mông một dải Hoàng Hà
Chảy mau về với biển xa
Có quay trở lại cùng ta bao giờ?
Anh không thấy tóc tơ ngày nọ
Sớm đương xanh chiều đã tuyết sương
Nhà cao ai đứng trong gương
Trông nên tóc bạc mà thương phận người!
Thì gặp lúc đông vui bầu bạn
Đừng để cho chén cạn dưới trăng
Có tài tất có khi dùng
Ngàn vàng dẫu hết ngại ngùng làm chi
Trâu ta giết và dê ta mổ
Rồi cùng nhau đòi nợ Lưu Linh
Sầm công với Đan Khâu sinh
Xin đừng ngưng chén chuốc mình chuốc ta
Ta vì bạn xin ca một đoạn
Bạn vì ta xin bạn lắng nghe
Chuông vàng mâm ngọc thiết gì
Ước say đừng tỉnh làm chi thêm phiền!
Đời chẳng thấy thánh hiền đâu nữa
Chàng say kia thiên cổ lưu danh
Trần vương thơ túi rượu bình
Rót mười ngàn chén mới thành cuộc vui
Sao lại sợ tiền vơi bạc ngót?
Áo áo cừu bên ngựa tốt ngàn vàng
Trẻ đâu, đem cả vào làng
Đổi ra rượu uống cho tan cổ sầu.
Có một chút buồn vì cuộc đời con người như dòng nước chảy xuôi, thấm thoắt thoi đưa, vì thế khi bạn bè tâm đắc gặp nhau hãy bày tiệc rượu cùng nhau vui vầy. Người ta vẫn nói về “Tửu trung bát tiên” là tám ông cư sĩ thơ, rượu tâm đầu ý hợp ở Trường An là Lý Bạch, Hạ Tri Chương, Thôi Tông Chi, Vương Tiến, Tô Tấn, Trương Húc, Tiêu Toại, Lý Thích Chi là những bậc nho sĩ tài giỏi thời bấy giờ. Khi Lý Bạch rũ áo từ quan thì đưa tiễn ra ngoài thành cả trăm dặm, hơn ba ngày trời, viết đến hơn trăm bài thơ tống biệt mà vẫn chưa nói hết tâm tình.
Thơ của Lý Bạch không chỉ có rượu, trăng, hoa mà còn nặng lòng với những tình đời khác, về chiến tranh, nỗi lòng người chinh phụ chờ chồng, những xót xa khi chàng ra đi không trở lại, về thế sự, gặp gỡ bạn bè, tiễn biệt, về nỗi xót xa tha hương (Chiêu Quân cống Hồ), về phụ nữ và tình yêu, tức cảnh ngâm vịnh. Có điều nhiều bài thơ về rượu và không về rượu (nhưng vẫn nhắc đến rượu) của Lý Bạch chứa đựng khi thì nỗi buồn man mác: “Bụi vàng chôn thành quách. Người xưa đâu thấy nào” hay: “Ngàn năm trăng vẫn một vừng. Ngàn năm người vẫn như dòng nước trôi”, rồi “Trăng buồn đang chở lòng tôi”, khi thì sầu nặng trịch vì là sầu vạn cổ. “Sầu thì ngàn vạn mối” hay: “Riêng ta một mình tái tê”.
Thùng gỗ đựng rượu. |
Nguyễn Tuân bảo rằng giữa ngực mình có Lý Bạch vì sự ngưỡng mộ, vì cùng yêu thơ và rượu, giống nhau về tính ngang tàng, thích phóng khoáng tự do: “Vua gọi lên thuyền không chịu đến. Tự xưng, thần chính Tửu tiên đây” (Đỗ Phủ).
Thánh thi Đỗ Phủ, bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi) của Lý Bạch gọi ông là “Tiên tửu” không phải là quá lời. Bởi uống rượu thì nhiều lúc phải say bí tỉ, Lý Bạch cũng không khác được, mà ông say nhiều nữa là đằng khác.
Tương truyền ông say đến mức canh năm thiết triều (để đọc thư Phiên) vẫn ngủ tít mít, vua phải sai nấu canh và tự tay khuấy cho nguội để Lý Bạch giải rượu. Khi được vua triệu vào cung Trầm Hương (lần viết bài Thanh bình điệu) thì siêu vẹo trên lưng ngựa, rồi nằm vật trên long khảm, miệng thểu dãi, vua lấy áo bào lau cho. Nhưng say mà không làm hỏng việc, bằng chứng là ông say tít cung mây mà vẫn đọc thư Phiên không sai một chữ và thay vua phủ dụ Phiên sứ, lời lẽ oai phong sang sảng. Trong nháy mắt múa bút viết xong ba bài Thanh bình điệu. Bảo tỉnh rượu do ăn mấy thìa canh vua ban hay do uống ly nước lạnh chắc chỉ là thêu dệt.
Thơ hòa trong rượu hay rượu hóa thành thơ? Lý Bạch đã để thơ bay lên cùng men rượu và thế là rượu được thoát tục, đọc thơ thấy nhẹ lâng lâng thanh thoát mà cao sang. Đỗ Phủ nói Lý Bạch uống một chén rượu làm cả trăm bài thơ. Uống rượu có ba hạng sang, hèn và nhục ai cũng biết, uống như Lý Bạch là hạng sang. Trong các nhà thơ đời Đường thì Lý Bạch được các văn sĩ Âu - Mỹ quan tâm và dịch thơ ông nhiều nhất.
Bây giờ không biết có phải do lối sống công nghiệp cộng với nhịp sống thị trường hay không mà người ta uống khác. Đặc trưng của lối uống rượu, bia bây giờ là tốc độ nhanh với khối lượng lớn nếu tính tổng thể một cuộc rượu (hay bia) cũng như riêng từng chiêu một. Có khi vào đầu cuộc, nhà hàng chưa kịp dọn một món gì để đưa cay thì đã phải “tấp” vài ba ly. Nếu lòng không dạ dốc thì quả là khổ vì khi đó rượu, bia đều ngấm nhanh nhất nên dễ bị say. Nếu là bia thì vài cốc làm bụng dạ đã lưng lửng nên không ăn được nữa làm cho nguy cơ bị say nhiều hơn và sau đó là cơn đói cồn cào.
Chả biết tự bao giờ mà cái kiểu uống 100%; “một, hai, ba... dô!” ở đám nhậu nào cũng có, mà trong một cuộc nhậu đâu chỉ có một lần, có khi cả chục lần 100%. Lại còn cái kiểu “chơi” nhau bằng rượu với đủ mọi thủ thuật như khích, “đánh đòn hội đồng” tức là số đông cứ lần lượt một vài người đến chúc một người là đối tượng cần phải “hạ gục”, khi mà đã ngà ngà say còn dụng cả chiêu lấy nước khoáng thay cho rượu của mình để cụng ly uống 100% với đối thủ. Bây giờ các quán bia buổi chiều quán nào cũng có người say đến ói mửa.
Để mua vui và uống nhiều, người ta nghĩ ra “tả pí lù” lý do để uống như sơ suất thì bị phạt, nói hay thì được “thưởng”, đồng niên, đồng nghiệp, đồng hương, sinh con một bề… đến cùng có tóc muối tiêu, áo hay quần đồng màu, cùng kiểu điện thoại…
Dân nhậu Sài Gòn còn có hẳn một “tuyên ngôn nhậu” với điều một là: “Khi nhận được tín hiệu ăn nhậu là phải lên đường đi gấp để tránh tình trạng gà sống đá gà chết”. “Gà chết” tức là những người đến trước uống nhiều đã say, “gà sống” là người đến sau uống ít chưa hề hấn gì. “Luật” này nhằm chống lại ý đồ cố tình đến muộn để tránh phải uống nhiều… Ngày mới giải phóng, dân nhậu Nam chê dân nhậu Bắc là uống cả sáng lẫn trưa.
Dân nhậu Bắc thì chê dân nhậu Nam uống nhiều, nhiều khối lượng, nhiều chủng loại, một tối đi chơi có khi uống đến vài ba loại rượu bia. Do trời lạnh về mùa đông nên bà con phía Bắc ăn sáng có khi uống chén rượu cho ấm (nhưng mấy tỉnh miền núi phía Bắc thì ăn sáng cũng “xúc miệng” hai ba cốc), ăn trưa cũng uống chút đỉnh là do tập quán không rạch ròi giữa ăn và uống.
Khi được mời đi uống rượu thì hiểu là cả uống và ăn. Khác với bà con miền Nam khi được mời đi uống thì uống là chính, ăn là phụ vì thế trước khi đi nhậu thường ăn cơm trước. Đến nay, đã có dung hòa ít nhiều giữa hai tập quán sinh hoạt này nghĩa là Nam - Bắc đều uống cả trưa lẫn chiều nhưng số lượng nhiều và cường độ cấp tập. Không còn đâu cái thú uống rượu nhẹ nhàng tao nhã ngày xưa của các cụ nữa. Đi mười đám cưới thì chín đám phải ngồi uống với những người không quen biết nên toàn chuyện xã giao.
Cỗ cưới trưa thì phải uống cho nhanh để chiều còn làm việc thời gian đâu mà nhẩn nha thư thái. Các tỉnh về cơ quan Trung ương làm việc thì tranh thủ buổi trưa mời “các anh giao lưu với chúng em” để chiều còn về. Vì nhiều lý do nên phải uống “hết mình” và đương nhiên là cấp tập nên chiều ấy thì công việc chiếu lệ vì hai con mắt cứ ríu lại! Rồi chẳng biết từ khi nào sinh ra cái kiểu uống rượu mạnh và “chữa lửa” bằng bia.
Uống kiểu này thì phải có thần kinh thép vì rượu bia “đánh nhau” đầu đau như búa bổ. Nhiều vị không biết nên đau đầu thì uống các loại thuốc giảm đau có chứa Paracetamol mà không biết chất này hủy hoại tế bào gan, đương nhiên tác dụng độc là rất cao khi gan đang bị nhiễm độc rượu.
Trước đây, ở Hà Nội và các thành phố, thị xã phía Bắc các “cơ sở” nhậu có quy mô nhỏ bé, giờ thì như nấm, những “bãi” nhậu bạt ngàn xe máy, ngang tầm với các “trung tâm ăn nhậu” miền Nam. Rượu vào cả trường đại học, công sở, Chính phủ đã phải ra chỉ thị cấm uống rượu trong công sở nhưng đâu đó trong các công sở điệp khúc “một, hai, ba... dô!” vẫn rền vang vì có ai đi phạt đâu mà sợ!
Chả dám dạy khôn thiên hạ nhưng rượu uống ít và điều độ thì rất có lợi cho sức khỏe. Nhưng uống nhiều thì làm suy giảm sức khỏe nên gần đây “bệnh đàn ông” ngày càng nhiều. Đấy là chưa kể số uống rượu hèn và rượu nhục cũng ngày một nhiều thêm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.