Thứ Tư, tháng 2 16, 2011

TẢN MẠN.. TỪ CHAI RƯỢU ĐẾN LY RƯỢU

 

Cái ly rượu cũng nhiều hình dạng thay đổi theo từng loại từng vùng, nhưng đó là kiểu cách truyền thống, chủ yếu cần ly thuỷ tinh trong, tuyệt đối không màu, thật sạch và khô. Ðừng bao giờ rót rượu nho đầy ly, phải để lại vài phân giữ cái hương thơm. Trước tiên hãy giơ ly rượu soi lên ánh sáng ngắm cái màu hồng ngọc, màu bourgogne trong veo hay màu bordeaux trong sẫm. Trên bề mặt nước rượu phải sáng, rượu còn non thì ven bờ tròn trịa, khi ven bờ hơi ngả sang màu hổ phách thì đã đủ già, nếu nước rượu chuyển hẳn sang màu gạch thì quá già rồi. Màu rượu trắng ít quan trọng hơn, hơi có ánh xanh là thứ rượu thật trẻ và thật khan (sec), vàng nhạt mỡ gà thì rượu dịu hơn, càng để lâu càng thẫm màu. Muốn thử tuổi rượu nữa thì nghiêng ly tới sắp trào rồi để nhanh lại thẳng, cái vết ẩm từ bờ ly tới bờ rượu này tiếng nhà nghề gọi là chân jambe, nếu nó lưu luyến lâu mới đi thì gọi là có chân dài, độ cồn cao, còn giữ trong hầm được nhiều năm nữa, nói nhảm cho dễ nhớ là trường túc bất tri lao, chân dài không mỏi. Ðể ly rượu gần miệng, chưa uống, xoáy ly nhè nhẹ cho rượu toả hương thơm, hả cái niềm ấm ức bị giam hãm bấy lâu nay. Nhấp một ngụm để trên đầu lưỡi nếm những vị mặn ngọt, khi trôi vào hai bên má nổi lên vị chua, chảy vào cuống họng hiện ra vị đắng. Bây giờ thì ruợu đã ấm, hơi thơm bay ngược phía trong mũi. Nuốt vào, cái chất chát còn níu lại. Ðặt ly xuống, lặng yên. Vị giác và khứu giác tràn đầy. Rồi phảng phất hương hoa đồng cỏ nội, hương bánh trái tuổi thơ, hương đất, hương trời, hương người. Rồi lãng đãng những khoảng không thời gian riêng tư, một khuôn mặt sáng dịu dàng, một hơi thở nồng ấm. Rồi có thể trở về những bóng ma riêng tư, có thể hé nở những vết thương riêng tư, có thể bật cười những chuyện nhảm riêng tư. Rượu nho tuyệt hảo là nước uống của thiên thần, người phàm tục nên dùng có chừng mực. 


      


Ðộc ẩm, đối ẩm, cùng dăm ba bạn bè hay khi xã giao thù tạc đều nên tôn trọng nguyên tắc này, mùi và vị là không gian của riêng tư, thưởng thức rượu đúng quy củ như trên chỉ để nhẹ chân bước vào cái không gian ấy. Cho nên nói, không nói, trao đổi những ý tưởng chợt tới hay lặng yên ngẫm nghĩ một mình đều lịch sự giữa những người lịch sự. Ðó là tóm tắt bài vỡ lòng đi vào bồ đào tửu đạo. Trong hương vị rượu nho có thật có tất cả những thứ ấy không ? Rằng có. Rằng không, Tuỳ nơi, tuỳ lúc, tuỳ người, và tuỳ chai. Ðó là vấn đề cộng hưởng (résonnance), cũng không hoàn toàn riêng tư. Vì vậy khi chủ nhà thịnh tình mời một chai rượu quý, và tới cái lúc lạc quan và bi quan lẫn lộn, lạc quan là vẫn còn một nửa, bi quan là đã hết mất nửa rồi, lúc ấy mới hỏi : thế nào ? thì cũng nên nắm thêm vài bài bản nữa, để tán cái ngon cho đúng với tình đồng tửu đạo.

Trước hết nếu được mời ăn thì chớ đem rượu nho tới, trừ những chỗ anh em bạn bè thân tình đã biết tính nhau. Rượu nho ngon có thể tặng bất cứ dịp nào trừ ra dịp ấy, có nhiều bất tiện : có thể trái với trù tính của chủ nhà đã chọn và chuẩn bị rượu sẵn, đi đường nếu xóc thì rượu lại không thể uống ngay. Người mình hay tặng hoa, nhưng thật ra cũng không nên đem hoa khi được mời ăn, bà chủ nhà bận bịu trong bếp, thì giờ đâu mà cắm hoa cho đẹp, lỡ lại không còn bình vì đã cắm hoa sẵn rồi thì thật phiền ! Vậy đừng ngại đi tới tay không, hai ba hôm sau gửi tới bà chủ nhà một bó hoa với lời cảm ơn, nếu muốn xã giao kiểu cách. Những kiểu cách xã giao khi ăn uống thù tạc ở đâu cũng nhiều, và đại khái đều có lý do cả, nhưng trong cái cuộc đại xáo trộn văn hoá trên thế giới hiện nay người có bản lĩnh văn hoá riêng của dân tộc mình đi đâu cũng có thể bình thản : cái chính là tự trọng, chân thành, tôn trọng và thực sự muốn tìm hiểu người khác ; kiểu cách chỉ là cái ngọn, không quan trọng lắm.

Nhắc lại nhiều quá sợ nhàm, về rượu có thể lẩy ra vài thí dụ : bạn có để ý trên cổ chai rượu chỗ gần nút bao giờ thuỷ tinh cũng dầy ra, như ngón tay đeo nhẫn không ? cái nhẫn ấy làm cho rượu không bám vào cổ chai chảy ra ngoài khi rót. Vậy lúc bóc lớp chì bảo vệ nút chai bạn hãy bóc khỏi cái nhẫn ấy rồi lau sạch, cho nó làm được việc, khi rót bảo đảm rượu không dính vào vỏ chì, vừa bám mùi mất ngon, vừa bị nhỏ giọt ra ngoài. Nghề uống cũng lắm công phu, nhiều người phục vụ trong các quán ăn xoàng còn chưa hiểu cái lý ấy. Lại khi đi ăn nhà hàng, thường có một người được anh dọn rượu cho là có máu mặt, mời nếm rượu trước khi rót cho mọi người, tại sao vậy ? Bạn không hiểu cũng không sao, cứ nhấp một ngụm, gật gù vài cái rồi cho phép hắn rót. Ðây chỉ là nề nếp lối xưa, ngày xưa cái nút lúc đóng vào chai có khi chưa tẩy rửa sạch sẽ nên có thể bị ủng, làm hỏng rượu, nếm thấy thì bảo đổi. Bây giờ cái mùi nút chai ủng đó chắc đã biến mất, nhưng tập tục vẫn còn cũng vì thế khi đãi khách chủ nhà bao giờ cũng rót trước một ít vào ly mình, gọi là để thử, trước khi mời mọi người, rồi mới rót thêm cho mình sau cùng. Hãn hữu có khi nút chai khô teo lại, chút xíu, mắt nhìn không biết, nhưng với thời gian không khí lọt vào làm chua rượu, vì thế nguyên tắc là chai rượu chưa uống phải để nằm ngang, nút thấm rượu sẽ chặt và chốt được lâu dài. Ở các siêu thị vẫn có những chỗ quầy bán rượu chứa rượu ở thế đứng, mới mệt mỏi làm sao !

 

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng