Theo kinh nghiệm của dân tộc Thái Tây Bắc, đồ uống sâu chít có tác dụng tốt với cả nam giới lẫn nữ.
Bởi thịt sâu chít tăng cường sinh lực không chỉ dành cho cánh đàn ông mà còn giúp cải thiện da và sức khoẻ phụ nữ, cho những người thể trạng yếu. Sâu chít còn được mệnh danh là Đông trùng hạ thảo của Việt Nam (một loại dược liệu quý của Trung Quốc). Chính vì thế sâu chít càng trở thành tâm điểm chú ý khi có khảo cứu khoa học về tác dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, tráng dương được công bố.
Cụ thể Viện Y học cổ truyền Quân đội, Đại học Y Hà Nội đã thực hiện công trình nghiên cứu về loài sâu chít này và đã có kết luận đầy đủ về đặc điểm sinh học (các giai đoạn phát triển vòng đời) của chúng. Các nhà khoa học đã gửi mẫu sâu chít trưởng thành sang Viện Bảo tàng động vật của Hoàng gia Anh để tham khảo ý kiến. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định, loài côn trùng này có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ, đặc biệt là khả năng phục hồi thương tổn hệ miễn dịch sau chiếu xạ. Song sâu chít còn giúp phục hồi các chỉ số sinh sản và bước đầu có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư có xạ trị. Đặc biệt, một kết luận cũng khá thú vị khác được đưa ra là, sâu chít có tác dụng gây "độc" tế bào ung thư ở người.
Viện Y học cổ truyền Quân đội còn tiến hành thử nghiệm tác dụng tăng cường sinh lực nam giới bước đầu cho kết quả khả quan trên động vật thí nghiệm như: Dùng bột khô sâu chít (Brihaspa atrostigmella Moore) bằng đường uống 0,25g/ngày/100g trọng lượng trong vòng 40 ngày có tác dụng cải thiện rõ rệt các chỉ số sinh sản (số lượng, chất lượng tinh trùng, hàm lượng testosteron) ở chuột cống đực bình thường, chuột cống đực gây suy giảm sinh sản bằng stress.
Vì vậy, có thể sử dụng sâu chít để bào chế thuốc chống u, điều trị hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, sâu này không có tác dụng điều trị như thuốc. Hiệu quả điều trị của nó có được là thông qua sự kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại vi sinh vật gây bệnh. Sâu chít cũng được khẳng định là không độc với cơ thể, nên hoàn toàn có thể sử dụng làm thực phẩm và dược liệu tốt cho con người.
Sâu chít là loại côn trùng dài khoảng 35 mm, màu vàng ngà, sống trong thân cây chít hay cây đót, cây le vào mùa đông. Để biết cây nào có sâu chít, người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa (đó chính là cây đã bị ấu trùng ký sinh). Sau khi lấy những thân cây được cho là có sâu chít ở trong thì chẻ ra bắt những con sâu chít rơi ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thì thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất. Hoặc rửa sạch sâu bằng nước muối loãng, rang hoặc sấy khô cất dùng dần. Khi dùng, tẩm sâu với mật ong, rồi lại sấy khô.
Đông y cho rằng dược liệu có vị ngọt, tính ôn, được dùng thay thế vị Đông trùng hạ thảo của thuốc bắc với tác dụng bổ tinh tủy, ích phế thận, tráng dương khí, chữa suy nhược thần kinh, đau lưng do thận hư, liệt dương, mỏi gối. Thuốc sâu chít được sử dụng theo mấy cách dưới đây để dùng cho các đấng mày râu có nhu cầu tráng dương. Liều dùng trung bình hằng ngày là 6 – 12 gam dưới dạng rượu ngâm. Rượu này ngâm lâu sẽ thấy lớp chất béo nổi lên trên nên khi dùng cần phải lắc đều, ngày uống 2 lần.
Hoặc có thể dùng sâu chít dạng xào nấu với trứng hoặc hầm với thịt ăn hằng ngày cũng hiệu nghiệm. Thuốc từ sâu chít có công dụng tráng dương nên vẫn được đồng bào dân tộc phía Bắc ngâm rượu uống hằng ngày.
Thức uống này còn có tên gọi khác là Bạch trùng thảo, Đông trùng hạ thảo. Xuất xứ của hai cái tên chữ cũng như tên gọi nôm na đều xuất phát từ một loại sâu ngâm rượu. Chít là tên một loại sâu sống trong thân cây chít- cây bông đót, mọc hoang ở các triền núi đá vôi nối tiếp nhau trải dài bất tận ở miền Tây Bắc. Bạch trùng thảo là loại sâu trắng ký sinh trong loài cỏ lau. Đông trùng hạ thảo là loại sâu mùa đông chỉ là ấu trùng ở nụ mầm cây chít, nhưng sang mùa hạ phát triển thành sâu, chờ đợi đến ngày chui ra khỏi thân cây chít để hóa thành bướm, mở đầu cho một vòng đời mới…
Trả lờiXóaBà con các dân tộc ở miền Tây Bắc như Dao, Nùng, Tày, Thái, Giáy… cho biết mùa khai thác sâu chít kéo dài tháng 4 đến tháng 7 dương lịch. Đấy là khoảng thời gian ấu trùng sâu chít ăn đọt non cây chít và phát triển thành sâu dài cỡ năm phân, to bằng đầu mút đũa, thân có ngấn phân chia thành từng đoạn nhỏ, do vậy trông hình dáng giống hệt con sùng. Theo người dân địa phương, sâu chít là một loại thực phẩm sạch và bổ dưỡng. Việc khai thác sâu chít để chế biến thành các món ăn, các loại rượu, vốn là nghề truyền thống của bà con các dân tộc ở miền Tây Bắc. Tuy nhiên, dưới thời thực dân phong kiến, sâu chít là đặc sản chỉ có bọn quan lại, lãnh chúa mới được quyền sử dụng, còn người dân địa phương chỉ được quyền khai thác đem về “cung tiến” cho bọn chúng. Nhà thơ Chu Thùy Liên là người dành nhiều tâm sức nghiên cứu về văn hóa ẩm thực của bà con các dân tộc ở Điện Biên, cho tôi biết: “Ngày xưa, khi đến mùa sâu chít, Đèo Văn Long – một lãnh chúa ở miền Tây Bắc, chỉ đạo đám thuộc hạ là các thổ ty huy động dân bản khai thác để làm quà dâng lên bọn thống lý…”.
Vì sao sâu chít lại là thứ quý hiếm như vậy? Qua tìm hiểu, tôi mới hay rằng, đấy là một loại thực phẩm đầy bổ dưỡng. Sâu chít đem băm nhỏ trộn với trứng rán là món ăn giúp phụ nữ sau khi sinh nở hoặc thân thể gầy yếu sẽ nhanh chóng bình phục và có nhiều sữa cho con bú. Sâu chít phơi khô, tán thành bột cho trẻ em uống là bài thuốc vô cùng hiệu nghiệm trong việc chữa bệnh còi cọc, bụng ỏng đít beo vì suy dinh dưỡng. Còn sâu chít đem ngâm rượu San Lùng, Mường Khương, Bắc Hà… là những loại rượu làm bằng sắn, ngô với men lá cây rừng mọc trên núi đá và nước suối nguồn trong vắt của vùng rẻo cao thì trở thành tiên tửu, biệt dược đối với cánh đàn ông không còn tráng kiện như thuở hoa niên! Một người bạn ở Hội Văn học – nghệ thuật Sơn La nháy mắt cười bảo với tôi: “Công dụng của rượu sâu chít là bổ thận tráng dương. Hiệu quả không thua gì phương thuốc Minh Mạng thang của ông vua triều Nguyễn! Có nghĩa là “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử…”. Có điều phải uống đúng liều lượng và uống thường xuyên trong vòng một tuần. Còn uống như anh em văn nghệ bọn mình thì chỉ có nước liệt mà thôi!”.
Khác với rượu tắc kè có màu vàng ánh xanh, rượu sâu chít có màu vàng *c với lớp váng dầu rất mỏng. Hương vị của rượu sâu chít không có vị tanh và đậm đà hơn. Điểm đặc biệt của rượu sâu chít là ngâm với rượu San Lùng, hay các loại rượu khác như Mường Khương, Bắc Hà, Mai Hạ… uống nhiều hay ít đều không nhức đầu. Hơn thế nữa, nếu lỡ uống say, khi tỉnh dậy vẫn thấy tinh thần sảng khoái, người khỏe ra sau một giấc ngủ dài. Trải nghiệm qua thực tế các cuộc vui bè bạn ở Bản Lác, Bản Tông… tôi nhận ra điều đó. Còn rượu sâu chít có sánh ngang với phương thuốc Minh Mạng thang hay không, thì phải đến Sa Pa tôi mới có dịp kiểm chứng. Chiều hôm ấy, trời Sa Pa tạnh ráo, nhưng rất lạnh. Nhiệt độ khoảng 180C. Sau khi nếm thử món “thắng cố”, tôi về khu phố Hàm Rồng nhâm nhi rượu sâu chít ngâm bằng rượu San Lùng với thức nhắm là thịt “lợn cặp nách” xâu lại thành xâu nướng thơm lừng. Tôi chỉ uống dăm ba ly mắt trâu. Và đêm đó, không hiểu sao, tôi lại nằm mơ – một chuyện hiếm hoi trong đời và bỗng dưng nhớ… bài thơ “Nhớ vợ” của Bạc Văn Ùi.
Núi rừng miền Tây Bắc có lắm đặc sản, trong đó có rượu sâu chít vang danh thiên hạ từ lâu. Và loại rượu này đang là mặt hàng được du khách trong và ngoài nước ưa thích khi đến với miền Tây Bắc…