Thứ Ba, tháng 5 10, 2011

Đặc sắc rượu tà vạt, Quảng Nam

 

 

Đến với miền tây Quảng Nam, mọi người sẽ được thưởng thức một loại rượu chỉ có ở nơi đây: rượu tà vạt. Cây tà vạt giống như cây dừa nên người Kinh đặt tên là “dừa núi” hay còn gọi là cây Đoát, có tên khoa học: Arrenga sacchariferasp. Tà vạt là loại cây thân to, nhiều đốt dày, lá thưa, rễ chùm và sống ở gần khe, hố, để hút nước nuôi cây. Lá cây tà vạt còn dùng để lợp nhà, lợp chuồng gia súc, trâu, bò... Tất nhiên, cái đặc sắc và hấp dẫn nhất của cây là làm rượu tà vạt.  

 

Sau mùa con ong đi lấy mật trên khắp núi rừng Quảng Nam, cứ độ tháng tư âm lịch, người Cơ Tu nơi đây lại tưng bừng vào rừng lấy rượu từ trên những thân cây. Những cây tà vạt mà người dân nơi đây gọi là dừa núi hầu như có mặt khắp nơi tại vùng núi của Quảng Nam, trong cả những thung lũng, nơi những con suối, con sông chảy qua. Món quà của đất trời này thường được người dân nơi đây dùng để tiếp đãi khách quý. 

 

Người Cơ Tu gọi là Buoh tà vạt (rượu Tà vạt). Đó là loại rượu lấy chất dịch thơm, ngọt từ buồng trái của cây Tà Vạt, cho lên men. Uống rất thơm ngon và bổ dưỡng. Rượu có vị ngọt, đắng nhẹ, cay cay làm tê tê đầu lưỡi, là loại rượu “khai vị” không thể thiếu trong các cuộc vui của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Người ở làng bảo rằng, phải chờ đến tháng tư, khi ấy trời nắng nóng, lượng nước trong cây tà vạt bốc hơi nhiều, chỉ còn lại chất ngọt tự nhiên trong cây tiết ra, lúc ấy lấy làm rượu thì mới có loại rượu hảo hạng của núi rừng. Cũng chẳng phải ai cũng biết chế biến rượu tà vạt, chỉ những người có kinh nghiệm, phải biết chọn những cây tà vạt to, khỏe, mập mạp sống gần khe suối, sau đó phát quang quanh gốc. Cây tà vạt thường có từ 5 đến 6 buồng. Nhưng chỉ chọn những buồng tà vạt quả to từ cỡ ngón tay cái trở lên, bởi những quả đó mới đạt nước và có chất lượng tốt nhất. Rồi cứ 3 ngày một lần, dùng cây gỗ nhỏ đập nhẹ xung quanh cuống của buồng quả độ một vài giờ. Sau 4 hoặc 5 lần đập, cắt ngang cuống buồng quả, dùng cọng cây môn nước giã dập và bịt ngay đầu mới cắt, bên ngoài bọc bằng lá rừng và buộc lại. Khi thấy mặt vết cắt nhỏ giọt nhanh, nước trong thì có thể lấy được.

 

Chất nước này lúc vừa chảy ra thì hơi trong, thơm và ngọt, hấp dẫn các loại côn trùng như kiến, ong… nên phải đậy kín. Để dung dịch này lên men, người Cơ Tu dùng vỏ cây chuồn (một loại cây chắc, nặng), đập cho mềm rồi bỏ vào hũ rượu. Tùy theo khẩu vị mà đưa vỏ cây chuồn vào hũ nhiều hay ít. Muốn rượu có nồng độ cao hơn, vị đắng, thì cho vỏ chuồn nhiều và ngược lại. Khi rượu đã lên men thì nước có màu đục, trắng.

 

Cây Tà Vạt có thể cho rượu trong thời gian 2-3 tháng, với số lượng khoảng 300 lít. Tà Vạt ra hoa, có trái liên tục nên rượu tà vạt có thể sản xuất quanh năm, nhưng rượu có chất lượng tốt nhất là tháng tư âm lịch.

 

Nhiều du khách khi đến với miền tây xứ Quảng, trong đó có không ít khách là người nước ngoài tỏ ra vô cùng thích thú với loại rượu đặc biệt này. Có người còn mạnh bạo xin ở lại học bí quyết làm rượu của người bản địa, nhưng rồi phải thất vọng, vì loài cây này chỉ có ở núi rừng Quảng Nam, các nơi khác không thấy hoặc nếu có thì chất lượng cũng không thể nào làm được. Chính vì thế, trong nhiều tour du lịch bản làng, người dân bản địa nơi đây đã khéo léo giữ chân du khách bằng loại rượu đặc biệt này, mà nhiều già làng gọi đó là rượu của Yang. Mỗi du khách khi đến đây, đều có những ấn tượng rất tốt đẹp bởi sự hiếu khách và thứ rượu đặc biệt chỉ của người Cơ Tu.

 

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng