GS.TS Tô Ngọc Thanh: "Tôi đề cử rượu nếp cái hoa vàng" - 1/27/2011 - Lao Động
Đêm 29.1 tới sẽ công bố Quốc hoa Việt Nam đồng thời dự án bình chọn Quốc phục và Quốc tửu cũng đã được khởi động. Đây là một sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.
Triển lãm lấy ý kiến nhân dân về "Quốc phục", "Quốc hoa", "Quốc tửu"
Sen hồng sẽ là Quốc hoa?
Khai mạc “Lễ hội hoa xuân và đồ uống Tết 2011”
Có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc chọn ra một loại hoa, một bộ trang phục và một loại rượu đại diện cho Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đồng thời là Ủy viên Hội đồng tư vấn bình chọn Quốc hoa Việt Nam.
Chúng tôi chọn hoa Sen hồng
Thưa Giáo sư (GS), ông nghĩ như thế nào về việc sẽ chọn ra một loại hoa đại diện cho Việt Nam?
- Mọi người có ý kiến là tại sao bây giờ lại bày ra Quốc nọ, Quốc kia. Theo quan điểm của tôi, đất nước ta đã trải qua hơn 20 năm đổi mới. Cái
GS.TS Tô Ngọc Thanh |
ăn đã có, cái mặc đã đủ. Tất nhiên là chưa thật đầy đủ lắm nhưng đã khác trước nhiều. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến những điều làm đẹp cho cuộc đời. Nên tôi là một người ủng hộ việc chọn ra Quốc hoa, Quốc phục và Quốc tửu. Hơn nữa , trong đối ngoại, nếu không có những thứ đó, nhiều khi chúng ta rất khó thể hiện chúng ta là ai. Tôi rất mong có một loại hoa nào đó mà người ta trông vào thấy đó là Việt Nam.
Trong cuộc bình chọn Quốc hoa qua internet, hoa sen hồng chiếm tỷ lệ cao nhất là 40,3%. Là ủy viên của Hội đồng tư vấn bình chọn Quốc hoa Việt Nam, ông có để cử loài hoa nào?
- Bạn có thấy loài hoa nào gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn không? Hoa sen nói lên phẩm chất của dân tộc Việt Nam, một dân tộc nghèo nhưng ngày nay vô cùng rạng rỡ. Một dân tộc đứng từ bùn lầy lên và chúng ta không vấy bùn. Hơn nữa, hoa sen là loại hoa có hương vị rất tinh tế. Trong tất cả các loài hoa, người ta chỉ ướp có hoa sen, hoa nhài và hoa cúc. Nhưng mà hoa sen là nhất.
Ngoài ra, toàn bộ cơ thể của sen đều sử dụng được. Ngó sen người ta dùng làm thức ăn. Lá sen, gói cốm mà không có lá sen thì không ra cốm, nhất là cốm tháng 8 của Hà Nội. Chưa kể hạt sen nấu chè và đặc biệt là tâm sen dùng để chế thuốc an thần. Những lợi ích thực tiễn của cây sen cũng như những giá trị tinh thần rất rõ.
Ông có e ngại về sự trùng lặp khi Ấn Độ và Srilanka cũng chọn hoa sen là Quốc hoa không thưa GS?
- Theo tôi được biết, đúng là Ấn Độ và Srilanka có chọn hoa sen là Quốc hoa nhưng của họ là hoa Sen trắng, còn chúng ta chọn hoa Sen hồng. Khi nói đến hoa sen người ta nói đến tâm thức của người Việt Nam. Hoa sen như một biểu tượng đẹp nhất, đại diện cho phẩm chất, cốt cách của người Việt Nam.
Khi nói đến hoa sen người ta nói đến tâm thức của người Việt Nam |
Xung quanh chuyện bình chọn Quốc hoa, có nhiều ý kiến trái chiều. Có người nói chọn hoa cau, có người bảo chọn hoa lúa vì cây lúa đã đồng hành với lịch sử đất nước ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ông nghĩ sao về điều này?
- Hoa lúa tôi thấy cũng đẹp đấy nhưng tuổi thọ của nó ngắn quá. Không phải chúng tôi không kính trọng hoa lúa. Tất cả các loài hoa đều có những ưu điểm khác nhau nhưng để đại diện cho dân tộc Việt Nam chúng tôi chọn hoa sen. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang trưng cầu ý kiến của nhân dân và việc chọn được Quốc hoa còn phụ thuộc vào sự bình chọn này.
Có nên bình chọn Quốc phục và Quốc tửu?
Đồng ý rằng chúng ta cần có Quốc hoa nhưng Quốc phục và Quốc tửu có cần thiết không thưa ông? Nhiều ý kiến cho rằng hình thức quá?
- Bạn có thấy Indonesia cũng có quốc phục, Nhật Bản cũng có Kimono không nào…? Chúng ta cũng mũi tẹt, da vàng, làm thế nào để chúng ta khác người Tàu? Việc lựa chọn Quốc phục là cần thiết bởi có rất nhiều dịp phải dùng đến lễ phục. Nhất là các hội nghị, hội kiến quan trọng có mặt nhiều quốc gia trên thế giới tại Việt Nam. Hay khi chúng ta tham dự các sự kiện quan trọng trên các đất nước bạn.
Vậy, Quốc phục cho nữ là áo dài, còn Quốc phục cho nam? Nhiều người nói rằng, áo the, khăn xếp cổ quá, không phù hợp với hiện nay? Còn ý kiến của GS ra sao?
- Tôi đã đi rất nhiều nước và đến nước nào tôi cũng mặc áo the, khăn xếp. Khi sang Nhật, người Nhật đã đề nghị tôi bán lại bộ áo dài ấy vì họ thấy đẹp quá. Tôi đề nghị làm đúng như các cụ là quần trắng, bên trong 1 cái áo trắng và bên ngoài một cái áo the. Áo the không phải để che mà là một thứ trưng diện, một cách trưng diện rất khiêm tốn và phù hợp với đạo đức của người Việt Nam.
Áo the, khăn xếp truyền thống gồm quần trắng, lớp áo trắng bên trong và áo the bên ngoài |
Nhiều người băn khoăn rằng, chọn Quốc tửu quả thật chưa cần thiết vì không biết bình chọn ra để làm gì. Vậy theo GS có nên bầu chọn Quốc tửu hay không?
- Rượu và trà là hai thú ở đời, là một nét văn hóa lâu đời của cha ông ta, tại sao lại bỏ? Hiện tại, có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc bình chọn Quốc tửu nhưng theo tôi lựa chọn Quốc tửu phải có tiêu chí rõ ràng.
Nếu không có tiêu chí thì không bao giờ chọn được. Miền Bắc có rượu Làng Vân, Trung Bộ thì có rượu Khe Bò, vào Bình Định thì có Bầu Đá. Nam Bộ thì có rượu Gò Đen của Long An. Đồng bào Mông trên Bắc Hà còn có rượu Ngô rồi rượu Sán Lùng. Chúng ta không thể chọn một loại rượu của một địa phương đại diện cho tất cả.
Những tiêu chí ấy là gì thưa GS?
- Đó phải là rượu mà dân tộc chúng ta uống từ thời ông đến thời cha, tức là nó nằm trong dòng máu của người Việt. Thứ hai là rượu sử dụng khi cúng. Nó có ý nghĩa là vật trình với tổ tiên. Thứ ba là đi với nó phải có văn hóa rượu. Rượu phải uống bằng chén mắt trâu, nhấp từng chút và ngồi để đàm đạo chứ không phải uống lấy được.
Cá nhân ông, ông đề cử loại rượu nào thưa GS?
- Tôi đề cử rượu nếp cái hoa vàng. Không lấy tên của một địa danh cụ thể mà ở phẩm chất rượu!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
(Bao Lao Dong.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.