Thứ Ba, tháng 1 18, 2011

Thức uống ngày Tết

 

Không thể thiếu chén trà thơm nghi ngút đón khách đến chúc Tết, cũng như không khí sẽ kém vui nếu không có một chút bia rượu trong mâm cơm đầu Xuân.
Thức uống là một phần quan trọng trong thực đơn ngày Tết và cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo...
Uống bia có thực là bổ?
Trong một thời gian dài, người ta không ngớt tranh luận về vấn đề này. Các chuyên gia ẩm thực phân tích: một cốc bia 400ml cung cấp cho con người lượng calori tương đương với một ổ bánh mì 250 g. Ngoài ra, bia còn có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, làm đầu óc sảng khoái... tất cả đều này là từ men bia (yeast).
Men bia sống (Saccharomyces cerevisia) là loại nấm đơn bào đa công dụng dùng trong sản xuất bia, rượu, rượu vang, bánh mì. Men bia sống thường được sử dụng làm thuốc điều trị trong các trường hợp cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, thiếu máu, kém ăn, chậm tăng trưởng, stress, rối loạn thần kinh. Men bia cũng giúp tái tạo những vi khuẩn cần thiết cho sự tiêu hóa ở đường ruột nên thường được dùng cùng lúc hay sau một đợt điều trị bằng kháng sinh, hoặc khi bị rối loạn các vi khuẩn hữu ích ở đường ruột. Men bia còn có tác dụng lên da, tóc và móng...
Một nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình ủ bia là trái houblon (còn gọi là hoa bia) cũng mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích. Được Y học biết đến từ thế kỷ thứ 16 như một loại thực vật có tính năng đa trị: phục hồi sức khỏe, lợi tiểu và nhuận trường. Ngoài ra vị đắng đặc trưng của nó có tác dụng sát khuẩn và kích thích ngon miệng, giảm đau và gây buồn ngủ nhẹ.
Thế nhưng, uống bia nhiều dứt khoát sẽ bị say, vì trong bia chứa một hàm lượng cồn nhất định (thay đổi tùy theo loại sản phẩm) - là thủ phạm gây ra những điều đáng tiếc. Uống bia tươi thì “ngon” hơn nhưng cũng mau say hơn...
Rượu mạnh hay rượu vang đỏ?
Vài năm trở lại đây mức tiêu thụ rượu tăng vọt trong những dịp lễ hội. Cặp rượu “xịn” có mặt không chỉ trên bàn thờ mà thường thấy trong tủ rượu hoặc quầy nơi phòng khách nhiều gia đình… Mọi người cứ uống, uống từ miền Bắc đến miền Nam, vùng thấp đến vùng cao… Mỗi miền đều có những địa chỉ ‘’văn hóa rượu’’ khác nhau: rượu Vân, rượu Kim Sơn, rượu Gò Đen, rượu Bắc Hà, rượu Mẫu Sơn, rượu Cần, rượu Sán Lùng...
Theo các chuyên gia, rượu có khá nhiều “tội” đối với sức khỏe: làm kích ứng đường tiêu hóa, làm tăng tính thấm của các thuốc (mà lúc bình thường khó thấm) như những kháng sinh nhóm Aminoglycosid, các thuốc Nitroglycerin, thuốc giun sán loại benzodiazepin, đặc biệt là các thuốc tác động lên thần kinh trung ương vì những chất này hòa tan trong rượu. Rượu còn làm thay đổi tính thấm của màng tế bào, và có thể gây rối loạn tâm thần, dẫn đến rối loạn giấc ngủ, hạ huyết áp, mất tự chủ về hành vi và phối hợp động tác, giảm trương lực cơ...
Đã vậy, mà gần đây ở một số nơi lại có “phong trào” pha rượu mạnh với nước uống tăng lực (như “bò húc”, “bò cụng”) . Không biết từ đâu ra kiểu cách quái đản và nguy hại này - “Nó giống như một người lái xe ô tô vừa nhấn ga vừa đạp thắng!”… Theo đánh giá của Don Serratt thuộc Trung tâm Life Works (Anh) thì việc trộn một lượng cực lớn chất kích thích cafein (có trong nước tăng lực) với rượu mạnh sẽ tạo ra một loại cocktail cực nguy hiểm, có thể khiến người uống phải đau đớn gấp đôi so với người uống rượu bình thường, khiến nguy cơ thất bại trong đời sống tình dục cao gấp đôi và nguy cơ đột tử cao hơn hẳn so với những người không uống trộn rượu với nước tăng lực, dù “độ” rượu pha trong hỗn hợp này có giảm xuống...
Trong khi đó, rượu vang được nhiều chuyên gia khuyên dùng với liều lượng vừa phải. Các nhà khoa học thuộc Đại học Missouri-Columbia (Mỹ) vừa công bố tính năng mới của rượu vang. Ngoài các lợi ích của rượu vang đối với việc ngăn ngừa bệnh tim mạch thì rượu vang có thể bảo vệ con người khỏi nhiễm các loại bệnh thông thường gây ra qua đường ăn uống (do chứa những thành phần chống vi khuẩn), giúp tiêu diệt các vi khuẩn lây qua đường thực phẩm mà không gây hại đến những vi khuẩn có lợi trong ruột như probiotic (chất trợ sinh). Cũng theo họ, nước ép nho cũng có cùng công dụng như rượu vang. Chính lượng pH và reseveratrol (một chất hóa thực vật có trong dây và vỏ nho) đã ngăn chặn những loại vi khuẩn có hại.
Trà hay cà phê ?
Trong các loại trà ướp hoa, chỉ có trà ướp hoa sen là quý hơn cả. Để có những chén trà sen thơm mời khách quý trong ngày đầu Xuân thì công đoạn ướp hương phải được chuẩn bị ngay từ mùa hè, khi sen nở rộ. Trà ướp sen phải là thứ trà búp “một tôm, hai lá”. Búp trà nhỏ đều, dài và xoắn chặt, mỗi cánh như phủ một lớp phấn trắng mờ. Nhón thử một cánh trà lên nhấm, vị ngọt chát tan ra đầu lưỡi, ấy là trà ngon. Còn hương sen được “cất giấu” trong túi hương thơm trắng tinh nằm trên đầu nhị vàng nhỏ hơn hạt mè của cái đài gương xanh, là phần tinh túy nhất của bông hoa.
Uống trà sen không cầu kỳ. Bộ đồ uống cũng không cần kén chọn. Ở những vùng quê xưa, một ấm trà sen ủ trong giỏ lót rơm, gòn, uống bằng chén quả hồng cũng đủ làm ấm lòng khách đến chơi nhà ba ngày Tết.
Không giống những loại đồ uống khác, thưởng thức trà phải nhắp từng ngụm nhỏ, để “cảm” được cái vị chát nơi đầu lưỡi đang tan thành vị ngọt nơi cổ họng. Hương trà bốc lên, ngan ngát thơm, ấm đôi bàn tay áp bên thành chén - chỉ một ngụm cũng đủ làm đỏ đôi môi, hồng đôi má... Trà thì khỏi phải kê khai tính năng rồi: ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ giảm cân…
Cà phê là thứ thức uống hàng ngày của đa số người trên toàn thế giới; nó “len vào tận trong tim, dâng lên tận não” hấp dẫn hàng tỷ người…, cho nên Tết mà thiếu cà phê thì làm sao tỉnh táo để “buôn chuyện” hoặc ngồi đánh Tú-lơ-khơ nữa? Thế nên, cà phê được mang vào danh sách thức uống cho ngày Tết với đủ kiểu pha chế - từ “pha phin” truyền thống đến “pha máy” kiểu Ý… Nếu rượu cay nồng, trà thanh tao thì cà phê lại quyến rũ nồng nàn. Sau những món ăn bánh chưng, thịt đông, cá kho, dưa hành..., ngồi trò chuyện cùng bạn bè bên phin cà phê, nhấm nháp từng ngụm nhỏ một, để cái vị đắng ngọt ngào ấy ngấm mãi, lan tỏa... thấy ấm cúng, quên đi bao lo lắng thường nhật… Cà phê cũng được khen ngợi vì tính năng phòng chống bệnh của nó.
Ngày Tết vui, chủ và gia khách cùng uống với nhau vài chung trà, ly rượu thơm… để bày tỏ và thắt chặt tình thân, cho thắm đượm hương Xuân và cho say lòng nhau…
Thức uống - trên thực tế - là đầu câu chuyện ngày Xuân. Câu chuyện sẽ vui, thật vui, hay trở nên chuyện buồn - phụ thuộc vào cả chủ lẫn khách. Đừng để câu chuyện trở thành “cười ra nước mắt” trong những ngày Tết (vì khách và chủ đều “quá chén”...) là điều mà tất cả chúng ta cần nhắc nhau mỗi dịp Xuân về.

 

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng