Thứ Sáu, tháng 6 10, 2011

Đào tạo nhân lực du lịch: Bao giờ đáp ứng nhu cầu?

 

Biên bản thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch vừa được Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam và Viện ĐH Mở Hà Nội ký kết, mở ra hy vọng về một tương lai sáng sủa cho chất lượng nguồn nhân lực du lịch vốn từ lâu được cho là "thiếu và yếu".

Vừa thừa vừa thiếu

Đánh giá chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, hệ thống trường đào tạo chuyên ngành du lịch trên cả nước tuy nhiều nhưng chất lượng không đáp ứng được yêu cầu. Việc đào tạo nặng về lý thuyết mà thiếu kiến thức thực tế đang trở thành vấn nạn ở các trường du lịch hiện nay. Ngay cả hướng dẫn viên du lịch quốc tế cũng không được đào tạo ngoại ngữ đến nơi đến chốn, khi ra trường không đủ khả năng phiên dịch chứ chưa nói gì đến chuyện làm hướng dẫn viên với yêu cầu cơ bản là cung cấp cho du khách những thông tin cần thiết về các điểm đến. "Thậm chí, nhiều sinh viên ra trường không chọn công việc đúng theo chuyên ngành được đào tạo vì họ không có đủ kiến thức cũng như lòng say mê", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.


Hướng dẫn viên giới thiệu khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với du khách nước ngoài. Ảnh: Linh Tâm

Hiện nay, cả nước có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường ĐH, 80 trường CĐ, 117 trường trung cấp, 2 công ty và 23 trung tâm. Theo nhận xét của các chuyên gia trong ngành, cơ sở đào tạo nhiều nhưng chất lượng đào tạo chưa bài bản. Mặt khác, cả nước mới chỉ có trường đại học có khoa du lịch chứ chưa có trường chuyên biệt đào tạo nhân lực cho ngành du lịch. Không ít giáo viên từ các ngành khác chuyển sang, giáo trình lại chưa có, ngay cả chuẩn nghề, chuẩn đào tạo cũng là mỗi trường mỗi kiểu. Vì thế, chất lượng của phần lớn cử nhân du lịch không cao, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Nhân lực ngành du lịch "thiếu và yếu" không chỉ do khâu đào tạo mà còn do việc sử dụng. Quan niệm xây dựng cơ sở vật chất là điều kiện đủ để đi vào hoạt động, ít coi trọng việc đào tạo tay nghề cho nhân viên phục vụ khá phổ biến. Tình trạng khách sạn to lớn, lộng lẫy và hiện đại nhưng nhân viên yếu kém có thể thấy ở nhiều nơi. Trên thực tế, ở mỗi khách sạn quy định chuẩn chất lượng phục vụ cũng rất khác nhau. Khách sạn 3 sao ở Hà Nội khác hẳn 3 sao ở nhiều địa phương khác về cung cách phục vụ.

Hiện nay, nhiều nhà hàng, khách sạn còn có xu hướng xem trọng nhân viên quản lý, xem thường nhân viên phục vụ, tiếp tân, trong khi đội ngũ này mới chính là người làm cho khách cảm thấy hài lòng hay khó chịu, là người làm nên chất lượng phục vụ chứ không phải là người quản lý. Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam chia sẻ: Đào tạo lao động trong lĩnh vực du lịch không chỉ là đào tạo kỹ năng mà còn là phong cách, văn hóa và phẩm chất. Nhưng sinh viên chuyên ngành này ra trường vẫn thiếu kỹ năng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp nên khi doanh nghiệp tuyển dụng lại phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng nhu cầu công việc. Điều đó dẫn đến nguồn nhân lực du lịch "thừa nhưng vẫn thiếu".

Để không còn học "chay"

Một trong những giải pháp để cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch là tránh tình trạng sinh viên phải học "chay". Theo ý kiến của nhiều đơn vị lữ hành, muốn làm được điều này, quá trình đào tạo nên theo hai bước: đào tạo trong trường và tại doanh nghiệp. Hai bước này không thể thay thế cho nhau mà phải được kết hợp với nhau, trong đó đào tạo tại trường phải đi trước, đào tạo tại doanh nghiệp là bước chuẩn bị cuối cùng để nhân lực sẵn sàng cho công việc. Các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống giáo trình, thường xuyên tổ chức cho sinh viên du lịch được đi thực tế.

Lần đầu tiên, Hiệp hội Lữ hành và Hiệp hội Khách sạn Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực du lịch với Viện ĐH Mở Hà Nội. Theo ông Vũ Thế Bình, mặc dù trên cả nước có nhiều trường đào tạo chuyên ngành du lịch nhưng những cơ sở đạt yêu cầu chất lượng đủ để người trong nghề có thể gửi trọn niềm tin lại không nhiều. Trong sự hợp tác này, Hiệp hội Lữ hành và khách sạn Việt Nam sẽ có trách nhiệm tổ chức cho các sinh viên khoa du lịch của Viện được thực tập và hành nghề trong các công ty du lịch, khách sạn. Cán bộ của hiệp hội, hay lãnh đạo các doanh nghiệp sẵn sàng làm giảng viên, hướng dẫn sinh viên của Viện để họ có thêm kiến thức thực tế. Viện Mở sẽ phối hợp với Hiệp hội trong nghiên cứu khoa học, xây dựng và thực hiện các dự thảo phát triển, tham gia vào quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch.

Không chỉ những người làm công tác quản lý mà ngay cả các doanh nghiệp đều hy vọng sự hợp tác này sẽ kéo đào tạo gần hơn với nhu cầu xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để du lịch Việt Nam phát triển bền vững.

Đến năm 2015, ngành du lịch cần khoảng 620 nghìn lao động trực tiếp, bình quân mỗi năm tăng 8%. Đến năm 2020, sẽ cần 870 nghìn lao động trực tiếp. Đối với lao động gián tiếp, năm 2015 ngành du lịch cần 1,5 triệu đến 1,7 triệu lao động; năm 2020 con số này là 2,2 triệu. Hiện tại, cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% lao động cả nước. Trong số này chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo.

Xuân Lộc  

 

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng