Thứ Bảy, tháng 9 05, 2009

Rượu thuốc:Kỳ 2: Cá ngựa

Kỳ 2: Cá ngựa - Cho niềm vui trọn vẹn

Cá ngựa, một loại thủy sinh đặc biệt?

Cá ngựa.
Cá ngựa, còn gọi là hải mã, thủy mã, hải long, với tên khoa học Hippocampus sp, họ hải long Syngnathidae. Cá ngựa có nhiều loài: cá ngựa lớn còn gọi đại hải mã Hippocampus kuda Bleeker, cá ngựa gai H. histrix Kaup, cá ngựa trắng H. kelloggi Jordan et Snyder, cá ngựa chấm, còn gọi tam ban hải mã H. trimaculatus Leach, cá ngựa bụng lớn H. abdominalis, cá ngựa Nhật H. japonicus Kaup... Cá ngựa chỉ dài khoảng 15-20cm, đôi khi tới 30cm. Cá ngựa thường sống ở các vùng ven biển, gần bờ, nơi có hàm lượng muối cao và nước trong, ở hầu hết các vùng biển nước ta: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang... Có thể coi cá ngựa là một loại thủy sinh đặc biệt với các lý do ít gặp ở các động vật khác, đặc biệt hơn nữa nó lại là sinh vật sống dưới nước. Trước hết về hình dáng cấu tạo đặc biệt của nó: là cá mà đầu lại giống như đầu con ngựa, nằm ngang hoặc vuông góc với thân; là cá mà lại không có vây, không có đuôi như đuôi cá, mà đuôi lại thon dần và uốn cong về phía trước; là cá mà lại có đôi mắt rất cao, có thể quan sát con mồi, mà không cần di chuyển; là cá mà khi bơi hầu như lại như đứng thẳng, đúng hơn là hơi nghiêng. Đặc biệt hơn nữa, cá ngựa đực là một loại động vật rất “thương vợ”, nhưng lại “chẳng quý con”, chẳng vậy mà cá ngựa đực đã là động vật duy nhất tự nguyện “mang thai thay vợ” trong bụng mình, nhưng rồi sau khi sinh, cũng sẵn sàng “chén luôn” những đứa con mà chính mình mang nặng đẻ đau trong suốt thời gian 2-3 tuần. Nói như thế không có nghĩa là “chê” cá ngựa cái là “lười, tranh thủ”, đã tìm cách gửi trứng vào bụng “người chồng” yêu quý của mình, mà đó cũng là “lối sống riêng” của loài cá ngựa. Tuy vậy, cả cá ngựa đực và cá ngựa cái đã đem lại niềm vui lớn cho con người, không chỉ riêng phái “mày râu”, như một số vị dược liệu khác.

Cá ngựa tăng cường sinh lực cho cả hai giới

Trong những năm gần đây, từ cá ngựa, người ta đã tìm ra các chất peptid, có tác dụng kháng lại các vi sinh vật, các protein, có tác dụng chống ôxy hóa, chống lại quá trình lão hóa, cá ngựa có các gen chống khối u, các chất có khả năng giải độc. Đặc biệt còn có một enzym sinh tổng hợp chất prostaglandin, một chất đóng vai trò điều hòa thần kinh, hormon và hệ miễn dịch. Như ta đã biết, chất prostaglandin và tiền chất của nó có khả năng kích thích tiết ra hormon oxytocin, một nội tiết tố có liên quan đến hoạt động tình dục ở cả nam và nữ giới, dĩ nhiên ở phái đẹp, tác dụng của chất này còn được nhân lên gấp nhiều lần do có sự hỗ trợ của hormon estrogen, do đó mạnh hơn nhiều lần so với chất testosteron ở nam giới. Mặt khác, từ cá ngựa, người ta còn tìm thấy chất DHA (docosahexanenoic acid), chất giúp cho việc sinh sản tinh trùng. Do đó cá ngựa đã trở thành một dược liệu quý giúp cho cả hai phái có được niềm vui trọn vẹn!

Dùng cá ngựa như thế nào để có hiệu quả cao?

Theo YHCT, cá ngựa vị ngọt, tính ấm, có công năng ôn thận tráng dương, giải độc. Dùng trong các trường hợp suy yếu sinh dục ở nam giới, như di tinh, liệt dương, dương cương kém bền, xuất tinh sớm. Hoặc với phụ nữ bị yếu sinh lý, lãnh cảm, không tự tin về hoạt động tình dục, muộn sinh con. Ngoài ra, cá ngựa còn được dùng trị đau lưng, mụn nhọt, sang lở... Gần đây còn được dùng để trị bệnh đau tim.

Đem rửa sạch cá ngựa, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, thường lấy một đôi, một con đực, một con cái. Con cái thường có kích thước lớn hơn. Cũng có thể dùng nhiều đôi như vậy. Cá ngựa có thể được dùng dạng bột hoặc ngâm rượu:

Cách chế bột cá ngựa: Đem cá ngựa khô, bẻ thành miếng nhỏ, sao vàng tới thơm. Tán bột mịn để dùng. Ngày 3 lần, mỗi lần 1-3 g. Dùng 2-3 tuần liền, trước bữa ăn.

Cách chế rượu cá ngựa: Cá ngựa tươi 100g, ngâm trong cồn dược dụng 60 - 70o, trong 3 tháng (tỷ lệ 1 phần cá ngựa, 5-8 phần cồn).

Nếu ngâm cá ngựa khô thì sau khi rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, cắt nhỏ, tán bột thô rồi tiến hành ngâm như trên, tuy nhiên độ rượu lần đầu chỉ cần 35 - 40o và thời gian ngâm giữa các lần cũng rút ngắn lại (30, 21, 15 ngày).

Các vị thuốc ba kích, đương quy, hà thủ ô đỏ, đan sâm, mỗi vị 100g; ngưu tất, dâm dương hoắc, huyết giác, mỗi vị 50g; trần bì 12g, thiên niên kiện 6g ngâm trong rượu 35 - 40o, lần đầu ngâm trong 30 ngày, lần thứ hai 21 ngày và lần ba 15 ngày. Chiết rượu ngâm cá ngựa hòa với dịch chiết thuốc ngâm của các vị thuốc trên.

Việc phối hợp giữa hai loại rượu có thể theo tỷ lệ 1:1, tức là một rượu cá ngựa, một rượu thuốc (theo thể tích), hoặc (1:2). Tùy theo khẩu vị, có thể pha thêm ít đường kính cho dễ uống. Chú ý: không nên cho tỷ lệ rượu cá ngựa quá nhiều để tránh rượu bị kết tủa. Có thể dùng rượu cá ngựa vào các buổi tối, trước khi đi ngủ, mỗi lần 30-50ml. Chị em tửu lượng kém có thể uống mỗi lần 10-20ml.

Ngoài ra có thể dùng cá ngựa dưới dạng thực phẩm, nấu cá ngựa với thịt gà ăn hàng ngày có tác dụng bổ khí huyết, bổ thận dương...

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng