Thức uống ở Đà nẵng khá nhiều, nhưng trước hết, cần kể đến loại thức uống thường ngày, đơn giản, dễ dùng nhưng không kém phần bổ dưỡng và có tác dụng chữa bệnh cao. Phổ biến nhất là nước chè và một số loại lá cây được hái về để tươi hoặc phơi khô và nấu uống. Không tinh tế, không cầu kì phức tạp nhưng người Đà Nẵng luôn cảm thấy thỏa thích khi một hơi uống cạn một bát hoặc một gáo nước chè để đã cơn khát.
Để nấu nước chè người ta dùng loại chè lá phơi khô (chè đen) hoặc chè công, chè Huế, chè Biển Hồ (được làm từ lá, thân hoặc cọng chè, phơi khô, bỏ vào từng bao lớn). Người ta nấu chè trong nồi đồng, ấm đất hoặc ấm nhôm. Khi uống, rót chè hoặc dùng gáo dừa có cán để múc ra bát. Bát uống chè là loại bát tròn, lớn, bằng đất nung, tráng men thô. Ngày nay, đồ sứ có mặt nhan nhản khắp nơi, nhưng các hàng nước chè vẫn giữ nguyên những chiếc bát thô vẽ ngoằn ngoèo vài nét men xanh đơn giản.
1. Chè đậu ván
Đậu ván trắng còn gọi là bạch biển đậu, biển đậu, bạch đậu. Thành phần dinh dưỡng của đậu ván trắng gồm có: khoảng 22,70% chất protein, 1,8% chất béo, 57% carbohydrat; 0,046% calci; 0,052% phospho; 0,001 % chất sắt; ngoài ra còn có men tyrosinase, vitamin A, B2, C, acide cyanhydric.
Đậu ván có công dụng điều can, hòa vị, thanh thấp, khử thử chỉ khát, chỉ tả. Do đó đậu ván còn được sử dụng trong điều trị cao huyết áp, giúp tiêu hóa tốt, ngừa trúng nắng, giải khát.
Người ta mua vỏ đậu ván ở các quán chè về phơi khô, cho vào chảo rang vàng rồi đem nấu thành nước uống. Loại nước này có một mùi thơm khó tả, phải chính tay bưng bát nước thưởng thức mới cảm hết được cái hương vị hấp dẫn của nó. Uống chè này không cần ly tách sang trọng mà chỉ dùng chiếc bát sành hoặc chiếc gáo dừa khô mới thấy ngon.
2. Nước chè tươi
Lá chè có nhiều Vitamin, Acid amin, muối khoáng, là một thức uống bổ dưỡng, giúp sự hấp thụ và trao đổi chất trong cơ thể được tốt hơn, ngăn ngừa nhiều bệnh. Cafein và theophylin trong lá chè tươi có tác dụng kích thích thần kinh, tim và hô hấp, tăng cường sức làm việc của não. Ngoài ra còn giúp tiêu hóa tốt, lợi tiểu. Chè tươi còn có tác dụng giảm khối u trong bệnh ung thư, ổn định huyết áp, giảm béo phì, chống huyết khối và ngừa các tia phóng xạ.
Cách chế biến nước chè ở Đà nẵng rất đơn giản. Chè mua về, rửa sạch, cho vào cối giã nát, sau đó ủ khoảng một ngày cho chè chín (chè tươm nước, chuyển màu do hơi nóng toát ra). Cho vào nồi hoặc ấm nấu thật kỹ. Bỏ thêm vào nồi một củ gừng giã dập cho thơm.
3. Nước lá Lao
Nước được nấu từ một số loại lá sẵn có ở Cù Lao Chàm như lá ngấy, bồ đề, bình lời, é rừng, dây lăng, gừng núi... Lá bẻ về, phơi khô, chặt nhỏ và trộn lẫn. Đối với người không quen, nước lá Lao có vị chát, vừa có mùi của thuốc bắc, thuốc nam, vừa có mùi ngai ngái của một số lá cây rừng nhưng dùng lâu sẽ nghiện. Một số người địa phương đã dùng lá Lao nấu uống thay chè. Nước lá Lao uống rất tốt, vừa kích thích tiêu hóa, vừa có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể, chắc bụng, vì vậy các sản phụ thường chuẩn bị một bao lớn lá Lao để dùng sau khi sinh. Cùng với các loại trái như sim, dâu, trâm, ươi, loại tro củi dùng để chế biến cao lâu, loại cây già, cây chàm để nhuộm lưới, Cù Lao Chàm còn mang đến cho Hội An một loại nước uống khá độc đáo, hiếm có là nước lá Lao.
4. Nước mồng 5
Trước tết Đoan Ngọ (5-5 Âm lịch), tại chợ Hội An bày bán nhiều loại lá cây, khô có tươi có, hầu hết là những loại cây thuốc có tác dụng chữa nhiều loại bệnh. Đó là lá mã đề, râu bắp, gương sen, mơ, cỏ ống có tác dụng lợi tiểu, bổ thận, giải nhiệt; lá sả, bạc hà, é, tía tô, tần, gừng để tăng sức đề kháng, chống các bệnh thời tiết, cảm ho; lá dỏ dẻ, chành nành để kích thích tiêu hóa; lá ổi để chắc bụng; lá ngủ ngày, bổ đường, tim sen, vông (dông) để an thần... Tất cả được phơi khô để đúng ngọ ngày mồng 5 dồn chung lại thành một đống giữa sân. Dùng dao chặt nhỏ, trộn đều rồi bỏ vào bao, cất ở nơi khô ráo. Người dân tin rằng uống nước lá này sẽ trừ được một số bệnh tật, nhất là các bệnh do thời tiết. Nhìn vào danh mục lá mồng 5 chúng ta thấy niềm tin này được xác lập có cơ sở vững chắc từ đặc tính y dược của cây cỏ mọc chung quanh nhà, ở ngoài vườn, trong các bụi rào giậu. Tục hái lá thuốc mồng 5 như một lời nhắc nhở để mọi người lưu ý hái một ít lá cây - vị thuốc có sẵn để dùng khi cần thiết. Người dân còn tin rằng vào trưa mồng 5 chỉ cần ra ngoài vườn bẻ một vài loại lá cây đem phơi khô nấu uống cũng có thể chữa được bệnh.
Do tác dụng chữa bệnh nên lá mồng 5 được sử dụng khi thời tiết nóng nực, dịch bệnh lây lan, hoặc gia đình có người đau ốm, đặc biệt là mệt mỏi, suy nhược nhưng chưa đến mức phải dùng thuốc. Nhiều gia đình chuẩn bị lá mồng 5 để nấu uống suốt năm.
Do tác dụng chữa bệnh nên lá mồng 5 được sử dụng khi thời tiết nóng nực, dịch bệnh lây lan, hoặc gia đình có người đau ốm, đặc biệt là mệt mỏi, suy nhược nhưng chưa đến mức phải dùng thuốc. Nhiều gia đình chuẩn bị lá mồng 5 để nấu uống suốt năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.