Thứ Năm, tháng 6 18, 2009

Rượu Hồng đào hoàn toàn không có thật

Không rõ năm 1602 khi Nguyễn Hoàng cầm quân vượt núi Hải Vân vào trấn giữ Quảng Nam, câu ca dao tiêu biểu nhất, khái quát nhất của vùng đất này đã có chưa?
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng đào chưa nhắm đã say

"Hồng đào" theo tôi chỉ là một cách nói văn vẻ, văn hoa - vốn là một cách nói hiếm khi thấy người Quảng sử dụng trong giao tế. Ít sử dụng không phải họ không đủ sự lịch lãm, nhưng trong giao tế thông thường người Quảng nói thật lòng những gì mình đang nghĩ, chứ không nói đãi bôi. Dù ít sử dụng, nhưng khi cần thiết, họ vẫn có cách nói của riêng mình. Đó là trường hợp của rượu Hồng đào. Khi nói "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm", người ta đã đặt địa danh Quảng Nam vào một vị trí cao, vậy muốn so sánh tất phải có một sản phẩm khác tiêu biểu, phải thật tiêu biểu của vùng đất này. Lập luận như thế thì rượu Hồng đào phải có thật chứ? Nhưng không. Do vế trên, cho biết theo nghĩa đen "chưa mưa đã thấm", thì câu nối theo cũng phải có ý nghĩa tương tự.

Tạm dừng lại đây để ta hiểu "thấm" nghĩa là gì? Tôi muốn mượn hai quyển tự điển tiêu biểu của miền Nam và miền Bắc giải thích. Đại Nam quốc âm tự vị (ấn bản năm 1895) của Huỳnh Tịnh Paulus Của, giải thích nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa mà ta đang xét: "Nhúng nước gì, chấm nước gì; làm cho ướt, cho nước gì thấu vào; nước thấm vào" và đưa ra thí dụ như "thấm nước miếng: lấy nước miếng mà làm cho ướt, như thấm nước miếng mà gắn con niêm, gắn bì thư". (Tôi thích cái thí dụ này, đọc lại, ta thấy như tái hiện lại kỷ niệm của cả một thời tuổi nhỏ mà mình cũng đã từng như thế, nay đã xa xôi, đã không còn nữa). Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (ấn bản năm 1931), giải thích: "Nói về nước đẫm vào, hút vào: Nước mưa thấm áo, Mực thấm vào giấy; Đủ, bõ: Uống hàng chai rượu mà chẳng thấm vào đâu; Làm cho hút đi: Lấy bông thấm máu, Lấy giấy thấm mực; Thấu sâu vào: Nói mãi cũng phải thấm".

Ta hiểu "thấm" là một động từ, diễn tả sự vật đang vận động. Và cũng hiểu rằng, thật lạ lùng cho cái xứ Quảng Nam, từ trời cao "chưa mưa", chưa đổ nước xuống vậy mà đất... "đã thấm"! Một cách giới thiệu tài tình, không lẫn lộn, không "đụng hàng" với bất cứ một vùng đất nào khác trên toàn cõi nước Việt.

Vậy câu kế theo, thật khéo léo khi chọn lấy động từ "say". Muốn say, muốn được cái cảm giác diệu vợi, chếnh choáng như thi sĩ Tản Đà:
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
Tất phải có rượu. Rượu nào cũng được chăng? Với người Quảng, đó không phải là rượu Đế (do nấu bằng cỏ đế nên "chết tên" như thế) hoặc rượu Cây Lý hoặc Bàu Đá hoặc làng Vân... mà phải là rượu Hồng đào! Nhưng rượu Hồng đào không có thật. Nó chỉ là một cách nói nhằm tương xứng với địa danh Quảng Nam ở câu trên.
Vì sao?
Trong phép đối xứng của hai câu này (tạm gọi là thơ), thì danh từ riêng phải đối với danh từ riêng, chứ không thể nào khác được. Khi đã đưa ra một địa danh, mà lại là địa danh có vị trí cao nhất là tên gọi của cả một vùng đất thì rõ ràng không thể có một danh từ riêng nào đó có thể tương xứng đối lại với nó. Muốn đối lại phải là tên một địa phương khác. Nhưng ở đây, chỉ nhằm giới thiệu về tính chất địa phương mình nên "phương án" đó không xảy ra. Vậy chọn một danh từ riêng trong phạm vi của vế trên đã đặt ra, ta chọn lấy gì? Là "Trà Mi rừng quế, kho vàng Bồng Miêu", là "con tằm Đại Lộc se tơ", là "thuốc rê Cẩm Lệ"... chăng? Xem ra vẫn không ổn. Phải chọn một sản phẩm nào đó dẫn đến một động thái "thấm" như vế trên đã đặt ra.

Trong trường hợp này, chỉ có rượu dẫn đến "say" là hoàn chỉnh nhất. Bởi cái gì dẫn đến "thấm" nếu không phải là chất lỏng? Và rượu dẫn đến "say" cũng là một chất tương tự mà thôi. Nhưng chọn rượu của làng, xã, huyện nào đây? Không thể chọn được. Bởi rượu của làng, xã, huyện ấy làm sao đủ "tầm vóc" để đối lại với ý nghĩa khái quát là Quảng Nam? Mà người "Quảng Nam hay cãi", đối không khéo sẽ bị chê là kém hiểu biết, thiếu lễ độ... Chi bằng, ta cứ đặt cho nó một cái tên không có thật, không thuộc làng, xã, huyện cụ thể nào nhưng nó vẫn đặc trưng đối với người Quảng. Và trải qua thăng trầm của lịch sử, rõ ràng nó đã được người Quảng chấp nhận. Nếu người Quảng không chấp nhận thì đừng hòng nó còn tồn tại đến ngày nay.

Đến đây, hẳn nhiều người cũng gật gù "có lý đấy chứ", nhưng rồi sẽ đặt câu hỏi cắc cớ "Tại sao lại là rượu (màu) Hồng đào, chứ không phải là một màu nào khác?". Vâng, sắc màu cũng phản ánh những cung bậc tình cảm. Với màu hồng đào (hồng điều), khi nghe âm của nó ta thấy gợi lại sắc thái của những gam màu sáng, của sự hòa hợp, khởi đầu cho một hy vọng, một ước nguyện tốt đẹp. Hầu hết trong lễ nghi của đám cưới, của sự hợp nhất ta thấy hồng đào vẫn là sắc màu "chủ đạo". Ngoài tên gọi lễ tơ hồng thì ngay cả loại rượu trong đêm hợp cẩn, tất cũng phải là màu hồng đào, chứ không thể là rượu màu trắng - vốn chỉ dùng cho việc tế lễ.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng