Thứ Ba, tháng 9 27, 2011

Hà Nội "ẩm thực kí" qua lăng kính người nước ngoài

Tiếp tục hành trình khám phá Hà Nội qua các món ăn của chị Celia - một du khách kiêm blogger ẩm thực đến từ New York.

Trong bài viết kỳ trước, chúng ta đã "làm một tour" vòng quanh những món ăn hiện đại pha trộn truyền thống ở Sài Gòn. Và tuần này, mời các bạn ngược về phía Bắc, cùng khám phá Hà Nội với chị Celia nhé!
Sau khi đã ở Việt Nam được một tuần, tôi vẫn không làm cách nào để phát âm chính xác chữ “phở”. Nhưng điều đó vẫn không thể ngăn cản tôi ăn phở suốt ngày.

Để bắt đầu chuyến du lịch của ngày mới, tôi quyết định “nạp năng lượng” với một tô phở bò thơm ngon nóng hổi. Vì lúc đến quán phở đã khoảng gần trưa nên tô phở trở thành bữa trưa của chúng tôi luôn. Sau một thời gian ngắn ở Hà Nội, tôi phát hiện ra rằng ăn phở là một thói quen dễ nhận thấy của người dân Hà thành. Họ ngồi trên những chiếc ghế nhựa ở các hàng quán nơi góc phố, ăn phở vào buổi sáng, buổi trưa, thậm chí đến tận buổi đêm.



Ở Hà Nội, phở là thức quà sáng được yêu thích nhất.


Có rất nhiều loại hình hoạt động diễn ra ở ngoài đường phố, chẳng hạn như bán phở, bán thịt, hay cắt tóc dạo ở vỉa hè.

Sau ngày đầu kiệt sức vì đi lại trên đường phố, luôn phải để ý tránh những chiếc xe máy qua lại ngược xuôi, Shanti - người bạn đồng hành và tôi đến một nhà hàng có phong cách Việt Nam và các món ăn dân tộc, được chế biến theo kiểu hiện đại. Khách hàng chủ yếu ở đây là người nước ngoài. Trong các website hay các sách chỉ dẫn du lịch, nơi này được nhắc đến rất nhiều với các món “lạ”, chẳng hạn như dế chiên hay thịt đà điểu.

 

Món dế xào lá chanh và dạ dày lợn.

Sau khi chụp xong tấm ảnh này, tôi liền thưởng thức ngay vị ngon của những chú dế giòn tan được chiên ngập trong mỡ. Tuy nhiên, tôi đã không thể ăn hết cả đĩa vì nó ngấm nhiều mỡ, tạo cảm giác hơi ngấy.


Chú dế giòn rụm nhưng vì ngấm quá nhiều mỡ nên nhanh ngấy.

Việc gọi một món ăn lạ như vậy quả thực rất mạo hiểm. Vậy nên sau đó, tôi đã chuyển sang món ăn mang khẩu vị nhẹ nhàng hơn, đó là món gà xốt me chua ngọt.


Gà sốt me chua ngọt cực kỳ dễ ăn.


Còn Shanti lại “chơi sang” hơn một chút với món lẩu ốc.

Tới buổi sáng hôm sau, chúng tôi dậy muộn và làm một chuyến vòng quanh khu phố cổ. Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ hồ Hoàn Kiếm - trung tâm thành phố, với ngôi đền nằm trên một đảo nhỏ giữa hồ.

Đến bữa trưa, chúng tôi dừng chân ở một quán bún.


Và đây là bún bò Nam Bộ.
Ở nhà hàng mà chúng tôi ăn bún, tôi quan sát thấy rất nhiều người dân địa phương gọi món gì đó được gói trong lá chuối. Cảm thấy rất tò mò nên tôi đã thử gọi một cặp.


Món ăn đó chính là “nem chua”, vốn là thịt lợn được chế biến và hấp trong lá chuối. Nó có vị ngon thật tuyệt vời khi được chấm cùng tương ớt. (các bạn có phát hiện ra sự nhầm lẫn của tác giả không?)

Chúng tôi tiếp tục đi dạo quanh phố cổ sau bữa ăn trưa, trầm trồ trước những ngôi đền nhỏ và các ngôi nhà cũ kỹ mang ảnh hưởng của kiến trúc Pháp.


Đến tối, chúng tôi quyết định đến một nhà hàng Pháp – Á khá nổi tiếng đối với người nước ngoài tới du lịch tại Hà Nội. 


Đây là Shanti và quyển thực đơn "quá khổ". Chúng tôi đã quyết định chụp một tấm ảnh cô ấy thật ngộ nghĩnh.




Ánh sáng của nhà hàng khiến người ta có cảm giác lãng mạn. Các bạn có thể nhìn thấy món thịt xông khói Parma cuộn trong cà tím của tôi ở trên, chưa kể là món cua xốt remoulade của Shanti ở dưới đây, được chụp trong thứ ánh sáng mờ ảo đó.


Và đây là ba đĩa kem brulee mà tôi đã ăn. Nó rất ngon với hương vị hài hòa.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm Hồ Tây và phía Bắc thành phố. Đến nơi này, tôi đã phát hiện ra thêm một hoạt động của người dân, đó chính là: câu cá.


 

Dĩ nhiên là cả việc nướng những con cá vừa bắt được nữa.

Ở khu Vườn Bách thảo phía Nam của hồ, chúng tôi thấy rất nhiều các cô dâu đang chụp ảnh cưới. Họ thay đồ dưới những tán ô cạnh những hàng nước, từ quần áo thường ngày thành váy cưới, từ váy cưới thành váy truyền thống màu đỏ.


Trông họ đều rất xinh đẹp và rạng rỡ.

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi có bầu không khí trầm lặng hơn, đó là Bảo tàng và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ở đây cho phép khách tham quan vào viếng con người vĩ đại này từ 8h - 11h. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định hòa vào dòng người đang trang nghiêm đi vào trong lăng.

Ngoài ra, còn một món “đặc sản” khác rất ngon miệng mà tôi đã thử qua: đó là xôi xéo.


Đây là loại xôi ăn cùng với đậu xanh, mỡ nước và hành khô.


Còn đây là một món ăn khác làm từ bột gạo tên là “bánh cuốn”. Nó giống như bánh crepe, nhưng là bột gạo được hấp trong nồi chưng cách thủy, cuốn nhân thịt lợn, mộc nhĩ và tôm.


Tiếp theo là món gỏi cuốn với thịt lợn muối, bì lợn, thêm bún và tôm.


Sau đó, chúng tôi trở lại với hương vị thịt bò sau bữa phở hôm trước bằng món bò xào tái với muối và ớt, đi kèm là nước chấm chanh ớt cực kỳ hấp dẫn. Tất cả các gia vị kết hợp hài hòa với nhau, tạo nên vị mặn, chua và hơi cay nóng đặc trưng cho món ăn.


Món bánh gạo chấm mật, được gọi là “bánh gio”. Món bánh này cho tôi chút ấn tượng giống với bánh Mochi của Nhật.


Sau đó là món tráng miệng súp sữa dừa với lạc và đậu xanh. Món này thực sự khiến tôi thấy thích thú bởi vị ngọt nhẹ, hơi dinh dính của sữa dừa.
 
Đêm cuối cùng, chúng tôi đã có một bữa ăn ở nhà hàng nổi tiếng: Chả Cá Lã Vọng. 



Đây là toàn bộ nồi chả cá. Họ "xào sơ qua" miếng chả với nghệ, phục vụ thêm các loại rau như hành tươi để thực khách tự cho thêm vào theo ý thích.


Bạn nên thưởng thức tất cả cùng với nhau: Chả cá, rau sống, giấm tỏi ớt, lạc rang và bún. Thưởng thức xong món ăn, tôi nghĩ, nhất định sẽ thử chế biến nó ở nhà.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng