Thứ Hai, tháng 5 23, 2011

Những ly cocktail ở tầng 23

 

Hơn bốn năm trước, Trần Ngọc Lâm – bartender làm việc tại Wine Bar, tầng 23 khách sạn Sheraton Saigon (ảnh trên), không nghĩ rằng cuộc đời mình lại gắn liền với những ly cocktail đủ màu sắc và hương vị.

 

Bartender Trần Ngọc Lâm. Ảnh: Ngô Bá Nha

 

Đặt trước mặt tôi một ly cocktail Pinky kiss có màu hồng rất đẹp, thơm mùi ổi xá lỵ, Lâm đề nghị tôi thưởng thức trước khi bắt đầu câu chuyện.

Vị chua chua, hơi chát của nước ép ổi xá lỵ trộn lẫn với vị rượu rất hấp dẫn khiến tôi hiểu vì sao đó là loại cocktail bán chạy tại bar này trong mấy tháng qua.

Tốt nghiệp ngành quản trị du lịch, Lâm vào làm nhân viên tại Wine Bar với mong ước trở thành một bartender (người pha chế, chủ yếu là cocktail ở quầy bar). Đơn giản là vì anh thấy công việc này nhiều thách thức, có tính sáng tạo, môi trường sôi động trong tiếng nhạc và tiếp xúc thường xuyên với khách nước ngoài. Chỉ trong vòng 3 – 5 phút, với các thao tác thuần thục cùng rượu, trái cây tươi, chai, bình shaker (lắc rượu) và ly, một bartender có thể làm được một ly cocktail khiến các khách hàng sành điệu phải hít hà thán phục. Hành trang của một bartender được xem là chuyên nghiệp phải có hơn 50 món cocktail.

Lâm hào hứng cho biết, một bartender giỏi là người có thể thuộc nằm lòng công thức pha chế chuẩn nhiều loại cocktail, biến các thao tác pha thành một cuộc chơi tung hứng đầy nghệ thuật và bắt mắt với những chiếc ly, chai… Ngoài ra, bartender còn phải nhớ sở thích của các khách hàng quen thuộc, và phải biết cách tạo bầu không khí vui nhộn, biết cách giao tế khéo léo với khách tại quầy bar. Lượng khách đông cũng là một áp lực không nhỏ, vì ở Wine Bar, ngày vắng khách nhất là thứ hai cũng có đến 200 lượt người.

 

Kiwi Cooler – một trong những ly cocktail bán chạy tại Wine Bar. Thành phần chính gồm: nước bưởi ép, kiwi tươi, rượu rum, rượu mùi Midori. Decor lát kiwi hoặc chanh tươi. Món cocktail này đã thôi thúc nhiều khách hàng đặt chân đến Wine Bar hàng đêm…

 

Anh ta cần có khả năng định lượng nguyên liệu sao cho ly cocktail có hương vị cân bằng, đạt yêu cầu tươi ngon, hấp dẫn và có màu sắc thời trang.

Dựa trên các loại nguyên liệu trái cây và rượu, bartender sẽ tìm cách pha chế, “kết duyên” chúng với nhau và tưởng tượng ra mùi vị, hương thơm của ly rượu thành phẩm.

Chỉ có một con đường để bartender tiến xa là khổ luyện. Dù đã thuần thục các thao tác pha chế, bartender vẫn phải học hỏi liên tục. Ngoài ra, bartender còn cần để ý nắm bắt gu của mỗi đối tượng khách. Chẳng hạn, khách Nhật thích vị ngọt, đậm đà nước ép trái cây tươi, trong lúc khách Tây lại chuộng nồng độ rượu cao hơn…

Hoạt bát khi nói về nghề, nhưng Lâm lại thoáng dè dặt khi tôi hỏi về ước mơ và dự định trong năm năm tới. Anh chàng 26 tuổi cho biết: “Tôi muốn được về lại đại học Văn Lang để làm giảng viên vì đó là nơi tôi đã theo học bốn năm trời”.

Do nghề này đòi hỏi ngoại hình và sức khoẻ tốt, hiếm có bartender nào còn tiếp tục làm nghề sau tuổi 40. Khi đến độ tuổi này, bartender hoặc sẽ được đề bạt làm giám sát hoặc chuyển sang làm giảng viên.

Lâm quả quyết rằng trong nghề bartender, không có chuyện giấu nghề, vì mọi món cocktail đều có công thức và dung lượng đúng quy chuẩn. Vả lại, tinh thần chung của bartender là chia sẻ với đồng nghiệp, khách hàng niềm vui về những ly cocktail vừa sành điệu vừa hấp dẫn. Vậy còn bí mật của một bartender? Lâm thoáng bối rối: “Có mấy cô khách hàng cứ hỏi số điện thoại hoài…”

 

 

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

1 nhận xét:

  1. Nặc danh5:39 CH

    Mình rất thích bartender nhưng mình lại ngại tiếp xúc với tiếng anh vì mình không giỏi giao tiep tiếng anh. Cho mình lời khuyên được không ạ. Cám ơn.

    Trả lờiXóa

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng