Thứ Bảy, tháng 9 05, 2009

Rượu thuốc:Kỳ 2: Cá ngựa

Kỳ 2: Cá ngựa - Cho niềm vui trọn vẹn

Cá ngựa, một loại thủy sinh đặc biệt?

Cá ngựa.
Cá ngựa, còn gọi là hải mã, thủy mã, hải long, với tên khoa học Hippocampus sp, họ hải long Syngnathidae. Cá ngựa có nhiều loài: cá ngựa lớn còn gọi đại hải mã Hippocampus kuda Bleeker, cá ngựa gai H. histrix Kaup, cá ngựa trắng H. kelloggi Jordan et Snyder, cá ngựa chấm, còn gọi tam ban hải mã H. trimaculatus Leach, cá ngựa bụng lớn H. abdominalis, cá ngựa Nhật H. japonicus Kaup... Cá ngựa chỉ dài khoảng 15-20cm, đôi khi tới 30cm. Cá ngựa thường sống ở các vùng ven biển, gần bờ, nơi có hàm lượng muối cao và nước trong, ở hầu hết các vùng biển nước ta: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang... Có thể coi cá ngựa là một loại thủy sinh đặc biệt với các lý do ít gặp ở các động vật khác, đặc biệt hơn nữa nó lại là sinh vật sống dưới nước. Trước hết về hình dáng cấu tạo đặc biệt của nó: là cá mà đầu lại giống như đầu con ngựa, nằm ngang hoặc vuông góc với thân; là cá mà lại không có vây, không có đuôi như đuôi cá, mà đuôi lại thon dần và uốn cong về phía trước; là cá mà lại có đôi mắt rất cao, có thể quan sát con mồi, mà không cần di chuyển; là cá mà khi bơi hầu như lại như đứng thẳng, đúng hơn là hơi nghiêng. Đặc biệt hơn nữa, cá ngựa đực là một loại động vật rất “thương vợ”, nhưng lại “chẳng quý con”, chẳng vậy mà cá ngựa đực đã là động vật duy nhất tự nguyện “mang thai thay vợ” trong bụng mình, nhưng rồi sau khi sinh, cũng sẵn sàng “chén luôn” những đứa con mà chính mình mang nặng đẻ đau trong suốt thời gian 2-3 tuần. Nói như thế không có nghĩa là “chê” cá ngựa cái là “lười, tranh thủ”, đã tìm cách gửi trứng vào bụng “người chồng” yêu quý của mình, mà đó cũng là “lối sống riêng” của loài cá ngựa. Tuy vậy, cả cá ngựa đực và cá ngựa cái đã đem lại niềm vui lớn cho con người, không chỉ riêng phái “mày râu”, như một số vị dược liệu khác.

Cá ngựa tăng cường sinh lực cho cả hai giới

Trong những năm gần đây, từ cá ngựa, người ta đã tìm ra các chất peptid, có tác dụng kháng lại các vi sinh vật, các protein, có tác dụng chống ôxy hóa, chống lại quá trình lão hóa, cá ngựa có các gen chống khối u, các chất có khả năng giải độc. Đặc biệt còn có một enzym sinh tổng hợp chất prostaglandin, một chất đóng vai trò điều hòa thần kinh, hormon và hệ miễn dịch. Như ta đã biết, chất prostaglandin và tiền chất của nó có khả năng kích thích tiết ra hormon oxytocin, một nội tiết tố có liên quan đến hoạt động tình dục ở cả nam và nữ giới, dĩ nhiên ở phái đẹp, tác dụng của chất này còn được nhân lên gấp nhiều lần do có sự hỗ trợ của hormon estrogen, do đó mạnh hơn nhiều lần so với chất testosteron ở nam giới. Mặt khác, từ cá ngựa, người ta còn tìm thấy chất DHA (docosahexanenoic acid), chất giúp cho việc sinh sản tinh trùng. Do đó cá ngựa đã trở thành một dược liệu quý giúp cho cả hai phái có được niềm vui trọn vẹn!

Dùng cá ngựa như thế nào để có hiệu quả cao?

Theo YHCT, cá ngựa vị ngọt, tính ấm, có công năng ôn thận tráng dương, giải độc. Dùng trong các trường hợp suy yếu sinh dục ở nam giới, như di tinh, liệt dương, dương cương kém bền, xuất tinh sớm. Hoặc với phụ nữ bị yếu sinh lý, lãnh cảm, không tự tin về hoạt động tình dục, muộn sinh con. Ngoài ra, cá ngựa còn được dùng trị đau lưng, mụn nhọt, sang lở... Gần đây còn được dùng để trị bệnh đau tim.

Đem rửa sạch cá ngựa, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, thường lấy một đôi, một con đực, một con cái. Con cái thường có kích thước lớn hơn. Cũng có thể dùng nhiều đôi như vậy. Cá ngựa có thể được dùng dạng bột hoặc ngâm rượu:

Cách chế bột cá ngựa: Đem cá ngựa khô, bẻ thành miếng nhỏ, sao vàng tới thơm. Tán bột mịn để dùng. Ngày 3 lần, mỗi lần 1-3 g. Dùng 2-3 tuần liền, trước bữa ăn.

Cách chế rượu cá ngựa: Cá ngựa tươi 100g, ngâm trong cồn dược dụng 60 - 70o, trong 3 tháng (tỷ lệ 1 phần cá ngựa, 5-8 phần cồn).

Nếu ngâm cá ngựa khô thì sau khi rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, cắt nhỏ, tán bột thô rồi tiến hành ngâm như trên, tuy nhiên độ rượu lần đầu chỉ cần 35 - 40o và thời gian ngâm giữa các lần cũng rút ngắn lại (30, 21, 15 ngày).

Các vị thuốc ba kích, đương quy, hà thủ ô đỏ, đan sâm, mỗi vị 100g; ngưu tất, dâm dương hoắc, huyết giác, mỗi vị 50g; trần bì 12g, thiên niên kiện 6g ngâm trong rượu 35 - 40o, lần đầu ngâm trong 30 ngày, lần thứ hai 21 ngày và lần ba 15 ngày. Chiết rượu ngâm cá ngựa hòa với dịch chiết thuốc ngâm của các vị thuốc trên.

Việc phối hợp giữa hai loại rượu có thể theo tỷ lệ 1:1, tức là một rượu cá ngựa, một rượu thuốc (theo thể tích), hoặc (1:2). Tùy theo khẩu vị, có thể pha thêm ít đường kính cho dễ uống. Chú ý: không nên cho tỷ lệ rượu cá ngựa quá nhiều để tránh rượu bị kết tủa. Có thể dùng rượu cá ngựa vào các buổi tối, trước khi đi ngủ, mỗi lần 30-50ml. Chị em tửu lượng kém có thể uống mỗi lần 10-20ml.

Ngoài ra có thể dùng cá ngựa dưới dạng thực phẩm, nấu cá ngựa với thịt gà ăn hàng ngày có tác dụng bổ khí huyết, bổ thận dương...

Rượu thuốc

Rượu thuốc có giúp tăng cường sinh lý?

Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc khiến nhiều người đàn ông mệt mỏi, căng thẳng. Có một nghịch lý là có nhiều người thành đạt, có vị trí trong xã hội nhưng lại yếu kém trong chuyện phòng the. Căn bệnh khó nói gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Một số người tìm đến các loại thuốc tân dược nhưng cũng có những tác dụng phụ và chống chỉ định. Một số người nghe nói đến các món ăn thuốc, rượu thuốc: tắc kè, cá ngựa... nhưng thực sự không rõ cách chế và sử dụng. Thể theo yêu cầu của ban đọc quan tâm đến loại rượu thuốc bổ thận tráng dương hòng cứu vãn tình thế. Chúng tôi giới thiệu chùm bài viết của GS.TS. Phạm Xuân Sinh - Đại học Dược Hà Nội về các phương thuốc trị yếu sinh lý để quý ông quan tâm có thể áp dụng.

Kỳ I: rượu tắc kè

Tắc kè - thuốc bổ dương

Tắc kè được Đông y xếp vào loại thuốc bổ dương. Tắc kè có vị mặn, tính ấm, quy vào các kinh phế và thận, với các công năng chính như bổ thận, tráng dương, ích tinh tủy, dùng trong các trường hợp ù tai do thận khí kém, liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, nói chung là các hoạt động sinh dục kém... do chức năng của mệnh môn hỏa suy. Tắc kè còn là loại thuốc bổ phế khí, dùng trong các bệnh hen suyễn lâu ngày, các bệnh viêm phổi, ho lao, ho ra máu, khạc ra máu mủ (trường hợp này nên dùng tắc kè dưới dạng nấu cháo, hoặc bột để ăn thì tốt hơn). Ngoài ra, tắc kè còn trị được các chứng bệnh như suy nhược thần kinh, tinh thần mệt mỏi hoặc lao động trí não căng thẳng...

Rượu tắc kè.

Cách chế rượu tắc kè

Công thức cho 4 lít rượu tắc kè gồm: tắc kè 100g, hà thủ ô đỏ 200g, ba kích 200g, nhục thung dung 100g, đảng sâm 200g, huyết giác 20g, đại hồi hoặc tiểu hồi 10g, trần bì 10g, đường trắng 200g, rượu trắng 35-40o 4 lít.

Tiến hành các bước pha chế như sau.

Trước hết, giết tắc kè, bỏ hết phủ tạng, nên nhớ phần đuôi là quý nhất của con tắc kè, dùng bông thấm cồn 70o, lau sạch máu và dùng rượu 35-40o ngâm với gừng tươi giã nát, bóp đều vào tắc kè, ủ 30 phút để khử mùi tanh. Lấy ra, để khô se rồi có thể tiến hành theo hai cách:

Ngâm rượu tắc kè tươi: Thường ngâm một đôi, một con đực, một con cái. Con đực thường có kích thước to và dài hơn. Cũng có thể ngâm nhiều đôi, tùy điều kiện. Cho tắc kè đã chuẩn bị như trên vào bình có dung tích thích hợp. Dùng rượu 60 - 70o đổ ngập tắc kè (một phần tắc kè, 5 - 8 phần rượu), ngâm 100 ngày (lần 1), chiết lấy dịch lần 1, rồi ngâm tiếp 1-2 lần nữa. Những lần sau có thể dùng rượu 35 - 40o, số ngày ngâm cũng giảm dần (60 ngày, 30 ngày). Gộp dịch ngâm của 3 lần lại để pha rượu.

Ngâm rượu tắc kè khô: Tắc kè khô đã có sẵn hoặc có thể chế biến như sau. Sau khi giết tắc kè và khử mùi như trên, dùng 2 que nứa nhỏ, căng 2 chân trước và 2 chân sau, cũng có thể căng từng cặp chéo, một chân trước với một chân sau. Dùng một thanh nứa khác có chiều dài hơn chiều dài của thân và đuôi tắc kè, xiên từ ức đến quá đuôi. Dùng giấy bản hoặc vải mềm cuốn nhẹ vào đuôi để bảo quản. Đem tắc kè xếp vào các khay nhôm, theo kiểu úp thìa và đặt vào các lò sấy, có nhiệt độ từ 60o trở lên để cho tắc kè khỏi bị ôi thiu. Sau đó nâng dần nhiệt độ, sấy tới khô hoàn toàn. Lấy ra để nguội, bảo quản trong các thùng sắt tây, cứ một lớp tắc kè lại rắc một ít quả xuyên tiêu để tránh sâu mọt phá hoại. Thỉnh thoảng phải quan sát để phát hiện sâu mọt, đặc biệt chỗ cậy đuôi tắc kè, nơi mà sâu mọt hay phá hoại nhất. Nhiều khi nhìn bên ngoài, đuôi tắc kè vẫn đẹp, vẫn căng phồng, song bên trong sâu mọt đã ăn hết phần thịt. Đem tắc kè khô chặt bỏ phần đầu, từ mắt và bốn bàn chân. Có thể để cả con hoặc chặt thành mảnh nhỏ, sao nhỏ lửa tới hơi vàng, cho có mùi thơm. Cũng có thể giã dập để có bột thô (trường hợp giã dập, thời gian ngâm rượu sẽ nhanh hơn). Sau khi đã chuẩn bị xong tắc kè, có thể tiến hành ngâm rượu như trên, chỉ cần rượu 35-40o. Đồng thời với việc ngâm rượu tắc kè, tiến hành ngâm rượu của các vị thuốc đã chế biến nói trên. Dùng rượu trắng 35-40o với tỷ lệ một phần thuốc, 5 - 8 phần rượu. Số ngày ngâm có thể ít hơn ngâm tắc kè tươi. Lần 1 ngâm 1 tháng, lần 2-3 ngâm từ 2 - 3 tuần lễ. Gộp rượu thuốc của các lần ngâm lại.

Pha chế rượu tắc kè

Sau khi đã chuẩn bị rượu của hai phần như trên, có thể tiến hành pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu tắc kè, một phần rượu thuốc), hoặc 1 : 2. Rót từ từ rượu tắc kè vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều để tránh rượu bị kết tủa. Sau cùng thêm đường trắng, quấy đều cho tan. Bổ sung rượu cho đủ 4 lít.
Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn, hoặc trước khi đi ngủ. Rượu bổ tắc kè rất tốt cho các trường hợp thận dương kém, suy yếu sinh lý, trí lực, thần kinh suy giảm.
Lưu ý: Không nên lạm dụng, uống rượu tắc kè như một thứ rượu “thực phẩm” để khai vị.

Rượu bìm bịp

Rượu bìm bịp bổ thận tráng dương

Lưu truyền về chim bìm bịp

Trong dân gian, lưu truyền câu chuyện về một cây thuốc, có tên là cây bìm bịp. Sở dĩ có cái tên giống với cái tên của một loài chim quý, có ở nước ta, nhiều nhất là ở miền đông Nam Bộ, là vì từ cây thuốc này, theo như lời chuyện kể, con chim bìm bịp đã tự lấy lá của cây thuốc đó để đắp vào chỗ xương bị gẫy, do trúng tên. Lại một câu chuyện khác của miền đông Nam Bộ, cho rằng, chim bìm bịp con, bị bẻ gẫy chân, bìm bịp mẹ đã lấy lá cây thuốc này, đắp vào chỗ xương gẫy của con. Do đó cây thuốc đã mang tên bìm bịp. Và sau này, con người đã bắt chước chim bìm bịp, lấy chính cây thuốc này làm thuốc chữa đau xương, gẫy xương. Câu chuyện kể về chim lấy cây làm thuốc thực hư như thế nào, không rõ, song trên thực tế, chim bìm bịp là có thật. Ở nước ta, chim bìm bịp, có hai loài, loài lớn Centropus sinensis intermedius Hume và loài bìm bịp nhỏ Centropus bengalensis Gmelin. Chúng đều là những loài chim định cư, thân dài, mỏ to, nhọn, đôi mắt nhỏ, màu đỏ, có đuôi dài hơn cánh. Khi còn nhỏ, thân có lông màu nâu, chấm đen, khi trưởng thành, đầu, mỏ, cổ ngực, đuôi có màu xám đen, song ngực và hai cánh, lại có lông màu đỏ. Cả hai loài, đều ưa sống ở ven sông suối, nơi có nhiều bụi cây rậm rạp. Loài bìm bịp lớn sống chủ yếu ở vùng đồng bằng, trung du, sườn núi, thường ở vùng có độ cao 600m trở xuống; còn loài nhỏ sống chủ yếu ở vùng có độ cao không quá 800m. Thức ăn của bìm bịp đa phần là động vật (ếch, cóc, nhái...), côn trùng như cào cào, mối, chuồn chuồn, và các loài thực vật, cánh hoa và cỏ dại; đặc biệt là rắn, loại thức ăn khoái khẩu của bìm bịp.

Rượu bìm bịp.

Điều chế rượu bìm bịp

Trước hết, đem bìm bịp vặt bỏ lông, mổ bỏ tạng phủ, không nên dùng nước để rửa mà lấy rượu gừng (30g gừng tươi, rửa sạch, giã nát, ngâm trong 100ml rượu 35- 40 độ) để lau sạch máu và các vết bẩn.

Để khô, rồi tiến hành ngâm rượu. Thường ngâm 2 con một bình, nếu số lượng ít. Với số lượng lớn hơn, nên làm thành nhiều đôi. Dùng rượu ngâm 3 lần. Lần đầu, dùng rượu có nồng độ 60 độ, đổ ngập, ngâm trong 3 tháng, lần 2-3, dùng rượu 35- 40 độ, ngâm trong 2 tháng, 1 tháng, gộp dịch chiết rượu của 3 lần lại. Cũng cần biết thêm rằng, do quan niệm bìm bịp ăn rắn, và có lẽ do món ăn độc đáo này mà bìm bịp có các tác dụng chữa bệnh quý như vậy, do đó nhiều khi người ta còn cho bìm bịp ăn rắn, sau 3 ngày mới giết chúng, hy vọng sẽ tăng thêm tác dụng điều trị của bìm bịp.

Bìm bịp - vị thuốc bổ thận tráng dương?

YHCT cho rằng, thịt bìm bịp có vị ngọt, mặn. Tính ấm, không độc, có tác dụng bổ huyết, bổ thận dương, tiêu ứ huyết, giảm đau, tiếp cốt. Dùng trong các trường hợp thận dương suy yếu gây chứng liệt dương, di tinh, tiết tinh sớm, còn dùng khi bị gẫy xương, giúp cho xương chóng liền, hoặc chữa đau lưng, đau nhức xương khớp, đau gối, đau dây thần kinh, các chứng hư lao, suy nhược cơ thể, da dẻ xanh xao do thiếu máu, nhất là phụ nữ sau khi sinh, suy yếu của người già.

Mặt khác để tăng thêm tác dụng bổ nội tiết, bổ sinh dục, người ta còn ngâm bìm bịp với cá ngựa, hoặc bìm bịp với cá ngựa và tắc kè, hoặc bìm bịp với rắn (1 con hổ mang, 1 con cạp nong, 1 con cạp nia, 1 con rắn ráo, 1 con hổ trâu hoặc 1 con dọc dưa). Khi ngâm rượu bìm bịp với cá ngựa và tắc kè, mỗi loại cũng dùng một đôi, một con đực, một con cái. Nếu ngâm bìm bịp với rắn, cần tính trọng lượng của các đôi bìm bịp, sao cho cân bằng với trọng lượng của cả bộ ngũ xà nói trên. Có thể cùng ngâm các loại nguyên liệu nói trên vào một bình.

Song song với việc ngâm bìm bịp, có thể tiến hành ngâm một bình rượu thuốc, gồm các vị thuốc, như hà thủ ô đỏ, ba kích, nhục thung dung, mỗi vị 200g, sâm cau, 100g, huyết giác 20g, đại hồi, hoặc tiểu hồi, trần bì, mỗi vị 10g. (Nếu ngâm với rắn thì bỏ tiểu hồi, và thay bằng 50g thiên niên kiện). Dùng rượu trắng 35-40 độ, với tỷ lệ, một phần thuốc, 5 - 8 phần rượu. Số ngày ngâm, có thể ít hơn ngâm bìm bịp. Lần 1, ngâm 1 tháng, lần 2-3, ngâm 2 - 3 tuần lễ. Gộp dịch thuốc của các lần ngâm lại. Sau đó, có thể tiến hành pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu bìm bịp, hoặc bìm bịp - tắc kè, cá ngựa, hoặc bìm bịp - rắn), một phần rượu thuốc), hoặc 1 : 2. Đem rượu bìm bịp , rót từ từ vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều, để tránh rượu bị tủa. Có thể pha thêm ít đường trắng cho dễ uống. Tùy theo khối lượng của từng loại nguyên liệu động vật, đem ngâm rượu, song lượng rượu thành phẩm có được gấp khoảng 8-10 lần về trọng lượng của nguyên liệu động vật đem ngâm. Nên dựa theo tiêu chí này để phối hợp với rượu thuốc cho phù hợp.

Rượu bìm bịp, có màu nâu thẫm, mùi thơm, vị đậm, hơi ngọt. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Không dùng rượu bìm bịp cho phụ nữ có thai. Rượu bìm bịp có nhiều công dụng tốt, đặc biệt để bổ thận dương. Tuy nhiên, để có nguyên liệu sử dụng một cách bền vững, ngay từ lúc này cũng nên có kế hoạch nuôi dưỡng bìm bịp, giống như đã thuần hóa các loại động vật khác như gà rừng, lợn rừng, nhím, rắn...

Rượu rắn có giúp tăng cường sinh lý?


Tính đa dạng của loài rắn

Rắn cạp nia.
Qua nghiên cứu các hóa thạch, người ta đã xác định được sự xuất hiện của loài rắn trên trái đất vào khoảng 100 triệu năm, cùng thời với sự tồn tại của khủng long. Cho đến nay, có tới 3.100 loài rắn đã được phát hiện trên thế giới, chúng sống hầu như ở khắp các châu lục và phân bố ở khắp các vùng miền, từ rừng rậm, núi cao, ven sông, ven biển, đồng bằng, đầm lầy..., đâu đâu cũng có rắn. Có thể nói ở đâu có con người sinh sống thì ở đó có rắn. Về hình dáng cũng rất đa dạng, có loài rắn được gọi là "khổng lồ" với chiều dài thân tới 2,7m, có đủ nọc để giết tới 15 người một lúc. Ngược lại, cũng có loài nhỏ chỉ bằng một sợi mì ống (rắn Leptotyphlops carlae). Về hình dáng và màu sắc cũng rất đa dạng, rắn hổ mang (hổ mang bành) Naja -naja hay Agkistrodon rhodostoma, phần cổ có bạnh lớn; rắn cạp nong (mai gầm) Bungarus fasciatus, thân có khoanh đen và vàng, vòng quanh cả bụng; rắn cạp nia Bungarus candidus, có khoanh vàng ngà, chỉ vòng nửa thân; rắn lục có thân màu xanh; rắn ráo có màu hơi vàng sáng; rắn dọc dưa có các sọc vàng chạy dọc thân; rắn Leptotyphlops lại có màu xám hơi nâu thẫm, có 2 sọc vàng. Khi bắt mồi, rắn thường nhả nọc độc, làm tê liệt con mồi đến chết, nhiều loại như hổ mang có thể nhắm trúng mắt con mồi để phun nọc, còn rắn Leptotyphlops thì lại không dùng nọc để bắt mồi. Cũng về vấn đề thức ăn của rắn, có quan niệm lại cho rằng rắn hổ mang chỉ ăn chính đồng loại của mình, một con rắn hổ mang lớn chỉ ăn một con hổ mang nhỏ, sau 3 tháng không cần ăn gì nữa vẫn khỏe. Và một năm, rắn hổ mang chỉ giao cấu có một lần, với thời gian kéo dài từ 20 - 30 giờ. Có lẽ với lý do này mà người ta sử dụng rượu rắn để bổ thận tráng dương.

Cách điều chế rượu rắn

Cách ghép bộ rắn để ngâm rượu

Tùy theo nguồn rắn ở từng vùng mà cách ghép bộ để ngâm rượu rắn có khác nhau. Ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung thường có cách ghép như sau:

Bộ 3: 1 con hổ mang, 1 con cạp nong, mỗi con có thể trọng khoảng 500g, 1 con rắn ráo, có thể trọng khoảng 300g.

Bộ 5: Thêm vào bộ 3 hai con rắn khác, 1 con cạp nia, 1 con hổ trâu hoặc 1 con dọc dưa, mỗi con có thể trọng khoảng 500g.

Ở Nam Bộ thường dùng bộ 3 (tam xà tửu): 1 con hổ lửa, 1 con mai gầm, 1 con hổ đất. Bộ 5 (ngũ xà tửu): thêm vào bộ 3 trên 1 con hổ bành (hổ mang) và 1 con hổ hèo (hổ trâu). Bộ 10 (thập xà tửu): từ bộ 5, thêm 5 con rắn khác: 1 con rắn lục, 1 con rắn bông súng, 1 con rắn ri cá, 1 con ri ròi, 1 con rắn bồng.

Cách chế biến rắn:

Trước khi chế biến rắn, không để nọc rắn gây nguy hiểm đến tính mạng của người trực tiếp chế biến và người sử dụng, không để mất mật rắn và phải hạn chế tối đa mùi tanh.

Trước hết, chọn 3 con của các loại rắn khỏe mạnh, còn mật (theo cách ghép bộ 3 của miền Bắc), vì mật rắn có ý nghĩa rất lớn trong rượu. Nhiều khi người ta đã chích lấy mật trước, vì mỗi loại rắn có vị trí túi mật tương đối ổn định so với chiều dài thân, do đó cần lưu ý vấn đề này. Rắn được mổ bỏ hết phủ tạng, mật rắn lấy riêng ngâm vào một lọ chứa ít rượu 35 - 40%. Dùng rượu rửa sạch máu rắn, sau đó ngâm rắn vào hỗn dịch gừng tươi và rượu để khử mùi tanh (500g gừng tươi, rửa sạch, giã nát, thêm 0,5 lít rượu 35 - 40%), ngâm trong 30 phút. Lấy rắn ra, để khô se là có thể tiến hành ngâm rượu được.

Rượu rắn.
Ngâm rắn tươi

Cho rắn đã xử lý vào một lọ thủy tinh có dung tích thích hợp. Đổ ngập rượu 60-70%. Đậy kín lọ. Ngâm trong 3 tháng. Có thể hạ thổ để giữ cho nhiệt độ ngâm ổn định. Sau khi chiết rượu ngâm lần 1, có thể tiếp tục ngâm lần 2-3. Những lần sau chỉ cần rượu có nồng độ 35 - 40o, và thời gian ngâm cũng ít hơn, thường là 30 - 20 ngày. Có nơi tiến hành ngâm rượu rắn tới hàng năm. Gộp dịch ngâm của 3 lần lại để pha rượu.

Ngâm rắn khô

Rắn đã được chế như trên, bỏ phần đầu, nơi có hai túi nọc độc, chặt thành từng khúc dài 5-7cm, có thể tẩm thêm dịch gừng tươi, để cho se, rồi nướng trên bếp than qua một vỉ sắt cho tới màu vàng và mùi thơm. Cũng có thể sấy trong tủ sấy ở nhiệt độ khoảng trên 70oC tới khô. Cho rắn đã khô vào bình thủy tinh có dung tích thích hợp, đổ rượu 35 - 40o ngập rắn. Ngâm lần đầu 30 ngày, sau đó tiếp tục ngâm lần 2-3. Những lần sau thời gian ngâm ngắn hơn, thường là 20 - 15 ngày. Cũng có thể sau khi có rắn khô, đem giã thành bột thô, cho vào túi vải, rồi ngâm như trên.

Đồng thời với việc ngâm rượu rắn, tiến hành ngâm rượu các vị thuốc đã được chế biến: hà thủ ô đỏ, ngũ gia bì hương, thiên niên kiện, mỗi vị 80g; cẩu tích 50g; kê huyết đằng 120g; tiểu hồi, trần bì, mỗi vị 30g. Dùng rượu 35 - 40% với tỷ lệ một phần thuốc, 5 - 8 phần rượu. Số ngày ngâm có thể ít hơn ngâm rắn. Lần 1 ngâm 30 ngày, lần 2-3 ngâm từ 20 - 15 ngày. Gộp rượu thuốc của các lần ngâm lại để pha chế với rượu rắn.

Sau khi đã chuẩn bị rượu của hai phần như trên, pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu rắn, một phần rượu thuốc), hoặc 1 : 2. Đem rượu rắn rót từ từ vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều để tránh rượu bị kết tủa. Đồng thời, đem rượu các mật rắn đã được ngâm riêng từ khi chế biến trộn đều với rượu thành phẩm. Thêm 500g đường trắng, quấy đều cho tan. Thêm rượu có nồng độ 35 - 40o cho đủ 10 lít rượu thành phẩm. Rượu rắn có màu nâu thẫm, mùi thơm vị đậm hơi ngọt. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Không dùng rượu rắn cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên, không nên lạm dụng uống rượu rắn như một thứ rượu thực phẩm khác.

Rắn theo quan điểm của YHCT

Theo YHCT thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn, quy kinh can, có tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc. Mật rắn có vị ngọt, cay, không đắng như các loại mật khác, có tác dụng giảm đau, giảm ho, chống viêm, thường được dùng chung với thịt rắn trong rượu rắn. Rượu rắn rất tốt cho các trường hợp thận dương kém, đau xương khớp, đau dây thần kinh ngoại biên, suy yếu sinh lý, liệt dương, tiết tinh sớm, trí lực, thần kinh suy giảm.

Đệ nhất tửu Trường Sơn

“Đệ nhất tửu Trường Sơn” là rượu tr’đin, được khai thác từ cây cây tr’đin, còn gọi là cây đủng đỉnh núi.


Mùa xuân, mùa hè người Cơ tu uống rượu t’vạt, mùa thu mùa đông người Cơ tu uống rượu tr’đin.

Hũ rượu trên cây cao

Bên cạnh các loại rượu ngâm rượu nấu, người Cơ tu sinh sống trên dãy Trường Sơn còn có đặc sản rượu rừng lấy trực tiếp từ các loại cây tự nhiên, không qua chế biến và không có hóa chất, như các cây: tr’đin, t’vạc, adương.

Người đàn ông Cơ tu này đang "chiết rượu" trên cây

Để lên men thành rượu người Cơ tu có kinh nghiệm lấy vỏ cây chuồn - cây này có hai loại: apăng và zuôn. Lột vỏ hai loại cây này phơi khô và ngâm vào ống đựng nước tr’đin hay t’vạc, dung dịch tự lên men uống đăng đắng - chát - thơm ngọt rất dễ chịu.

Theo các già làng và những người có kinh nghiệm “cất” rượu tr’đin cho biết: Muốn lấy rượu thì phải đục vào thân cây tr’đin. Trước tiên, bằng con mắt “nhà nghề”, nhìn lên cây tr’đin để xác định cây có trúng thời điểm đục thân ra nước không.

Lúc đọt mới nhú lên gần ngang bằng lá già là thời điểm lý tưởng để đục vào thân lấy nước.

Khi đã xác định chính xác như trên, người Cơ tu làm cầu thang lên giàn bằng nhiều cây lồ ô buộc với nhau bằng dây mây cho chắc sau đó leo lên giàn ngồi và đục, tính từ ngọn xuống chừa lại 4 cuống lá già, tại cuống lá già thứ tư từ trên xuống, đục đối diện với cuống lá này.

Đục xong, thấy ở trong đọt trắng mềm là khả năng ra nước nhiều, ngược lại nếu đọt trong cứng vàng thì nước ít. Sau khi đục xong cứ mỗi ngày đến cắt mỏng một lớp để tạo “vết thương” và khi nào thấy có đọt mới nhú ở trong lên thì sắp có nước chảy ra. Thông thường ba đến sáu ngày nếu thấy có nước trăng trắng, sệt sệt tứa ra.

Khi nước ra nhiều từ vết cắt thì làm máng nhỏ từ vết cắt để nước tr’đin chảy theo đường máng chảy vào ống lồ ô lớn đã hứng sẵn (trong ống lồ ô đã bỏ vỏ apăng để lên men).

Từ đó cứ mỗi ngày đến cắt một lát mỏng chỗ “vết thương” và lấy tr’đin về uống. Trung bình mỗi cây tr’đin cho ra khoảng 10 – 15 lít/ ngày đêm. Còn nếu cho trẻ con và phụ nữ uống ngọt thì không bỏ apăng, nước ngọt lịm và thơm ngon như hương vị đường thốt nốt.

“Hủ rượu” này tuy nằm trên cây cao nhưng cũng thu hút bởi các côn trùng như ong, bướm, chim, sóc, chuột… cho nên chung quanh ống lồ ô được che, bịt lại bằng một loại bùi nhùi lấy từ bẹ cây tr’đin.

Rượu tr’đin để vài tháng được nhưng phải thay vỏ cây apăng thường xuyên.

Người Cơ tu có tục lệ là khi uống rượu tr’đin thì không đổ rượu thừa trong chén vào bếp tro nóng, họ cho rằng làm như vậy, cây tr’đin cho rượu sẽ tắt nước hoặc không chảy nước trong một thời gian.

Cây đực, cây cái


Cây tr’đin sống thích hợp nơi ẩm ướt, râm mát, nơi gần các khe suối. Ngoài ra, người cơ tu còn trồng cây tr’đin bằng hạt và nếu có cây nhỏ thì nhổ cây con mang về trồng gần nhà. Người có kinh nghiệm, chọn lấy giống từ cây to, cao, lấy hạt dẹt (hạt cái), một cây tr’đin thường ra 4 - 5 buồng trong 4 - 5 năm, một buồng ra hàng vạn trái, một trái thường 1 - 2 hạt.

Rượu của bà con Cơ tu tại Hội chợ
Rượu của bà con Cơ tu tại Hội chợ "Làng nghề Việt - 2009" tại Đà Nẵng

Nên lấy hạt ở buồng ra thứ nhất, thứ nhì về sau khi thu hoạch nước ra nhiều hơn, cây sống thọ không ra buồng sớm. Còn hạt tròn (là hạt đực), cây sớm ra buồng, không thọ và nếu lấy hạt ở buồng ra cuối cây tr’đin trồng ít ra nước.

Người Cơ tu có kinh nghiệm nhổ cây con hoặc cây ươm đem trồng phải nhìn kĩ khi cây có đọt mới nhú lên khoảng 10 - 15 cm trở lên thì nhổ cây đem trồng vì lúc này cây đang có rễ non - trồng dễ sống.

Cây tr’đin sinh trưởng tương đối nhanh 6 - 7 năm từ ngày trồng thì khai thác được. Có nhiều cây thọ lâu có thể trên 30 năm vẫn “cho rượu” đến khi cây ra buồng trái thì hết khai thác (ngược với cây t’vạc). Song cũng có cây khai thác một lần rồi ra buồng không khai thác được nữa .

Các làng người Cơ tu miền sơn cước Quảng Nam nơi nào cũng có cây t’vạt nhưng cây t’đin thì chỉ có ở Tây Giang, nơi sát biên giới Việt Lào.

Thứ Sáu, tháng 9 04, 2009

Cocktail kiểu Việt

Là sản phẩm của nền văn hóa Mỹ và đã thông dụng trên toàn cầu, nhưng đến nay, cocktail vẫn còn là một loại thức uống chưa phổ biến tại Việt Nam. “Việt hóa” cocktail được xem là cách để mang loại thức uống đa phong cách này đến gần hơn với người Việt.

Khách trong nước chưa có thói quen thưởng thức cocktail, ngoại trừ những người thường lui tới các quán bar, nhà hàng hoặc Việt kiều sinh sống ở nước ngoài do cocktail thường chỉ có mặt trong các bar rượu với mức giá khá đắt. Còn một lý do khác là dường như những công thức cocktail cổ điển có vẻ không “thân thiện” với khách Việt.

Có thể xem cocktail là một loại thức uống “lưỡng tính”, bởi nó vừa có sự mạnh mẽ, nồng đậm của rượu, lại vừa ngọt ngào, chan hòa hương thơm và hương vị của cây cỏ, hoa trái.

Từng có không ít người khi đến quán bar đã tò mò thử gọi cocktail để thưởng thức, nhưng thường không uống hết ly và lời nhận xét kèm theo là cocktail quá nặng hoặc khó uống (dù khi kiểm tra lại, các nhân viên pha chế rượu đã làm theo đúng công thức). Do vậy, làm cho cocktail thật dân dã và gần gũi với người Việt cũng là điều khiến không ít người pha chế đau đầu.

Tạo rượu nền và rượu mùi hương Việt


Hiện nay, ở Việt Nam chưa có công ty nào sản xuất rượu nền và rượu mùi bằng nguyên liệu trong nước, nên việc pha chế cocktail chủ yếu vẫn từ rượu nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, cách “Việt hóa” đầu tiên là có thể dùng rượu nhập (rum, vodka, whisky,…) để ngâm những nguyên liệu quen thuộc như trái cây, rau mùi hoặc thảo dược trong nước. Cách này gọi theo kiểu nôm na trong dân gian là “ngâm rượu thuốc” để có thể tạo nên những loại rượu nền thuần túy của Việt Nam dùng pha chế cocktail.

Cách đây không lâu, những người pha chế rượu đã giới thiệu cho nhau một công thức mới trên mạng Internet mang tên Hương Việt, mà thành phần gồm có chanh dây, nước ổi xá lị cùng rượu nền là rượu Nếp Mới và mật sim rừng - một đặc sản của đảo Phú Quốc. Có thể xem đây là một loại cocktail đặc trưng hương vị Việt với màu nâu đỏ óng ánh như phù sa và vị chua ngọt đậm đà, mùi rượu thơm nhưng không quá nặng.

Bên cạnh mật sim rừng, một số loại rượu ngâm khác cũng có thể sử dụng trong pha chế cocktail là rượu mơ, rượu xơ ri… Tuy nhiên, thông thường cocktail rượu ngoại có màu bền và tạo được sự giao thoa màu với các loại nguyên liệu khá nên sau khi pha chế, màu rượu tách thành từng lớp, mỗi lớp có một vị khác nhau.

Cocktail rượu Việt có một yếu điểm là mùi và màu rất dễ bị trộn lẫn. Để khắc phục điểm này, những người pha chế dùng nhiều nước trái cây tươi như dứa, chanh dây… vừa tạo màu sắc đẹp, vừa cho ra mùi thơm nồng ấn tượng cho thức uống.

“Thuần Việt” bằng cây trái

Món cocktail “hương quyến rũ” chế biến từ mít tố nữ

Thông thường, để những người chưa từng tiếp xúc nhiều với cocktail quen dần với độ rượu mạnh, chỉ cần tuân theo nguyên tắc đơn giản là giảm độ rượu và tăng độ tươi của hoa trái. Ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam không hiếm những loại trái cây ngon theo mùa, thường rộ lên trong vài tháng.

Dựa vào đặc điểm này, ly cocktail cũng có thể được biến đổi theo mùa, mang những hương sắc, mùi vị đặc trưng, mà cách thực hiện lại đơn giản và ít tốn thời gian ngâm tẩm. Điển hình như trái thanh trà thường rộ mùa từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, trái nhỏ vàng tươi, căng mọng, mùi thơm sảng khoái và vị chua thanh khiết rất hợp để chế biến cocktail.

Cũng có thể tạo nên những ly cocktail mang hương vị nhiệt đới đầy hấp dẫn từ mãng cầu xiêm, dâu tằm, khế và cả mít tố nữ. Công thức thực hiện khá đơn giản: nước cam hòa cùng rượu rum, rượu mùi hương chuối, vài múi mít tố nữ rồi cho vào máy sinh tố xay nhuyễn với đá. Hương thơm nồng nàn và vị ngọt của loại trái cây này khiến ly cocktail trở nên gần gũi với người Việt hơn, đặc biệt là nữ giới.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu khoa học, các loại nước trái cây tươi nếu cho thêm một chút rượu sẽ trở nên bổ dưỡng hơn, giúp gia tăng khả năng chống oxy hóa, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và viêm khớp.

Trái cây theo mùa tạo hương vị gần gũi cho cocktail

Khi thành phần trái cây tươi trong ly cocktail nhiều hơn, người pha chế cần lưu ý cách phối hợp để tạo cho ly cocktail dáng vẻ đẹp mắt và ngon miệng nhất. Những loại trái cây dễ ngả màu sau khi pha chế như chuối, táo… cần được xử lý bằng cách ngâm với nước chanh và đá trước khi pha cocktail.

Khiếm khuyết dễ vấp phải nhất là hỗn hợp bị kết tủa do các loại rượu nền có thành phần sữa hoặc trứng (như Baileys) kết hợp với các loại trái cây có vị chua. Bản thân các loại rượu nền này cũng không dễ kết hợp “ăn ý” với những loại rượu mùi khác nên người có ý định thực hiện cocktail tại nhà tốt nhất là nên dùng rượu nền thông thường như vodka, rum. Đây là hai loại rượu có khả năng kết hợp dễ dàng với nhiều thành phần tự nhiên như trái cây, sữa, cream hoặc thậm chí là các loại xi rô, nước đắng... để giả như người pha chế có sáng tạo… quá tay thì ly cocktail vẫn ổn!

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng