Thứ Năm, tháng 8 06, 2009

Độ sạch, một trong tam đức của vang ngon.

Vị ngọt, chua, chát, và độ cồn giúp bạn nhận ra các chiều kích của một loại vang. Vị là hồn riêng của vang. Nhưng nếu bạn muốn mua được vang bạn đặc biệt ưa thích, và tránh không mua nhầm vang kém phẩm chất, bạn nhất thiết phải rành tam “đức” chính của vang - ít khắt khe hơn phụ nữ bị đòi hỏi đến tứ đức. Tam đức ấy có thể thẩm định bằng mũi và miệng và đưa đến kết luận vang có phẩm chất hay không

Một loại vang được cho là sạch khi nó không có những lỗi hiển nhiên. Mũi của bạn có thể là quan toà tốt nhất cho tiêu chí này. Nếu ngay lần hít hơi đầu tiên bạn vẫn còn cảm thấy muốn uống, thì vang ấy sạch. Vào những năm 1970, khoảng một nửa vang có mùi không sạch và mắc lỗi này hay lỗi khác. Giờ đây cuộc cách mạng về kỹ thuật đã đi ngang hầu hết các hầm rượu vang trên thế giới, không đầy một phần trăm các chai vang trên thị trường quốc tế mắc lỗi sản xuất. Lỗi thường mắc nhất, nút bần, không phải do nhà làm vang; đó đơn thuần là kết quả của một nút bần nhiễm bẩn. Sau đây là những mùi khó chịu có thể tìm thấy trong một chai vang.

TCA. Đây là tên viết tắt của một hợp chất khó ngửi vô cùng – trichloroanisole, xuất phát từ các chai vang đóng nút bần nhiễm bẩn. Một chai vang như vậy bay mùi mốc meo, và thật kinh khủng. Nguyên nhân phổ biến nhất là nút bần bị gì đó trong quá trình thu hoạch và xử lý nên nhiễm bẩn. Một nút bần như thế tự thân nó không bốc mùi kinh khủng, nhưng nó làm bẩn vang dẫn đến bốc mùi khó chịu. TCA có thể tấn công bất kỳ nút bần phẩm chất đẳng cấp nào, mặc dầu một số nhà làm vang tin rằng những nhà cung cấp nút bần của mình rất lo lắng khi gặp phải một tai bay vạ gió như thế. Tai nạn ấy vào cuối những năm 1990 lên mức cao đến độ nhiều nhà sản xuất và bán lẻ xoay sang sử dụng nút nhựa, đương nhiên là có thể làm cho rượu lồng gió và lồng vi khuẩn không làm hư rượu, nhưng dứt khoát là không nhiễm TCA. Nút vặn là một giải pháp khác ngày càng thông dụng. Mùi mốc do nút bần nhiễm bẩn có thể tăng mạnh một khi chai vang được khui. Một chai vang đóng nút bần thường thiếu vị trái cây và độ hấp dẫn ở vòm họng.

TCA cũng còn tìm thấy trong các loại vang được sản xuất hoặc cất ủ gần gỗ, xà dầm hoặc pallet được xử lý bằng loại hoá chất đặc biệt. Đó là một vấn đề đối với một số vang Pháp (Château Ducru-Beaucaillou ở St. Julien và Château Canon ở St. Emilion, chẳng hạn) vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, nhưng giờ đây đã được khắc phục.

Sulfur dioxide. Mùi bốc lên ngay chóp mũi hoặc cuống họng giống diêm sinh bị cọ xát. Việc này có liên quan đến vang được xử lý sulfur ở nồng độ cao đến một mức nào đó. Sulfur dioxide là thuốc sát trùng của nhà làm vang và được sử dụng ở một mức độ nào đó đối với hầu hết các loại vang. Các loại vang ngọt và ngọt vừa với cặn đường đáng kể được xử lý sulfur dioxide nồng độ cao hơn để đường không tiếp tục lên men. Mùi này phổ biến trong các loại vang trắng rẻ tiền và trong một số vang Đức. Nó thường biến mất sau một thời gian (những nhà sản xuất vang hàng đầu của Đức thường yêu cầu bạn giữ vang của họ trong vài năm) hoặc nếu bạn lắc vang trong ly, nhưng những người hen suyễn có thể phản ứng mạnh với sulfur. May thay giờ đây những nhà làm vang đang sử dụng ít sulfur hơn trước.

Mùi trứng ung/cao su. Mùi này xuất phát từ hợp chất hydrogen sulphide viết tắt là H2S, thỉnh thoảng tìm thấy trong các loại vang đỏ được chế tạo ở các xứ khí hậu nóng không có đủ oxy. Nếu không được xử lý nó phát triển thành mùi cống thúi của hợp chất mercaptan, nhưng một ít hydrogen sulphide trong vang có thể biến mất nếu ly rượu được lắc mạnh mạnh để lấy không khí – hoặc thả một đồng bằng đồng vào trong vang. Vì đó là lỗi phổ biến của các loại vang đỏ sản xuất ở những vùng nóng của Úc, lỗ mũi Úc có vẻ như thích ứng đặc biệt với mùi mercaptan.

Brettanomyces. Đây là lỗi riêng của vang California, một thứ mùi chuột pha với mùi ngựa có thể nhận thấy trên vòm họng và là hậu quả của một loại men bia có thể có liên quan đến gỗ cũ hoặc gỗ có vết thâm kim của thùng rượu. Một vài nhà sản xuất Mỹ thậm chí còn cố khuyến khích nên chăng một chút Brett để gia thêm ít nhiều cầu kỳ của “châu Âu” vào vang đỏ.

Oxy hoá. Nhận biết mùi này đòi hỏi phải quen. Vang Sherry và Madeira cố tình oxy hoá bằng cách phơi nhiễm oxy, một điều các nhà làm vang thường cố kỵ. Oxy hoá là một lỗi trong các loại vang nhẹ làm chúng có vị thiu. Bạn có thể nhận biết vang oxy hoá vì nó chuyển màu nâu, cũng y như lát cắt trái táo bị phơi nhiễm oxygen.

Acetic/chua/bị châm. Một loại vang đi xa hơn cấp độ oxy hoá và đã bắt đầu biến thành giấm.

Bốc hơi/Volatile Acidity. Tiếng thì thào VA thỉnh thoảng vang lên trong phòng nếm khi một loại vang không ổn định hoặc bắt đầu trở nên như thế. Tất cả vang với một mùi vị bốc hơi nhanh đến mức nào đó thì được gọi là VA. Vang đỏ Bồ, Úc và Ý sản xuất ở những vùng nóng có độ VA cao hoặc còn gọi là “bốc hơi”.

Carbon dioxide. Nếu một loại vang nhìn và ngửi thấy mùi gas và đục, chắc chắn là nó đang tái lên men – mặc dầu nhiều loại vang, nhất là vang trắng và vang hồng mới của những vùng nóng, trong đó có nhiều loại White Zinfandel, được đóng chai với một ít gas để chúng có vị tươi hơn. Trong trường hợp này chúng sẽ trong vắt.

Phong lữ. Mùi phong lữ dịu là dấu hiệu cho thấy vang được xử lý acid sorbic vụng về. Đừng để mũi bạn lai vãng với các lỗi của vang. Nó để lại dấu ấn và làm bạn mất hứng khi thưởng vang.



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để mình có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng