Thứ Bảy, tháng 11 14, 2009

Mẹo pha cà phê ngon

Thường ngày bạn ngồi quán, nhấp từng giọt đắng mà không biết hương vị ấy được pha chế như thế nào. Xin mách một số bước cơ bản giúp bạn có thể tự pha một tách cà phê như ý.

Yêu cầu chung trong việc pha chế:

- Trước hết, bạn cần mua đúng loại cà phê dùng cho cách pha phin, tránh mua những sản phẩm dành cho các kiểu pha đại trà

- Nước pha càng tinh khiết, sản phẩm của bạn càng ngon.
Tốt nhất, nên dùng nước sôi 100 độ C.

- Lượng cà phê cần dùng tuỳ thuộc vào sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, lượng trung bình khoảng 29 gam cho loại đen và 17 gam đối với loại có sữa.

Các bước cơ bản:

- Đảm bảo phin và tách phải sạch và khô

- Đặt phin lên miệng tách, cho vào phin một lượng cà phê, sau đó lắc nhẹ phin đều tay, xoay theo hình xoắn ốc cho có độ chặt nhất định.

- Cho khoảng 20 ml nước sôi vào phin, đợi đến khi bột cà phê đã hấp thu hết nước, tiếp tục cho thêm 45 ml nước hoặc nhiều hơn vào. Thao tác này giúp bạn giảm thời gian pha chế.

- Đậy nắp trên miệng phin, đợi từng giọt nhỏ xuống tách.

Mỗi tách cà phê truyền thống sẽ cho khoảng 65 giọt trong thời gian 6 phút.

Cách bước chú ý khi thực hiện:

- Trước hết, bạn cần mua đúng loại cà phê dùng cho cách pha phin, tránh mua những sản phẩm dành cho các kiểu pha đại trà.

- Nước pha cà phê phải là nước đang sôi, nước sôi hơi già càng tốt.

- Bắc nước từ bếp xuống pha ngay. Không nên dùng nước sôi chứa trong bình thủy.

- Lượng cà phê cần dùng tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, lượng trung bình khoảng 29 gam cho loại đen và 17 gam đối với loại có sữa.

- Đảm bảo phin và tách phải sạch và khô.

- Đặt phin lên miệng tách, cho vào phin một lượng cà phê, sau đó lắc nhẹ phin đều tay, xoay theo hình xoắn ốc cho có độ chặt nhất định.

- Tráng phin và ly cho nóng, rồi đặt ly vào một ly nước nóng khác rồi hãy cho bột cà phê vào pha.

- Chế nước sôi vào từ từ cho đến mức mình muốn. Không nên chế nước hai lần vào phin vì cà phê sẽ nhạt mùi.

Nếu bạn chưa từng uống Espresso cũng tương đương với việc bạn chưa bước chân vào thế giới uống cà phê. Vậy bạn hãy hé mở cánh cửa để khám phá nghệ thuật của vị ngọt và đắng.

Espresso là gì?

Cái tên Espresso bắt nguồn từ nước Ý. Trong tiếng Ý, Espresso được gọi là “express”, nghĩa là cà phê có thể được phục vụ cho khách hàng ngay lập tức. Cách pha cà phê Espresso được quy định bởi bốn chữ M’s : “…Macinazione nghĩa là cách xay cà phê, Miscela là cà phê trộn, Macchina là máy pha cà phê, và Mano là bàn tay khéo léo của người thợ pha cà phê…”. Cà phê Espresso sẽ trở nên hoàn hảo nhất nếu bốn chữ “M” trên được thực hiện đúng.

Làm thế nào để pha được một tách Espresso hoàn hảo?
Pha Espresso được đánh giá là một “nghệ thuật”, và người pha cà phê Espresso có thể lấy đây làm một cơ hội để thể hiện đầy đủ tài nghệ pha cà phê của mình. Một tách Espresso hoàn hảo phải có vị ngọt đặc biệt và hương thơm hấp dẫn của cà phê mới xay. Vị của Espresso vừa đậm đà, lại vừa thanh thoát. Thêm vào đó, ít phút sau khi uống,vị thơm của cà phê vẫn lưu lại trong vòm họng.
Những tiêu chuẩn trên khá khắt khe, vậy nguyên tắc ở đây là gì vậy?
1. Trộn Espresso:
Mục đích của việc trộn cà phê Espresso là để tạo ra một loại cà phê có mùi vị đặc biệt mà không loại cà phê riêng lẻ nào có được. Những loại cà phê thường được dùng là cà phê từ Braxin, Mexico, Panama và Peru. Mỗi loại cà phê khác nhau lại cho mùi vị, độ chua, độ đậm đặc và dư vị khác nhau.
2. Rang Espresso

Hương thơm và vị ngọt là hai yếu tố quan trọng của một tách Espresso ngon. Vì vậy, mục đích của việc rang cà phê Espresso là để giữ lại hương thơm và vị ngọt, cũng như giảm tối đa vị chua và đắng. Việc này có thể được thực hiện bằng cách chọn đúng thời điểm kết thúc, thường là ở thời kì hạt nổ lần thứ nhất.

Có một chú ý: dù bạn có gặp khó khăn trong việc điều hoà độ chua của cà phê thì cũng đừng nên rang đến thời kỳ hạt nổ thứ hai. Việc này là rất quan trọng, vì rang quá lửa sẽ làm mất hương vị và đường trong hạt cà phê, những yếu tố đóng góp rất nhiều trong việc tạo nên hương vị đặc trưng cho Espresso.
3. Xay Espresso
Người ta thường dùng máy xay kiểu Burr để xay cà phê Espresso. Vì khi tiếp xúc với không khí, những hợp chất chứa hương vị của cà phê rất dễ bị mất đi, quá trình xay phải diễn ra càng nhanh càng tốt. Thời gian xay hợp lí là từ 23-28 giây. Thêm nữa, dụng cụ cũng phải được thay hàng ngày để tránh việc cà phê hút ẩm và mất nhiều thời gian xay hơn.
4. Pha Espresso
Sau khi được rang, trộn, xay, đo lượng cần thiết và nén, cà phê Espresso đã sẵn sàng để pha. Trước khi đặt bộ lọc porta lên đầu máy, hãy cho chừng 2 ounce nước qua phần đầu trước. Quá trình này được gọi là ổn định nhiệt độ. Đặt bộ lọc vào đúng chỗ, sau đó đặt một cốc thủy tinh vào dưới phần vòi của bộ lọc. Nhấn nút để bắt đầu quá trình pha đầu tiên. Quá trình này cho phép nước thấm qua đều khắp các miếng cà phê trước khi sử dụng nước nóng với áp suất cao.
Đối với 1.5 ounce Espresso, thời gian pha kéo dài từ 23-30 giây, tính từ lúc bắt đầu cho tới khi cà phê chảy ra tại miệng vòi. Cà phê chảy ra giống như dòng chảy của mật ong nóng nhỏ giọt. Hãy dừng quá trình pha khi Espresso chuyển dần sang màu nhạt. Nếu quá trình pha kéo dài quá 30 giây thì sử dụng máy xay loại lớn, còn nếu kéo dài không quá 25 giây thì sử dụng loại nhỏ. Khi nén cà phê chú ý không nên nén với những áp suất khác nhau, vì như vậy nước thấm qua sẽ không đều. Nếu điều chỉnh áp suất sai, bạn sẽ thu được kết quả không đúng mong đợi dù có điều chỉnh thời gian đúng.
Latte
Mocha
Cappuchino
Macchiato

Các loại Espresso
1. Latte: Loại Espresso được pha bằng cách cho thêm sữa, rất phổ biến ở Bắc Mỹ. Cà phê loại này bông và khá nhẹ nhàng với nhiều sữa và rất ít cà phê.
2. Mocha: Bản hoà tấu của Espresso và sôcôla đắng. Để pha cà phê loại này, đầu tiên cho sôcôla vào đáy tách, sau đó đổ Espresso lên trên. Cuối cùng là đổ thêm sữa nóng và tận hưởng tách cà phê đầy hương vị sôcôla của bạn.
3. Cappuchino: Không giống như Latte và Mocha, đây là một ví dụ tuyệt vời về một tách cà phê “cân bằng về mọi thứ”. Một phần ba là Espresso, một phần ba là sữa nóng, và một phần ba là bọt sữa. Ba nhân tố này tạo ra một tách Espresso “lộng lẫy”, trang điểm bởi một vòng tròn kem sôcôla ở rìa tách. Đây là loại Espresso tuyệt vời mà ai cũng dễ dàng yêu thích.
4. Macchiato: Một tách cà phê pha từ Espresso và sữa nóng với bọt sữa ở trên cùng.

Pha cà phê nghệ thuật là cách rót sữa vào cà phê trong tách để tạo nên những hình dạng thú vị. Bạn hãy thử cảm giác của một nghệ nhân thực thụ nhé.
Và một khi đã biết về nghệ thuật pha cà phê, bạn có thể thấy chỉ uống Espresso không là không đủ…Đây cũng chính là cơ hội tuyệt vời để những người pha cà phê giỏi có thể chứng tỏ kỹ thuật, kinh nghiệm và biểu diễn như một nghệ sĩ.
Tạo bọt sữa – Làm cách nào để tạo ra bọt sữa hoàn hảo nhất?

Để pha cà phê nghệ thuật, trước hết chúng ta cần chuẩn bị sữa. Sữa được đun trong máy pha Espresso để tạo nên hỗn hợp sữa nóng và bọt sữa. Bọt sữa rất quan trọng trong việc pha cà phê nghệ thuật, tuy nhiên bạn cũng không thể pha được gì nếu có quá nhiều bọt. Khi pha Cappuchino bạn cần rất nhiều bọt sữa nhưng chỉ cần rất ít khi pha latte. “Bọt sữa chuẩn”, cái mà những người pha cà phê chuyên nghiệp mong đợi khi tạo bọt cà phê, là những bọt sữa quyến rũ có kích thước nhỏ li ti. Tuy nhiên ranh giới giữa việc tạo ra hai loại bọt này lại rất mong manh. Điều tạo nên sự khác biệt chính là kĩ thuật pha cà phê mà các bạn sẽ được chiêm ngưỡng sau đây:
1. Hãy bắt đầu với sữa tươi lạnh và bình đựng sữa cũng lạnh. Phải làm vậy bởi sữa lạnh dễ hoà trộn với không khí và tạo nên bọt (sữa không béo cũng có khả năng tương tự). Sau đó kiểm tra xem dụng cụ tạo bọt đã sạch và khô chưa, chờ đèn báo của máy, và chúng ta bắt đầu!

2. Nhúng dụng cụ tạo bọt vào dưới mặt thoáng của sữa một chút. Ở giai đoạn này, sữa vừa được đun và vừa được tạo bọt. Và đây là cái mà bạn nên để ý: bạn có hai lựa chọn:
- Cách 1 - chẳng làm gì cả, cứ để sữa đó cho dụng cụ tạo bọt xoay sở mọi việc, và bạn sẽ thu được một những bọt sữa khổng lồ, giống như bọt mà bạn hay nhìn thấy khi rửa bát!

- Cách 2 – bạn hãy làm như sau: dụng cụ tạo bọt có một lỗ hấp thụ không khí ở thành của nó. Chỉnh sao cho mặt thoáng của sữa trong bình trùng với lỗ không khí này. Giữ nguyên bình sữa để máy tiến hành đun và tạo bọt. Thể tích sữa sẽ nhanh chóng tăng lên, và lúc đó hãy hạ thấp bình xuống (chỉ một ít thôi). Hãy nhớ rằng mọi cử động đột ngột của bạn lúc này đều có thể tạo nên những bọt sữa cỡ bự ngoài ý muốn.

3. Khi sữa âm ấm khoảng 50 độ C, hãy nhúng chìm hẳn dụng cụ tạo bọt xuống đáy bình một cách cẩn thận và nhẹ nhàng, sau đó lắc bình sao cho sữa được khuấy lên ngược chiều kim đồng hồ.

Khi sữa đạt tới nhiệt độ khoảng 70 độ C, quá trình đun và tạo bọt sữa kết thúc. Hãy khuấy sữa để loại bỏ những bọt sữa cỡ to. Bây giờ hãy chuẩn bị cà phê Espresso ngay đi, và bạn đã sẵn sàng để pha cà phê nghệ thuật với những bọt sữa tí hon!

Pha cà phê nghệ thuật – Hãy biến mình trở thành nghệ nhân pha cà phê thực thụ!

Nào, hãy nhìn vào những gì bạn có: một tách Espresso tuyệt vời, một bình chứa đầy bọt sữa nhỏ một cách hoàn hảo, và một cốc rộng miệng (để có thể nhìn thấy tác phẩm nghệ thuật rõ hơn). Mọi thứ đều đã sẵn sàng, chỉ còn chờ bạn rót sữa vào. Hãy bắt đầu!

Cầm bình cà phê hơi nghiêng một chút, dựa bình vào thành cốc. Sau đó đổ sữa nóng vào bọt sữa vào chính giữa cốc. Hãy đổ càng cẩn thận và chậm rãi càng tốt.
Vì sữa trong bình càng lúc càng ít, bạn phải nâng dần bình lên để đảm bảo sữa chảy đều. Khi cốc đã gần đầy, bắt đầu lắc bình sữa qua lại một cách chậm rãi, trong khi đó vẫn tiếp tục rót sữa. Ở giai đoạn này bạn phải thật chậm rãi và kiên nhẫn, vì chuyển động lắc qua lắc lại này vô cùng nhàm tẻ.
Cũng ở giai đoạn này, lá của cây Rosetta bắt đầu hình thành. Sau khi lắc vài lần nữa, bạn cần cho bình sữa tiến gần về phía mình, và cuối cùng hoàn thành hình cái cây bằng cách rót sữa vào phần giữa của hai hàng lá.
Tách cà phê nghệ thuật của bạn đã sẵn sàng để thưởng thức rồi đấy!





Thứ Hai, tháng 10 12, 2009

Uống nước buổi sáng thế nào thì tốt?


Một ly nước vào buổi sáng không chỉ giúp tinh thần bạn sảng khoái mà còn rất tốt cho sức khỏe. Nhưng nên uống nước gì? uống như thế nào thì có lợi cho cơ thể? Dưới đây là một số gợi ý cho bạn.
Uống nước gì?
Các nhà khoa học khuyên nên uống một ly nước khoáng vào buổi sáng. Vì nước khoáng là nguồn nước chưa qua xử lý, được lấy từ các mạch đá ngầm trong tự nhiên nên rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, canxi và magie trong nước khoáng còn giúp cơ thể ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Nhiều người cho rằng, uống nước muối pha loãng vào buổi sáng là “liều thuốc hữu hiệu” giúp cơ thể tránh được cảm giác mệt mỏi trong cả ngày.
Thực ra đây là cách suy nghĩ không đúng. Vì theo các nghiên cứu khoa học, ban đêm khi ngủ, các hoạt động của cơ thể như: hô hấp, trao đổi chất, đổ mồ hôi… vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn diễn ra với mức độ rất mạnh mẽ.
Vì thế, sáng sớm khi tỉnh dậy, cơ thể bị mất khá nhiều nước, nên cần được bổ sung nước ngay. Nước muối không những không giúp bổ sung nước, mà còn khiến cơ thể càng cảm thấy khát hơn. Thêm vào đó, buổi sáng là thời điểm huyết áp cao nhất trong ngày, nên uống nước muối vào buổi sáng có thể khiến huyết áp tăng cao quá mức, rất nguy hiểm cho cơ thể.
Các loại nước ép hoa quả, nước có ga, cà phê đều không nên uống vào buổi sáng. Vì các loại nước này đều có chứa các chất khiến cho quá trình đào thải canxi trong máu diễn ra nhanh hơn. Thường xuyên uống các loại nước kể trên vào buổi sáng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị thiếu canxi.

Nhiệt độ nước như thế nào?

Nhiều người có thói quen uống nước lạnh vào buổi sáng để tinh thần họ được sảng khoái hơn. Nhưng bạn có biết, sau một đêm dạ dày của chúng ta đã trở thành “chiếc thùng rỗng”. Nếu uống nước quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể ảnh hưởng xấu đến thành dạ dày, tăng nguy cơ loét thành dạ dày.
Vì vậy, uống một ly nước khoáng ấm, với nhiệt độ trong khoảng 20 - 25oC không chỉ thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, mà còn có thể giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên uống nước ấm vào buổi sáng có khả năng làm việc, độ tập trung cũng như hệ miễn dịch tốt hơn so với người bình thường.
Ảnh minh họa.

Uống bao nhiêu?

Bao nhiêu là đủ cho một ly nước vào buổi sáng? Nếu như mỗi ngày bạn cần uống từ 7 - 8 cốc nước (tương đương 2 lít nước/1 ngày), thì mỗi buổi sáng, bạn nên bổ sung 300ml nước để giúp cơ thể duy trì sức khỏe trong một ngày. Lượng nước này có thể tăng hoặc giảm, tùy theo khối lượng vận động của cơ thể và nhiệt độ thời tiết.

Uống như thế nào?

Tốt nhất là nên uống nước khi trong bụng chưa có gì. Vì uống nước sau khi ăn không thể giúp bạn tăng khả năng tuần hoàn máu. Khi uống nước cũng nên uống thành từng ngụm nhỏ và không nên uống quá nhanh. Việc uống nước quá nhanh sẽ khiến cơ thể khó hấp thụ và dễ khiến bạn bị sặc nước.
Technorati Tags:

Thứ Tư, tháng 9 16, 2009

Cách bảo quản rượu đã khui


Một khi nút bần bị kéo ra khỏi chai có nghĩa là rượu đã tiếp xúc với không khí, nếu không biết cách bảo quản thì rượu rất dễ bị hỏng.

Thế nhưng bảo quản như thế nào và bảo quản trong bao lâu để rượu đã khui vẫn giữ được mùi vị thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là những cách giúp bảo quản rượu đã khui được tươi ngon.

Bảo quản bằng tủ lạnh

Cũng như các thực phẩm khác, rượu có thể bảo quản bằng cách để trong tủ lạnh, trong điều kiện nhiệt độ thấp những phản ứng hoá học diễn ra chậm hơn làm cho quá trình ôxy hoá cũng chậm theo. Giảm nhiệt độ rượu cũng là cách ngăn chặn tác động của những vi khuẩn lên men làm chua rượu. Chính vì thế nên để rượu đã khui vào trong tủ lạnh là một trong những bước quan trọng để giữ rượu được ngon cho những lần uống tiếp theo.

Ngoài ra còn có nhiều cách khác bảo quản rượu bằng cách làm giảm tác động của oxy một cách trực tiếp.

Rót bớt rượu sang chai khác nhỏ hơn rồi đem bảo quản trong tủ lạnh

Theo kinh nghiệm của những người uống rượu vang thường xuyên thì một lần uống vừa miệng và không hại cho gan chỉ hết ½ chai 750ml là nhiều nhất. Cho nên trước khi uống nên chắt một nửa chai rượu 750ml sang chai 375ml đóng nút bần lại rồi cho chai nhỏ vào tủ lạnh trước khi uống. Bởi vì thực tế cho thấy làm như vậy lượng không khí giữa bề mặt rượu và nút bần rất nhỏ.



Thứ Ba, tháng 9 08, 2009

Cocktail kiểu Việt




Khách trong nước chưa có thói quen thưởng thức cocktail, ngoại trừ những người thường lui tới các quán bar, nhà hàng hoặc Việt kiều sinh sống ở nước ngoài do cocktail thường chỉ có mặt trong các bar rượu với mức giá khá đắt. Còn một lý do khác là dường như những công thức cocktail cổ điển có vẻ không “thân thiện” với khách Việt.

Có thể xem cocktail là một loại thức uống “lưỡng tính”, bởi nó vừa có sự mạnh mẽ, nồng đậm của rượu, lại vừa ngọt ngào, chan hòa hương thơm và hương vị của cây cỏ, hoa trái.

Từng có không ít người khi đến quán bar đã tò mò thử gọi cocktail để thưởng thức, nhưng thường không uống hết ly và lời nhận xét kèm theo là cocktail quá nặng hoặc khó uống (dù khi kiểm tra lại, các nhân viên pha chế rượu đã làm theo đúng công thức). Do vậy, làm cho cocktail thật dân dã và gần gũi với người Việt cũng là điều khiến không ít người pha chế đau đầu.

Tạo rượu nền và rượu mùi hương Việt

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có công ty nào sản xuất rượu nền và rượu mùi bằng nguyên liệu trong nước, nên việc pha chế cocktail chủ yếu vẫn từ rượu nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, cách “Việt hóa” đầu tiên là có thể dùng rượu nhập (rum, vodka, whisky,…) để ngâm những nguyên liệu quen thuộc như trái cây, rau mùi hoặc thảo dược trong nước. Cách này gọi theo kiểu nôm na trong dân gian là “ngâm rượu thuốc” để có thể tạo nên những loại rượu nền thuần túy của Việt Nam dùng pha chế cocktail.

Cách đây không lâu, những người pha chế rượu đã giới thiệu cho nhau một công thức mới trên mạng Internet mang tên Hương Việt, mà thành phần gồm có chanh dây, nước ổi xá lị cùng rượu nền là rượu Nếp Mới và mật sim rừng - một đặc sản của đảo Phú Quốc. Có thể xem đây là một loại cocktail đặc trưng hương vị Việt với màu nâu đỏ óng ánh như phù sa và vị chua ngọt đậm đà, mùi rượu thơm nhưng không quá nặng.

Bên cạnh mật sim rừng, một số loại rượu ngâm khác cũng có thể sử dụng trong pha chế cocktail là rượu mơ, rượu xơ ri… Tuy nhiên, thông thường cocktail rượu ngoại có màu bền và tạo được sự giao thoa màu với các loại nguyên liệu khá nên sau khi pha chế, màu rượu tách thành từng lớp, mỗi lớp có một vị khác nhau.

Cocktail rượu Việt có một yếu điểm là mùi và màu rất dễ bị trộn lẫn. Để khắc phục điểm này, những người pha chế dùng nhiều nước trái cây tươi như dứa, chanh dây… vừa tạo màu sắc đẹp, vừa cho ra mùi thơm nồng ấn tượng cho thức uống.

“Thuần Việt” bằng cây trái

Món cocktail “hương quyến rũ” chế biến từ mít tố nữ

Thông thường, để những người chưa từng tiếp xúc nhiều với cocktail quen dần với độ rượu mạnh, chỉ cần tuân theo nguyên tắc đơn giản là giảm độ rượu và tăng độ tươi của hoa trái. Ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam không hiếm những loại trái cây ngon theo mùa, thường rộ lên trong vài tháng.

Dựa vào đặc điểm này, ly cocktail cũng có thể được biến đổi theo mùa, mang những hương sắc, mùi vị đặc trưng, mà cách thực hiện lại đơn giản và ít tốn thời gian ngâm tẩm. Điển hình như trái thanh trà thường rộ mùa từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, trái nhỏ vàng tươi, căng mọng, mùi thơm sảng khoái và vị chua thanh khiết rất hợp để chế biến cocktail.

Cũng có thể tạo nên những ly cocktail mang hương vị nhiệt đới đầy hấp dẫn từ mãng cầu xiêm, dâu tằm, khế và cả mít tố nữ. Công thức thực hiện khá đơn giản: nước cam hòa cùng rượu rum, rượu mùi hương chuối, vài múi mít tố nữ rồi cho vào máy sinh tố xay nhuyễn với đá. Hương thơm nồng nàn và vị ngọt của loại trái cây này khiến ly cocktail trở nên gần gũi với người Việt hơn, đặc biệt là nữ giới.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu khoa học, các loại nước trái cây tươi nếu cho thêm một chút rượu sẽ trở nên bổ dưỡng hơn, giúp gia tăng khả năng chống oxy hóa, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và viêm khớp.

Trái cây theo mùa tạo hương vị gần gũi cho cocktail

Khi thành phần trái cây tươi trong ly cocktail nhiều hơn, người pha chế cần lưu ý cách phối hợp để tạo cho ly cocktail dáng vẻ đẹp mắt và ngon miệng nhất. Những loại trái cây dễ ngả màu sau khi pha chế như chuối, táo… cần được xử lý bằng cách ngâm với nước chanh và đá trước khi pha cocktail.

Khiếm khuyết dễ vấp phải nhất là hỗn hợp bị kết tủa do các loại rượu nền có thành phần sữa hoặc trứng (như Baileys) kết hợp với các loại trái cây có vị chua. Bản thân các loại rượu nền này cũng không dễ kết hợp “ăn ý” với những loại rượu mùi khác nên người có ý định thực hiện cocktail tại nhà tốt nhất là nên dùng rượu nền thông thường như vodka, rum. Đây là hai loại rượu có khả năng kết hợp dễ dàng với nhiều thành phần tự nhiên như trái cây, sữa, cream hoặc thậm chí là các loại xi rô, nước đắng... để giả như người pha chế có sáng tạo… quá tay thì ly cocktail vẫn ổn!



Cocktail party

Cocktail party đang là một hình thức tiệc được nhiều ưa chuộng vì tính gọn nhẹ, đơn giản nhưng không kém phần sang trọng. Bên cạnh đó, cocktail party còn tạo nên một không khí trò chuyện thoải mái, thân mật, ấm cúng cho thực khách.

Nguồn gốc của từ cocktail.

Ở Mỹ, có một câu chuyện rất hay giải thích cho sự ra đời của cocktail như sau: Ngày xưa có ông chủ quán nọ, bán rượu ngon, vui tính, lại có thêm sở thích rất lạ: nuôi gà. Quán ông đông khách lắm. Những người tới đây ngoài uống rượu, còn muốn ngắm nhìn cô con gái xinh đẹp của ông chủ quán nữa.

Một hôm chủ quán mất một con gà trống mà ông cưng nhất. Tìm mãi không thấy, ông liền viết bảng đặt trước quán “ Ai tìm được con gà trống sẽ gả con gái cho”. Vài hôm sau có người mang gà tới, điều ông chủ quán buồn nhất là người tìm ra con gà lại là anh chàng ngày nào cũng tới quán ông nhậu nhẹt say xỉn. Nhưng vì đã viết lời hứa ra giấy và nhiều người đã biết nên ông đành phải gả con gái cho anh ta.

Hôm tổ chức đám cưới, vì thương con nên còn bao nhiêu rượu ông mang ra uống hết. Trong lúc say, mọi người chúc tụng, rượu rót vung vãi trộn lẫn nhau tạo thành hỗn hợp rượu rất lạ, ai cũng muốn uống nhiều hơn. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tất cả đều hỏi nhau hôm qua đươc tiếp loại rượu gì mà ngon thế. Thế nhưng không ai biết, họ chỉ nhớ trong ly rượu có một cái lông gà. Và người ta nghĩ ra cái tên đặt cho hương rượu mới đó là cocktail, Cock là con gà trống còn tail là cái đuôi.

Từ cocktail đến cocktail party

Cocktaik đã trở thành một loại thức uống phổ biến trong đời sống, phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau. Từ loại thức uống pha trộn được ưa chuộng này mà ra đời cocktail party. Ở Việt Nam, cocktail party là hình thức tiệc đứng, với số lượng khách đông, có thể tổ chức trong nhà, sân vườn hoặc các khách sạn.

Cocktail party là loại tiệc đơn giản, thân mật, uống nhiều hơn ăn. Thức ăn chủ yếu là đồ nguội, được cắt thành miếng vừa vặn, có thể ăn không cần dao, muỗng, nĩa. Đặc biệt món ăn truyền thống của hình thức tiệc này là Canape’s: bánh mì có phết bơ, kèm xúc xích. Nước uống chủ yếu là bia và nước giải khát, đôi khi có rượu mạnh pha sô đa và một số loại cocktail theo yêu cầu. Ở những tiệc sang trọng thì có thêm champagne. Cocktail party thường kéo dài tối đa không quá 2 tiếng đồng hồ.

Hiện nay trên địa bàn TP. HCM rất nhiều khách sạn có tổ chức loại hình tiệc này như Rex hotel, Majestic hotel, Sheraton hotel … với thực đơn sẵn có như gỏi cuốn, chả giò, thịt xông khói, xúc xích, càng cua bao thịt, các loại hạt điều… Nước uống thường được dọn tùy theo nhu cầu của chủ tiệc, nhưng về cơ bản vẫn là vang, bia, cocktail nhẹ… Giá cho mỗi thực khách từ 15USD – 25USD/ người.




Thứ Hai, tháng 9 07, 2009

Quốc lủi chẳng còn phải lủi

Hai rang, hai luộc, một lòng / Mấy bát chuối nấu để vòng xung quanh / Lại thêm một đĩa dưa hành / Một chai "quốc lủi" là thành cỗ to... Đấy là bài vè dân gian ở vùng Ý Yên, Nam Định mà nhiều lần về quê tôi đã thuộc.

Có lẽ không chỉ riêng Nam Định mà ở rất nhiều vùng nông thôn ta (nhất là miền Bắc), mâm cao cỗ đầy đến mấy mà lại thiếu chai "quốc lủi" đùng đục, nút lá chuối thì chưa được gọi là cỗ quê chính hiệu. Trong lúc vui vẻ, nhiều người đã hỏi tôi về ngữ nghĩa của từ "quốc lủi" có xuất xứ có từ bao giờ. Quả là một vấn đề thú vị cũng đáng phải bàn.

Quốc lủi, một từ ghép "cọc cạch" với hai yếu tố Hán - Việt (quốc) và thuần Việt (lủi). Trong "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học - NXB Đà Nẵng, 2007) đã thống kê tới 58 từ bắt đầu bằng chữ "quốc" này. Và khi lần tìm các cuốn từ điển tiếng Việt từ cổ chí kim, tôi cũng chỉ mới thấy có cuốn này chấp nhận đưa quốc lủi thành một từ riêng biệt, với định nghĩa: "rượu gạo nấu bằng phương pháp thủ công, có màu trong suốt, nồng độ cao".

Cứ theo cách hiểu này thì mọi thứ rượu tự nấu ở nông thôn, từ loại vô danh tới loại có thương hiệu (như Làng Vân (Bắc Ninh), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Bàu Đá (Bình Định),...) đều thuộc dòng "quốc lủi" kia cả. Quốc lủi còn theo chân du khách đi khắp thế giới nữa. Rất nhiều sinh viên nước ngoài học tiếng Việt, đều biết và biết rất rõ từ quốc lủi (giống như họ hiểu rõ các từ cơm bụi, quán cóc, mộc tồn,...).

Đây là một từ do dân gian tự tạo hoàn toàn mang tính khẩu ngữ, không tuân thủ theo nguyên tắc cấu tạo từ Hán - Việt thông thường, có nghĩa là các yếu tố ghép với nhau phải đều là Hán - Việt (như quốc ca, quốc huy, quốc ngữ, quốc phòng, quốc sách,...). Lủi là từ thuần Việt, thường dùng để chỉ hành động của loài vật nào đó "chui luồn vào chỗ rậm, chỗ khuất để trốn". Đến đây thì ta có thể nhận ra bóng dáng của nhân tố lịch sử trong việc xuất hiện tổ hợp từ này.

Bởi cũng theo "Từ điển tiếng Việt" (vừa dẫn), thì từ quốc lủi được chua thêm một đoạn với nghĩa xuất xứ: "thời Pháp thuộc thường phải nấu lậu". Như vậy, việc tự tiện nấu rượu ngày xưa được coi là "quốc cấm". Ai nấu hoặc buôn bán rượu này đều coi là phạm pháp.

Trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, ta từng gặp cảnh quan ta và quan Tây đi bắt rượu lậu. Nhưng người ta vẫn bí mật "nấu chui nấu lủi" để qua mặt nhà chức trách. Tôi không rõ là từ quốc lủi này có đúng là đã xuất hiện từ thời Pháp thuộc hay không nhưng rõ ràng, nó được sử dụng khá phổ biến vào những năm thuộc thập niên 60-70 của thế kỷ trước (và bây giờ thì lan ra khắp cả nước).

Lúc đó, trong thời chiến tranh, thóc cao gạo kém, Nhà nước cũng cấm việc nấu rượu tràn lan, để tiết kiệm lương thực và giữ gìn an toàn thực phẩm. Nhưng rồi, rượu ngang nấu chui vẫn ngang nhiên tồn tại và lưu hành không chính thức ngoài luồng. Có lẽ đây là căn cứ để dân gian đặt ra từ "quốc lủi". Đầu tiên cũng chỉ là một lối nói mang tính đàm tiếu, vui vẻ. Thế rồi, quen miệng và cũng vì từ này nghe lạ tai, ngồ ngộ nên nó mau chóng đi vào giao tiếp cộng đồng và xuất hiện khá nhiều trên báo chí.

Về chính tả, hiện tại có hai cách viết: quốc lủicuốc lủi. Đây lại là một sự "chuyển di" kế tiếp. Bởi quốc và cuốc đọc đồng âm song lại có nghĩa khác nhau. Một bên là thành tố chỉ "nước" (quốc gia), bên kia là một loại "chim nhỏ, hơi giống gà, sống ở bờ bụi gần nước" (lủi như cuốc). Điều thú vị là, do hành vi "lủi" đi với "(con) cuốc" lại phù hợp về ngữ nghĩa hơn nên khi phát âm, người ta dễ liên tưởng và cũng cảm thấy hay hơn. Và chẳng bao lâu, anh "quốc" chỉ giang sơn bờ cõi phải nhường chỗ cho anh "cuốc" chỉ chuyên chui lủi nơi bờ tre, gốc dứa...

Ngày nay, lương thực dồi dào, kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường và sự quản lý pháp luật tốt hơn, việc nấu rượu theo cách tự phát, thủ công không còn bị cấm đoán ngặt nghèo, nên món rượu quê có cơ hội phát triển, mở rộng. Về quê đi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp "đặc sản" cao gạo này. Không còn cảnh nấu vụng uống trộm, nhưng việc định danh quốc lủi kia đã thành thói quen khó bỏ. Âu cũng là một "di chứng" của một thuở để lại trong lịch sử từ vựng tiếng Việt.



Chai whisky lớn nhất thế giới

Cao 1,5 mét và chứa được 105.3 lít rượu là hành tích của chai whisky mới được công bố.

Ông Dru McPherson và Mike Drury đã làm nên chai whisky lớn nhất thế giới và thành phần rượu để chứa trong chai được lấy từ làng Tomintoul, Banffshire khi họ phát hiện ra làng mạch nha này trên bản đồ.

Chai rượu khổng lồ cao 1,5 mét và chứa được 105.3 lít rượu được chế biến từ mạch nha có tuổi thọ lên đến 14 năm.

Chai rượu whisky lớn nhất thế giới, Phi thường - kỳ quặc, Kỷ lục, whisky, Guinness, khổng lồ, mạch nha

Chai whisky được trưng bày ở nhà hàng Clockhouse.

Một nghệ nhân thuỷ tinh người Đức đã tạo ra chiếc chai khổng lồ này. Ông đã chế tạo vỏ chai dày 7mm và có một chiếc nút to phù hợp với miệng chai.

Chai rượu khổng lồ được trưng bày tại nhà hàng Clockhouse của ông Dru, sau đó số rượu sẽ được bán bình thường cho các thực khách.

Ông Dru, 47tuổi cho biết: "Đây là “tác phẩm” lớn nhất mà tôi đã từng thấy về một chai rượu. Điều khó khăn nhất là khi bạn phải mở nút chai và nghe tiếng động kinh khủng khi nút chai được mở ra. Tuy nhiên, đây vẫn là một chai rượu hết sức tuyệt vời”.

Ông Dru đang làm những thủ tục để ghi lại thành tích này và công bố rộng rãi đến công chúng. Ông cũng hy vọng chai rượu sẽ được ghi danh trong sách Kỷ lục Guinness thế giới.



Thứ Bảy, tháng 9 05, 2009

Rượu thuốc:Kỳ 2: Cá ngựa

Kỳ 2: Cá ngựa - Cho niềm vui trọn vẹn

Cá ngựa, một loại thủy sinh đặc biệt?

Cá ngựa.
Cá ngựa, còn gọi là hải mã, thủy mã, hải long, với tên khoa học Hippocampus sp, họ hải long Syngnathidae. Cá ngựa có nhiều loài: cá ngựa lớn còn gọi đại hải mã Hippocampus kuda Bleeker, cá ngựa gai H. histrix Kaup, cá ngựa trắng H. kelloggi Jordan et Snyder, cá ngựa chấm, còn gọi tam ban hải mã H. trimaculatus Leach, cá ngựa bụng lớn H. abdominalis, cá ngựa Nhật H. japonicus Kaup... Cá ngựa chỉ dài khoảng 15-20cm, đôi khi tới 30cm. Cá ngựa thường sống ở các vùng ven biển, gần bờ, nơi có hàm lượng muối cao và nước trong, ở hầu hết các vùng biển nước ta: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang... Có thể coi cá ngựa là một loại thủy sinh đặc biệt với các lý do ít gặp ở các động vật khác, đặc biệt hơn nữa nó lại là sinh vật sống dưới nước. Trước hết về hình dáng cấu tạo đặc biệt của nó: là cá mà đầu lại giống như đầu con ngựa, nằm ngang hoặc vuông góc với thân; là cá mà lại không có vây, không có đuôi như đuôi cá, mà đuôi lại thon dần và uốn cong về phía trước; là cá mà lại có đôi mắt rất cao, có thể quan sát con mồi, mà không cần di chuyển; là cá mà khi bơi hầu như lại như đứng thẳng, đúng hơn là hơi nghiêng. Đặc biệt hơn nữa, cá ngựa đực là một loại động vật rất “thương vợ”, nhưng lại “chẳng quý con”, chẳng vậy mà cá ngựa đực đã là động vật duy nhất tự nguyện “mang thai thay vợ” trong bụng mình, nhưng rồi sau khi sinh, cũng sẵn sàng “chén luôn” những đứa con mà chính mình mang nặng đẻ đau trong suốt thời gian 2-3 tuần. Nói như thế không có nghĩa là “chê” cá ngựa cái là “lười, tranh thủ”, đã tìm cách gửi trứng vào bụng “người chồng” yêu quý của mình, mà đó cũng là “lối sống riêng” của loài cá ngựa. Tuy vậy, cả cá ngựa đực và cá ngựa cái đã đem lại niềm vui lớn cho con người, không chỉ riêng phái “mày râu”, như một số vị dược liệu khác.

Cá ngựa tăng cường sinh lực cho cả hai giới

Trong những năm gần đây, từ cá ngựa, người ta đã tìm ra các chất peptid, có tác dụng kháng lại các vi sinh vật, các protein, có tác dụng chống ôxy hóa, chống lại quá trình lão hóa, cá ngựa có các gen chống khối u, các chất có khả năng giải độc. Đặc biệt còn có một enzym sinh tổng hợp chất prostaglandin, một chất đóng vai trò điều hòa thần kinh, hormon và hệ miễn dịch. Như ta đã biết, chất prostaglandin và tiền chất của nó có khả năng kích thích tiết ra hormon oxytocin, một nội tiết tố có liên quan đến hoạt động tình dục ở cả nam và nữ giới, dĩ nhiên ở phái đẹp, tác dụng của chất này còn được nhân lên gấp nhiều lần do có sự hỗ trợ của hormon estrogen, do đó mạnh hơn nhiều lần so với chất testosteron ở nam giới. Mặt khác, từ cá ngựa, người ta còn tìm thấy chất DHA (docosahexanenoic acid), chất giúp cho việc sinh sản tinh trùng. Do đó cá ngựa đã trở thành một dược liệu quý giúp cho cả hai phái có được niềm vui trọn vẹn!

Dùng cá ngựa như thế nào để có hiệu quả cao?

Theo YHCT, cá ngựa vị ngọt, tính ấm, có công năng ôn thận tráng dương, giải độc. Dùng trong các trường hợp suy yếu sinh dục ở nam giới, như di tinh, liệt dương, dương cương kém bền, xuất tinh sớm. Hoặc với phụ nữ bị yếu sinh lý, lãnh cảm, không tự tin về hoạt động tình dục, muộn sinh con. Ngoài ra, cá ngựa còn được dùng trị đau lưng, mụn nhọt, sang lở... Gần đây còn được dùng để trị bệnh đau tim.

Đem rửa sạch cá ngựa, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, thường lấy một đôi, một con đực, một con cái. Con cái thường có kích thước lớn hơn. Cũng có thể dùng nhiều đôi như vậy. Cá ngựa có thể được dùng dạng bột hoặc ngâm rượu:

Cách chế bột cá ngựa: Đem cá ngựa khô, bẻ thành miếng nhỏ, sao vàng tới thơm. Tán bột mịn để dùng. Ngày 3 lần, mỗi lần 1-3 g. Dùng 2-3 tuần liền, trước bữa ăn.

Cách chế rượu cá ngựa: Cá ngựa tươi 100g, ngâm trong cồn dược dụng 60 - 70o, trong 3 tháng (tỷ lệ 1 phần cá ngựa, 5-8 phần cồn).

Nếu ngâm cá ngựa khô thì sau khi rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, cắt nhỏ, tán bột thô rồi tiến hành ngâm như trên, tuy nhiên độ rượu lần đầu chỉ cần 35 - 40o và thời gian ngâm giữa các lần cũng rút ngắn lại (30, 21, 15 ngày).

Các vị thuốc ba kích, đương quy, hà thủ ô đỏ, đan sâm, mỗi vị 100g; ngưu tất, dâm dương hoắc, huyết giác, mỗi vị 50g; trần bì 12g, thiên niên kiện 6g ngâm trong rượu 35 - 40o, lần đầu ngâm trong 30 ngày, lần thứ hai 21 ngày và lần ba 15 ngày. Chiết rượu ngâm cá ngựa hòa với dịch chiết thuốc ngâm của các vị thuốc trên.

Việc phối hợp giữa hai loại rượu có thể theo tỷ lệ 1:1, tức là một rượu cá ngựa, một rượu thuốc (theo thể tích), hoặc (1:2). Tùy theo khẩu vị, có thể pha thêm ít đường kính cho dễ uống. Chú ý: không nên cho tỷ lệ rượu cá ngựa quá nhiều để tránh rượu bị kết tủa. Có thể dùng rượu cá ngựa vào các buổi tối, trước khi đi ngủ, mỗi lần 30-50ml. Chị em tửu lượng kém có thể uống mỗi lần 10-20ml.

Ngoài ra có thể dùng cá ngựa dưới dạng thực phẩm, nấu cá ngựa với thịt gà ăn hàng ngày có tác dụng bổ khí huyết, bổ thận dương...

Rượu thuốc

Rượu thuốc có giúp tăng cường sinh lý?

Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc khiến nhiều người đàn ông mệt mỏi, căng thẳng. Có một nghịch lý là có nhiều người thành đạt, có vị trí trong xã hội nhưng lại yếu kém trong chuyện phòng the. Căn bệnh khó nói gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Một số người tìm đến các loại thuốc tân dược nhưng cũng có những tác dụng phụ và chống chỉ định. Một số người nghe nói đến các món ăn thuốc, rượu thuốc: tắc kè, cá ngựa... nhưng thực sự không rõ cách chế và sử dụng. Thể theo yêu cầu của ban đọc quan tâm đến loại rượu thuốc bổ thận tráng dương hòng cứu vãn tình thế. Chúng tôi giới thiệu chùm bài viết của GS.TS. Phạm Xuân Sinh - Đại học Dược Hà Nội về các phương thuốc trị yếu sinh lý để quý ông quan tâm có thể áp dụng.

Kỳ I: rượu tắc kè

Tắc kè - thuốc bổ dương

Tắc kè được Đông y xếp vào loại thuốc bổ dương. Tắc kè có vị mặn, tính ấm, quy vào các kinh phế và thận, với các công năng chính như bổ thận, tráng dương, ích tinh tủy, dùng trong các trường hợp ù tai do thận khí kém, liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, nói chung là các hoạt động sinh dục kém... do chức năng của mệnh môn hỏa suy. Tắc kè còn là loại thuốc bổ phế khí, dùng trong các bệnh hen suyễn lâu ngày, các bệnh viêm phổi, ho lao, ho ra máu, khạc ra máu mủ (trường hợp này nên dùng tắc kè dưới dạng nấu cháo, hoặc bột để ăn thì tốt hơn). Ngoài ra, tắc kè còn trị được các chứng bệnh như suy nhược thần kinh, tinh thần mệt mỏi hoặc lao động trí não căng thẳng...

Rượu tắc kè.

Cách chế rượu tắc kè

Công thức cho 4 lít rượu tắc kè gồm: tắc kè 100g, hà thủ ô đỏ 200g, ba kích 200g, nhục thung dung 100g, đảng sâm 200g, huyết giác 20g, đại hồi hoặc tiểu hồi 10g, trần bì 10g, đường trắng 200g, rượu trắng 35-40o 4 lít.

Tiến hành các bước pha chế như sau.

Trước hết, giết tắc kè, bỏ hết phủ tạng, nên nhớ phần đuôi là quý nhất của con tắc kè, dùng bông thấm cồn 70o, lau sạch máu và dùng rượu 35-40o ngâm với gừng tươi giã nát, bóp đều vào tắc kè, ủ 30 phút để khử mùi tanh. Lấy ra, để khô se rồi có thể tiến hành theo hai cách:

Ngâm rượu tắc kè tươi: Thường ngâm một đôi, một con đực, một con cái. Con đực thường có kích thước to và dài hơn. Cũng có thể ngâm nhiều đôi, tùy điều kiện. Cho tắc kè đã chuẩn bị như trên vào bình có dung tích thích hợp. Dùng rượu 60 - 70o đổ ngập tắc kè (một phần tắc kè, 5 - 8 phần rượu), ngâm 100 ngày (lần 1), chiết lấy dịch lần 1, rồi ngâm tiếp 1-2 lần nữa. Những lần sau có thể dùng rượu 35 - 40o, số ngày ngâm cũng giảm dần (60 ngày, 30 ngày). Gộp dịch ngâm của 3 lần lại để pha rượu.

Ngâm rượu tắc kè khô: Tắc kè khô đã có sẵn hoặc có thể chế biến như sau. Sau khi giết tắc kè và khử mùi như trên, dùng 2 que nứa nhỏ, căng 2 chân trước và 2 chân sau, cũng có thể căng từng cặp chéo, một chân trước với một chân sau. Dùng một thanh nứa khác có chiều dài hơn chiều dài của thân và đuôi tắc kè, xiên từ ức đến quá đuôi. Dùng giấy bản hoặc vải mềm cuốn nhẹ vào đuôi để bảo quản. Đem tắc kè xếp vào các khay nhôm, theo kiểu úp thìa và đặt vào các lò sấy, có nhiệt độ từ 60o trở lên để cho tắc kè khỏi bị ôi thiu. Sau đó nâng dần nhiệt độ, sấy tới khô hoàn toàn. Lấy ra để nguội, bảo quản trong các thùng sắt tây, cứ một lớp tắc kè lại rắc một ít quả xuyên tiêu để tránh sâu mọt phá hoại. Thỉnh thoảng phải quan sát để phát hiện sâu mọt, đặc biệt chỗ cậy đuôi tắc kè, nơi mà sâu mọt hay phá hoại nhất. Nhiều khi nhìn bên ngoài, đuôi tắc kè vẫn đẹp, vẫn căng phồng, song bên trong sâu mọt đã ăn hết phần thịt. Đem tắc kè khô chặt bỏ phần đầu, từ mắt và bốn bàn chân. Có thể để cả con hoặc chặt thành mảnh nhỏ, sao nhỏ lửa tới hơi vàng, cho có mùi thơm. Cũng có thể giã dập để có bột thô (trường hợp giã dập, thời gian ngâm rượu sẽ nhanh hơn). Sau khi đã chuẩn bị xong tắc kè, có thể tiến hành ngâm rượu như trên, chỉ cần rượu 35-40o. Đồng thời với việc ngâm rượu tắc kè, tiến hành ngâm rượu của các vị thuốc đã chế biến nói trên. Dùng rượu trắng 35-40o với tỷ lệ một phần thuốc, 5 - 8 phần rượu. Số ngày ngâm có thể ít hơn ngâm tắc kè tươi. Lần 1 ngâm 1 tháng, lần 2-3 ngâm từ 2 - 3 tuần lễ. Gộp rượu thuốc của các lần ngâm lại.

Pha chế rượu tắc kè

Sau khi đã chuẩn bị rượu của hai phần như trên, có thể tiến hành pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu tắc kè, một phần rượu thuốc), hoặc 1 : 2. Rót từ từ rượu tắc kè vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều để tránh rượu bị kết tủa. Sau cùng thêm đường trắng, quấy đều cho tan. Bổ sung rượu cho đủ 4 lít.
Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn, hoặc trước khi đi ngủ. Rượu bổ tắc kè rất tốt cho các trường hợp thận dương kém, suy yếu sinh lý, trí lực, thần kinh suy giảm.
Lưu ý: Không nên lạm dụng, uống rượu tắc kè như một thứ rượu “thực phẩm” để khai vị.

Rượu bìm bịp

Rượu bìm bịp bổ thận tráng dương

Lưu truyền về chim bìm bịp

Trong dân gian, lưu truyền câu chuyện về một cây thuốc, có tên là cây bìm bịp. Sở dĩ có cái tên giống với cái tên của một loài chim quý, có ở nước ta, nhiều nhất là ở miền đông Nam Bộ, là vì từ cây thuốc này, theo như lời chuyện kể, con chim bìm bịp đã tự lấy lá của cây thuốc đó để đắp vào chỗ xương bị gẫy, do trúng tên. Lại một câu chuyện khác của miền đông Nam Bộ, cho rằng, chim bìm bịp con, bị bẻ gẫy chân, bìm bịp mẹ đã lấy lá cây thuốc này, đắp vào chỗ xương gẫy của con. Do đó cây thuốc đã mang tên bìm bịp. Và sau này, con người đã bắt chước chim bìm bịp, lấy chính cây thuốc này làm thuốc chữa đau xương, gẫy xương. Câu chuyện kể về chim lấy cây làm thuốc thực hư như thế nào, không rõ, song trên thực tế, chim bìm bịp là có thật. Ở nước ta, chim bìm bịp, có hai loài, loài lớn Centropus sinensis intermedius Hume và loài bìm bịp nhỏ Centropus bengalensis Gmelin. Chúng đều là những loài chim định cư, thân dài, mỏ to, nhọn, đôi mắt nhỏ, màu đỏ, có đuôi dài hơn cánh. Khi còn nhỏ, thân có lông màu nâu, chấm đen, khi trưởng thành, đầu, mỏ, cổ ngực, đuôi có màu xám đen, song ngực và hai cánh, lại có lông màu đỏ. Cả hai loài, đều ưa sống ở ven sông suối, nơi có nhiều bụi cây rậm rạp. Loài bìm bịp lớn sống chủ yếu ở vùng đồng bằng, trung du, sườn núi, thường ở vùng có độ cao 600m trở xuống; còn loài nhỏ sống chủ yếu ở vùng có độ cao không quá 800m. Thức ăn của bìm bịp đa phần là động vật (ếch, cóc, nhái...), côn trùng như cào cào, mối, chuồn chuồn, và các loài thực vật, cánh hoa và cỏ dại; đặc biệt là rắn, loại thức ăn khoái khẩu của bìm bịp.

Rượu bìm bịp.

Điều chế rượu bìm bịp

Trước hết, đem bìm bịp vặt bỏ lông, mổ bỏ tạng phủ, không nên dùng nước để rửa mà lấy rượu gừng (30g gừng tươi, rửa sạch, giã nát, ngâm trong 100ml rượu 35- 40 độ) để lau sạch máu và các vết bẩn.

Để khô, rồi tiến hành ngâm rượu. Thường ngâm 2 con một bình, nếu số lượng ít. Với số lượng lớn hơn, nên làm thành nhiều đôi. Dùng rượu ngâm 3 lần. Lần đầu, dùng rượu có nồng độ 60 độ, đổ ngập, ngâm trong 3 tháng, lần 2-3, dùng rượu 35- 40 độ, ngâm trong 2 tháng, 1 tháng, gộp dịch chiết rượu của 3 lần lại. Cũng cần biết thêm rằng, do quan niệm bìm bịp ăn rắn, và có lẽ do món ăn độc đáo này mà bìm bịp có các tác dụng chữa bệnh quý như vậy, do đó nhiều khi người ta còn cho bìm bịp ăn rắn, sau 3 ngày mới giết chúng, hy vọng sẽ tăng thêm tác dụng điều trị của bìm bịp.

Bìm bịp - vị thuốc bổ thận tráng dương?

YHCT cho rằng, thịt bìm bịp có vị ngọt, mặn. Tính ấm, không độc, có tác dụng bổ huyết, bổ thận dương, tiêu ứ huyết, giảm đau, tiếp cốt. Dùng trong các trường hợp thận dương suy yếu gây chứng liệt dương, di tinh, tiết tinh sớm, còn dùng khi bị gẫy xương, giúp cho xương chóng liền, hoặc chữa đau lưng, đau nhức xương khớp, đau gối, đau dây thần kinh, các chứng hư lao, suy nhược cơ thể, da dẻ xanh xao do thiếu máu, nhất là phụ nữ sau khi sinh, suy yếu của người già.

Mặt khác để tăng thêm tác dụng bổ nội tiết, bổ sinh dục, người ta còn ngâm bìm bịp với cá ngựa, hoặc bìm bịp với cá ngựa và tắc kè, hoặc bìm bịp với rắn (1 con hổ mang, 1 con cạp nong, 1 con cạp nia, 1 con rắn ráo, 1 con hổ trâu hoặc 1 con dọc dưa). Khi ngâm rượu bìm bịp với cá ngựa và tắc kè, mỗi loại cũng dùng một đôi, một con đực, một con cái. Nếu ngâm bìm bịp với rắn, cần tính trọng lượng của các đôi bìm bịp, sao cho cân bằng với trọng lượng của cả bộ ngũ xà nói trên. Có thể cùng ngâm các loại nguyên liệu nói trên vào một bình.

Song song với việc ngâm bìm bịp, có thể tiến hành ngâm một bình rượu thuốc, gồm các vị thuốc, như hà thủ ô đỏ, ba kích, nhục thung dung, mỗi vị 200g, sâm cau, 100g, huyết giác 20g, đại hồi, hoặc tiểu hồi, trần bì, mỗi vị 10g. (Nếu ngâm với rắn thì bỏ tiểu hồi, và thay bằng 50g thiên niên kiện). Dùng rượu trắng 35-40 độ, với tỷ lệ, một phần thuốc, 5 - 8 phần rượu. Số ngày ngâm, có thể ít hơn ngâm bìm bịp. Lần 1, ngâm 1 tháng, lần 2-3, ngâm 2 - 3 tuần lễ. Gộp dịch thuốc của các lần ngâm lại. Sau đó, có thể tiến hành pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu bìm bịp, hoặc bìm bịp - tắc kè, cá ngựa, hoặc bìm bịp - rắn), một phần rượu thuốc), hoặc 1 : 2. Đem rượu bìm bịp , rót từ từ vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều, để tránh rượu bị tủa. Có thể pha thêm ít đường trắng cho dễ uống. Tùy theo khối lượng của từng loại nguyên liệu động vật, đem ngâm rượu, song lượng rượu thành phẩm có được gấp khoảng 8-10 lần về trọng lượng của nguyên liệu động vật đem ngâm. Nên dựa theo tiêu chí này để phối hợp với rượu thuốc cho phù hợp.

Rượu bìm bịp, có màu nâu thẫm, mùi thơm, vị đậm, hơi ngọt. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Không dùng rượu bìm bịp cho phụ nữ có thai. Rượu bìm bịp có nhiều công dụng tốt, đặc biệt để bổ thận dương. Tuy nhiên, để có nguyên liệu sử dụng một cách bền vững, ngay từ lúc này cũng nên có kế hoạch nuôi dưỡng bìm bịp, giống như đã thuần hóa các loại động vật khác như gà rừng, lợn rừng, nhím, rắn...

Rượu rắn có giúp tăng cường sinh lý?


Tính đa dạng của loài rắn

Rắn cạp nia.
Qua nghiên cứu các hóa thạch, người ta đã xác định được sự xuất hiện của loài rắn trên trái đất vào khoảng 100 triệu năm, cùng thời với sự tồn tại của khủng long. Cho đến nay, có tới 3.100 loài rắn đã được phát hiện trên thế giới, chúng sống hầu như ở khắp các châu lục và phân bố ở khắp các vùng miền, từ rừng rậm, núi cao, ven sông, ven biển, đồng bằng, đầm lầy..., đâu đâu cũng có rắn. Có thể nói ở đâu có con người sinh sống thì ở đó có rắn. Về hình dáng cũng rất đa dạng, có loài rắn được gọi là "khổng lồ" với chiều dài thân tới 2,7m, có đủ nọc để giết tới 15 người một lúc. Ngược lại, cũng có loài nhỏ chỉ bằng một sợi mì ống (rắn Leptotyphlops carlae). Về hình dáng và màu sắc cũng rất đa dạng, rắn hổ mang (hổ mang bành) Naja -naja hay Agkistrodon rhodostoma, phần cổ có bạnh lớn; rắn cạp nong (mai gầm) Bungarus fasciatus, thân có khoanh đen và vàng, vòng quanh cả bụng; rắn cạp nia Bungarus candidus, có khoanh vàng ngà, chỉ vòng nửa thân; rắn lục có thân màu xanh; rắn ráo có màu hơi vàng sáng; rắn dọc dưa có các sọc vàng chạy dọc thân; rắn Leptotyphlops lại có màu xám hơi nâu thẫm, có 2 sọc vàng. Khi bắt mồi, rắn thường nhả nọc độc, làm tê liệt con mồi đến chết, nhiều loại như hổ mang có thể nhắm trúng mắt con mồi để phun nọc, còn rắn Leptotyphlops thì lại không dùng nọc để bắt mồi. Cũng về vấn đề thức ăn của rắn, có quan niệm lại cho rằng rắn hổ mang chỉ ăn chính đồng loại của mình, một con rắn hổ mang lớn chỉ ăn một con hổ mang nhỏ, sau 3 tháng không cần ăn gì nữa vẫn khỏe. Và một năm, rắn hổ mang chỉ giao cấu có một lần, với thời gian kéo dài từ 20 - 30 giờ. Có lẽ với lý do này mà người ta sử dụng rượu rắn để bổ thận tráng dương.

Cách điều chế rượu rắn

Cách ghép bộ rắn để ngâm rượu

Tùy theo nguồn rắn ở từng vùng mà cách ghép bộ để ngâm rượu rắn có khác nhau. Ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung thường có cách ghép như sau:

Bộ 3: 1 con hổ mang, 1 con cạp nong, mỗi con có thể trọng khoảng 500g, 1 con rắn ráo, có thể trọng khoảng 300g.

Bộ 5: Thêm vào bộ 3 hai con rắn khác, 1 con cạp nia, 1 con hổ trâu hoặc 1 con dọc dưa, mỗi con có thể trọng khoảng 500g.

Ở Nam Bộ thường dùng bộ 3 (tam xà tửu): 1 con hổ lửa, 1 con mai gầm, 1 con hổ đất. Bộ 5 (ngũ xà tửu): thêm vào bộ 3 trên 1 con hổ bành (hổ mang) và 1 con hổ hèo (hổ trâu). Bộ 10 (thập xà tửu): từ bộ 5, thêm 5 con rắn khác: 1 con rắn lục, 1 con rắn bông súng, 1 con rắn ri cá, 1 con ri ròi, 1 con rắn bồng.

Cách chế biến rắn:

Trước khi chế biến rắn, không để nọc rắn gây nguy hiểm đến tính mạng của người trực tiếp chế biến và người sử dụng, không để mất mật rắn và phải hạn chế tối đa mùi tanh.

Trước hết, chọn 3 con của các loại rắn khỏe mạnh, còn mật (theo cách ghép bộ 3 của miền Bắc), vì mật rắn có ý nghĩa rất lớn trong rượu. Nhiều khi người ta đã chích lấy mật trước, vì mỗi loại rắn có vị trí túi mật tương đối ổn định so với chiều dài thân, do đó cần lưu ý vấn đề này. Rắn được mổ bỏ hết phủ tạng, mật rắn lấy riêng ngâm vào một lọ chứa ít rượu 35 - 40%. Dùng rượu rửa sạch máu rắn, sau đó ngâm rắn vào hỗn dịch gừng tươi và rượu để khử mùi tanh (500g gừng tươi, rửa sạch, giã nát, thêm 0,5 lít rượu 35 - 40%), ngâm trong 30 phút. Lấy rắn ra, để khô se là có thể tiến hành ngâm rượu được.

Rượu rắn.
Ngâm rắn tươi

Cho rắn đã xử lý vào một lọ thủy tinh có dung tích thích hợp. Đổ ngập rượu 60-70%. Đậy kín lọ. Ngâm trong 3 tháng. Có thể hạ thổ để giữ cho nhiệt độ ngâm ổn định. Sau khi chiết rượu ngâm lần 1, có thể tiếp tục ngâm lần 2-3. Những lần sau chỉ cần rượu có nồng độ 35 - 40o, và thời gian ngâm cũng ít hơn, thường là 30 - 20 ngày. Có nơi tiến hành ngâm rượu rắn tới hàng năm. Gộp dịch ngâm của 3 lần lại để pha rượu.

Ngâm rắn khô

Rắn đã được chế như trên, bỏ phần đầu, nơi có hai túi nọc độc, chặt thành từng khúc dài 5-7cm, có thể tẩm thêm dịch gừng tươi, để cho se, rồi nướng trên bếp than qua một vỉ sắt cho tới màu vàng và mùi thơm. Cũng có thể sấy trong tủ sấy ở nhiệt độ khoảng trên 70oC tới khô. Cho rắn đã khô vào bình thủy tinh có dung tích thích hợp, đổ rượu 35 - 40o ngập rắn. Ngâm lần đầu 30 ngày, sau đó tiếp tục ngâm lần 2-3. Những lần sau thời gian ngâm ngắn hơn, thường là 20 - 15 ngày. Cũng có thể sau khi có rắn khô, đem giã thành bột thô, cho vào túi vải, rồi ngâm như trên.

Đồng thời với việc ngâm rượu rắn, tiến hành ngâm rượu các vị thuốc đã được chế biến: hà thủ ô đỏ, ngũ gia bì hương, thiên niên kiện, mỗi vị 80g; cẩu tích 50g; kê huyết đằng 120g; tiểu hồi, trần bì, mỗi vị 30g. Dùng rượu 35 - 40% với tỷ lệ một phần thuốc, 5 - 8 phần rượu. Số ngày ngâm có thể ít hơn ngâm rắn. Lần 1 ngâm 30 ngày, lần 2-3 ngâm từ 20 - 15 ngày. Gộp rượu thuốc của các lần ngâm lại để pha chế với rượu rắn.

Sau khi đã chuẩn bị rượu của hai phần như trên, pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu rắn, một phần rượu thuốc), hoặc 1 : 2. Đem rượu rắn rót từ từ vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều để tránh rượu bị kết tủa. Đồng thời, đem rượu các mật rắn đã được ngâm riêng từ khi chế biến trộn đều với rượu thành phẩm. Thêm 500g đường trắng, quấy đều cho tan. Thêm rượu có nồng độ 35 - 40o cho đủ 10 lít rượu thành phẩm. Rượu rắn có màu nâu thẫm, mùi thơm vị đậm hơi ngọt. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Không dùng rượu rắn cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên, không nên lạm dụng uống rượu rắn như một thứ rượu thực phẩm khác.

Rắn theo quan điểm của YHCT

Theo YHCT thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn, quy kinh can, có tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc. Mật rắn có vị ngọt, cay, không đắng như các loại mật khác, có tác dụng giảm đau, giảm ho, chống viêm, thường được dùng chung với thịt rắn trong rượu rắn. Rượu rắn rất tốt cho các trường hợp thận dương kém, đau xương khớp, đau dây thần kinh ngoại biên, suy yếu sinh lý, liệt dương, tiết tinh sớm, trí lực, thần kinh suy giảm.

Đệ nhất tửu Trường Sơn

“Đệ nhất tửu Trường Sơn” là rượu tr’đin, được khai thác từ cây cây tr’đin, còn gọi là cây đủng đỉnh núi.


Mùa xuân, mùa hè người Cơ tu uống rượu t’vạt, mùa thu mùa đông người Cơ tu uống rượu tr’đin.

Hũ rượu trên cây cao

Bên cạnh các loại rượu ngâm rượu nấu, người Cơ tu sinh sống trên dãy Trường Sơn còn có đặc sản rượu rừng lấy trực tiếp từ các loại cây tự nhiên, không qua chế biến và không có hóa chất, như các cây: tr’đin, t’vạc, adương.

Người đàn ông Cơ tu này đang "chiết rượu" trên cây

Để lên men thành rượu người Cơ tu có kinh nghiệm lấy vỏ cây chuồn - cây này có hai loại: apăng và zuôn. Lột vỏ hai loại cây này phơi khô và ngâm vào ống đựng nước tr’đin hay t’vạc, dung dịch tự lên men uống đăng đắng - chát - thơm ngọt rất dễ chịu.

Theo các già làng và những người có kinh nghiệm “cất” rượu tr’đin cho biết: Muốn lấy rượu thì phải đục vào thân cây tr’đin. Trước tiên, bằng con mắt “nhà nghề”, nhìn lên cây tr’đin để xác định cây có trúng thời điểm đục thân ra nước không.

Lúc đọt mới nhú lên gần ngang bằng lá già là thời điểm lý tưởng để đục vào thân lấy nước.

Khi đã xác định chính xác như trên, người Cơ tu làm cầu thang lên giàn bằng nhiều cây lồ ô buộc với nhau bằng dây mây cho chắc sau đó leo lên giàn ngồi và đục, tính từ ngọn xuống chừa lại 4 cuống lá già, tại cuống lá già thứ tư từ trên xuống, đục đối diện với cuống lá này.

Đục xong, thấy ở trong đọt trắng mềm là khả năng ra nước nhiều, ngược lại nếu đọt trong cứng vàng thì nước ít. Sau khi đục xong cứ mỗi ngày đến cắt mỏng một lớp để tạo “vết thương” và khi nào thấy có đọt mới nhú ở trong lên thì sắp có nước chảy ra. Thông thường ba đến sáu ngày nếu thấy có nước trăng trắng, sệt sệt tứa ra.

Khi nước ra nhiều từ vết cắt thì làm máng nhỏ từ vết cắt để nước tr’đin chảy theo đường máng chảy vào ống lồ ô lớn đã hứng sẵn (trong ống lồ ô đã bỏ vỏ apăng để lên men).

Từ đó cứ mỗi ngày đến cắt một lát mỏng chỗ “vết thương” và lấy tr’đin về uống. Trung bình mỗi cây tr’đin cho ra khoảng 10 – 15 lít/ ngày đêm. Còn nếu cho trẻ con và phụ nữ uống ngọt thì không bỏ apăng, nước ngọt lịm và thơm ngon như hương vị đường thốt nốt.

“Hủ rượu” này tuy nằm trên cây cao nhưng cũng thu hút bởi các côn trùng như ong, bướm, chim, sóc, chuột… cho nên chung quanh ống lồ ô được che, bịt lại bằng một loại bùi nhùi lấy từ bẹ cây tr’đin.

Rượu tr’đin để vài tháng được nhưng phải thay vỏ cây apăng thường xuyên.

Người Cơ tu có tục lệ là khi uống rượu tr’đin thì không đổ rượu thừa trong chén vào bếp tro nóng, họ cho rằng làm như vậy, cây tr’đin cho rượu sẽ tắt nước hoặc không chảy nước trong một thời gian.

Cây đực, cây cái


Cây tr’đin sống thích hợp nơi ẩm ướt, râm mát, nơi gần các khe suối. Ngoài ra, người cơ tu còn trồng cây tr’đin bằng hạt và nếu có cây nhỏ thì nhổ cây con mang về trồng gần nhà. Người có kinh nghiệm, chọn lấy giống từ cây to, cao, lấy hạt dẹt (hạt cái), một cây tr’đin thường ra 4 - 5 buồng trong 4 - 5 năm, một buồng ra hàng vạn trái, một trái thường 1 - 2 hạt.

Rượu của bà con Cơ tu tại Hội chợ
Rượu của bà con Cơ tu tại Hội chợ "Làng nghề Việt - 2009" tại Đà Nẵng

Nên lấy hạt ở buồng ra thứ nhất, thứ nhì về sau khi thu hoạch nước ra nhiều hơn, cây sống thọ không ra buồng sớm. Còn hạt tròn (là hạt đực), cây sớm ra buồng, không thọ và nếu lấy hạt ở buồng ra cuối cây tr’đin trồng ít ra nước.

Người Cơ tu có kinh nghiệm nhổ cây con hoặc cây ươm đem trồng phải nhìn kĩ khi cây có đọt mới nhú lên khoảng 10 - 15 cm trở lên thì nhổ cây đem trồng vì lúc này cây đang có rễ non - trồng dễ sống.

Cây tr’đin sinh trưởng tương đối nhanh 6 - 7 năm từ ngày trồng thì khai thác được. Có nhiều cây thọ lâu có thể trên 30 năm vẫn “cho rượu” đến khi cây ra buồng trái thì hết khai thác (ngược với cây t’vạc). Song cũng có cây khai thác một lần rồi ra buồng không khai thác được nữa .

Các làng người Cơ tu miền sơn cước Quảng Nam nơi nào cũng có cây t’vạt nhưng cây t’đin thì chỉ có ở Tây Giang, nơi sát biên giới Việt Lào.

Thứ Sáu, tháng 9 04, 2009

Cocktail kiểu Việt

Là sản phẩm của nền văn hóa Mỹ và đã thông dụng trên toàn cầu, nhưng đến nay, cocktail vẫn còn là một loại thức uống chưa phổ biến tại Việt Nam. “Việt hóa” cocktail được xem là cách để mang loại thức uống đa phong cách này đến gần hơn với người Việt.

Khách trong nước chưa có thói quen thưởng thức cocktail, ngoại trừ những người thường lui tới các quán bar, nhà hàng hoặc Việt kiều sinh sống ở nước ngoài do cocktail thường chỉ có mặt trong các bar rượu với mức giá khá đắt. Còn một lý do khác là dường như những công thức cocktail cổ điển có vẻ không “thân thiện” với khách Việt.

Có thể xem cocktail là một loại thức uống “lưỡng tính”, bởi nó vừa có sự mạnh mẽ, nồng đậm của rượu, lại vừa ngọt ngào, chan hòa hương thơm và hương vị của cây cỏ, hoa trái.

Từng có không ít người khi đến quán bar đã tò mò thử gọi cocktail để thưởng thức, nhưng thường không uống hết ly và lời nhận xét kèm theo là cocktail quá nặng hoặc khó uống (dù khi kiểm tra lại, các nhân viên pha chế rượu đã làm theo đúng công thức). Do vậy, làm cho cocktail thật dân dã và gần gũi với người Việt cũng là điều khiến không ít người pha chế đau đầu.

Tạo rượu nền và rượu mùi hương Việt


Hiện nay, ở Việt Nam chưa có công ty nào sản xuất rượu nền và rượu mùi bằng nguyên liệu trong nước, nên việc pha chế cocktail chủ yếu vẫn từ rượu nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, cách “Việt hóa” đầu tiên là có thể dùng rượu nhập (rum, vodka, whisky,…) để ngâm những nguyên liệu quen thuộc như trái cây, rau mùi hoặc thảo dược trong nước. Cách này gọi theo kiểu nôm na trong dân gian là “ngâm rượu thuốc” để có thể tạo nên những loại rượu nền thuần túy của Việt Nam dùng pha chế cocktail.

Cách đây không lâu, những người pha chế rượu đã giới thiệu cho nhau một công thức mới trên mạng Internet mang tên Hương Việt, mà thành phần gồm có chanh dây, nước ổi xá lị cùng rượu nền là rượu Nếp Mới và mật sim rừng - một đặc sản của đảo Phú Quốc. Có thể xem đây là một loại cocktail đặc trưng hương vị Việt với màu nâu đỏ óng ánh như phù sa và vị chua ngọt đậm đà, mùi rượu thơm nhưng không quá nặng.

Bên cạnh mật sim rừng, một số loại rượu ngâm khác cũng có thể sử dụng trong pha chế cocktail là rượu mơ, rượu xơ ri… Tuy nhiên, thông thường cocktail rượu ngoại có màu bền và tạo được sự giao thoa màu với các loại nguyên liệu khá nên sau khi pha chế, màu rượu tách thành từng lớp, mỗi lớp có một vị khác nhau.

Cocktail rượu Việt có một yếu điểm là mùi và màu rất dễ bị trộn lẫn. Để khắc phục điểm này, những người pha chế dùng nhiều nước trái cây tươi như dứa, chanh dây… vừa tạo màu sắc đẹp, vừa cho ra mùi thơm nồng ấn tượng cho thức uống.

“Thuần Việt” bằng cây trái

Món cocktail “hương quyến rũ” chế biến từ mít tố nữ

Thông thường, để những người chưa từng tiếp xúc nhiều với cocktail quen dần với độ rượu mạnh, chỉ cần tuân theo nguyên tắc đơn giản là giảm độ rượu và tăng độ tươi của hoa trái. Ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam không hiếm những loại trái cây ngon theo mùa, thường rộ lên trong vài tháng.

Dựa vào đặc điểm này, ly cocktail cũng có thể được biến đổi theo mùa, mang những hương sắc, mùi vị đặc trưng, mà cách thực hiện lại đơn giản và ít tốn thời gian ngâm tẩm. Điển hình như trái thanh trà thường rộ mùa từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, trái nhỏ vàng tươi, căng mọng, mùi thơm sảng khoái và vị chua thanh khiết rất hợp để chế biến cocktail.

Cũng có thể tạo nên những ly cocktail mang hương vị nhiệt đới đầy hấp dẫn từ mãng cầu xiêm, dâu tằm, khế và cả mít tố nữ. Công thức thực hiện khá đơn giản: nước cam hòa cùng rượu rum, rượu mùi hương chuối, vài múi mít tố nữ rồi cho vào máy sinh tố xay nhuyễn với đá. Hương thơm nồng nàn và vị ngọt của loại trái cây này khiến ly cocktail trở nên gần gũi với người Việt hơn, đặc biệt là nữ giới.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu khoa học, các loại nước trái cây tươi nếu cho thêm một chút rượu sẽ trở nên bổ dưỡng hơn, giúp gia tăng khả năng chống oxy hóa, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và viêm khớp.

Trái cây theo mùa tạo hương vị gần gũi cho cocktail

Khi thành phần trái cây tươi trong ly cocktail nhiều hơn, người pha chế cần lưu ý cách phối hợp để tạo cho ly cocktail dáng vẻ đẹp mắt và ngon miệng nhất. Những loại trái cây dễ ngả màu sau khi pha chế như chuối, táo… cần được xử lý bằng cách ngâm với nước chanh và đá trước khi pha cocktail.

Khiếm khuyết dễ vấp phải nhất là hỗn hợp bị kết tủa do các loại rượu nền có thành phần sữa hoặc trứng (như Baileys) kết hợp với các loại trái cây có vị chua. Bản thân các loại rượu nền này cũng không dễ kết hợp “ăn ý” với những loại rượu mùi khác nên người có ý định thực hiện cocktail tại nhà tốt nhất là nên dùng rượu nền thông thường như vodka, rum. Đây là hai loại rượu có khả năng kết hợp dễ dàng với nhiều thành phần tự nhiên như trái cây, sữa, cream hoặc thậm chí là các loại xi rô, nước đắng... để giả như người pha chế có sáng tạo… quá tay thì ly cocktail vẫn ổn!

Thứ Sáu, tháng 8 21, 2009

Thức ăn vàng...thức uống...vàng!

Những món ăn, đồ uống này đều được làm từ vàng, có giá cao ngất ngưởng, chỉ nhà giàu mới dám mơ đến.




Đây có lẽ là một trong những loại kem đắt nhất trên thế giới. Ly kem được trang trí khá cầu kỳ và bắt mắt bằng những lớp vàng lá, chúng được tạo hình thành những bông hoa rất tinh xảo, nó có giá 1.000 đô.



Món pizza cao cấp này chỉ có tại một nhà hàng ở Glasgow. Chiếc bánh này được phủ lên trên bởi một lớp vàng vì vậy nó có 'giá cắt cổ' là 5.000 đô la.



Trai rượu này có tên là Gold Flakes Supreme, đây là một loại rượu mạnh có chứa vàng lá trong đó, nó có giá trị khoảng 60 đô cho một trai 0,75 lít.


Vào lần kỷ niệm 125 năm thành lập công ty, một hãng nước ngọt tại Anh đã cho sản xuất một loại nước hoa quả bên trong có chứa nhiều lớp vàng mỏng.

Đây là những thanh kẹo ngọt của Thuỵ Sỹ, bên ngoài chiếc kẹo ngọt ngào được bọc bởi một lớp vàng lá. Mỗi thanh kẹo có giá là 29 đô.


Nước xốt Golden Beaver là loại nước xốt đắt nhất thế giới, mỗi chai có giá khoảng 60 đô.



Bên trong trai rượu Sakê (một loại rượu nổi tiếng ở Nhật Bản) này được tô điểm thêm những bông hoa làm bằng vàng nhìn rất đẹp mắt vì vậy nó có giá 30 đô la cho một trai 0,72 lít.



Bếp trưởng khách sạn Westin New York, Frank Tujague, đang chuẩn bị món bánh có giá 1.000 đô. Đây là món bánh được bán để gây quỹ cho Quỹ học bổng Les Amis d"Escoffier, cho sinh viên ngành nghệ thuật ẩm thực. Nó được phết bơ kem và được rắc bằng những chiếc lá bằng vàng.

Bạn đã biết uống....bia?

Nhâm nhi từng chút hay uống một hơi hết cốc mới ngon? Hơn cả kỹ năng uống, một người biết uống bia phải biết cách mua bia, rót bia, ngửi bia...

Bạn nghĩ uống bia đơn giản là mở nắp chai và uống hay chỉ cần uống nhiều sẽ biết cách uống. Không hẳn như vậy, bia là một thức uống giải khát, nhưng nếu biết cách, bạn sẽ biến thức uống này thành thứ có lợi cho sức khoẻ. Một vài hướng dẫn sau sẽ giúp bạn thưởng thức bia thực sự.

1. Mùa nào thức nấy: Với các loại bia nhẹ, bạn có thể uống vào buổi sáng. Trong khi đó, các loại bia nặng hơn, có màu đậm chỉ thích hợp cho buổi chiều tối. Bia đen thích hợp cho mùa lạnh còn bia nhẹ như bia hơi dành cho mùa hè. Trái với suy nghĩ rượu để lâu càng ngon, bia chỉ sử dụng tốt nhất trong khoảng 90 ngày kể từ khi đóng chai. Hạn “date” này được nhà sản xuất ghi trên chai.

Không nên có ý nghĩ mua bia để tích trữ, bạn chỉ mua đủ dùng trong một tuần. Nên nhớ bia là chất lỏng làm từ lúa mì và lúa mạch, tất nhiên bạn sẽ không đời nào mua một ổ bánh mì đã để tới ba tháng trong cửa hàng và mong nó vẫn còn ngon.

2. Âm nhạc: Có thể bạn không tin nhưng âm nhạc cũng ảnh hưởng đến việc thưởng thức bia. Loại bia nặng và đậm màu thích hợp với nhạc có tông cao, âm thanh dồn dập. Bia nhẹ nên uống với nền nhạc nhẹ nhàng, âm điệu vừa phải.

3. Cốc uống bia: Cốc thủy tinh hoặc các loại cốc làm từ chất liệu tự nhiên như gỗ, sứ, gốm thích hợp để uống loại bia ở trong thùng lớn mà chúng ta vẫn gọi là bia hơi. Cốc bằng nhựa hoặc inox sẽ không phá hỏng hương vị bia. Uống bia bằng chai dù trông sành điệu nhưng không cho phép bạn cảm nhận được hết tất cả mùi vị của bia trên lưỡi. Mất đi cái thú ngửi mùi bia gần như mất “đứt” cái gọi là nghệ thuật uống bia. Nếu đang uống loại bia này và muốn chuyển sang loại khác, bạn nên thay cốc mới hoặc rửa cốc cũ.

4. Rót bia: Bạn nên rót bia vào ngay giữa cốc với độ cao cách miệng cốc từ 2 đến 3 cm, khi đổ bia ra bạn có thể nghe tiếng bia chảy ở trong chai. Cách rót bia này giúp giải phóng khí cacbonic cùng với mùi thơm của hoa bia, mạch nha ủ và mùi men. Đợi cho đến khi bọt bia tan dần làm sao cho bia chiếm 3/4 cốc còn ¼ cốc là bọt.

5. Thưởng thức: Cách uống bia đúng nhất là uống từng ngụm nhỏ liên tục. Để thưởng thức đầy đủ hương vị của bia ban đầu, bạn nên uống hết nửa cốc sau đó nhấp từng ngụm nhỏ phần còn lại trong khi chuyện trò với mọi người xung quanh. Tuyệt đối không nên lắc hoặc dùng bất cứ vật gì quậy bia. Chúng ta hãy uống bia với đá và lắc cốc cho đá mau tan. Thói quen này tạo cơ hội cho ô-xy trong không khí nhanh chóng làm ô-xy hoá bia, bia sẽ bị đục màu.

6. Bảo quản: Theo tiêu chuẩn, bia đen chỉ cần để lạnh thời gian ngắn, bia nặng để lạnh lâu hơn. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào,bạn cũng không nên để bia quá lạnh. Ở nhiệt độ quá thấp, bia mất hương vị tuyệt vời của nó và bị đục màu. Để bia trong tủ lạnh, ở nhiệt độ thấp hơn 7 độ C trong tư thế thẳng đứng, sẽ giữ được hương vị nguyên chất. Khi lấy chai ra khỏi tủ lạnh vẫn giữ thẳng chai, không lắc mạnh tay khi di chuyển để men bia không bị khoắn làm giảm bớt mùi vị.

Đừng nghĩ đơn giản bia ở trong chai kín không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Mùi hành, tỏi cũng làm bia bớt đi vị ngon. Nếu không có tủ lạnh hoặc không gian không cho phép trữ bia lạnh, bạn có thể cất bia vào một góc tối ở nhiệt độ từ 10 đến 15 độ C. Trong trường hợp bạn vội đến mấy cũng không nên đặt chai bia vào ngăn đá để làm bia nhanh lạnh, cũng không được để bia bị ánh nắng mặt trời chiếu vào.

7. Ăn kèm: So với rượu vang, thưởng thức bia đơn giản hơn nhiều bởi nó có thể ăn cùng với bất kỳ món ăn nào từ dân dã đến cao cấp. Bia rất thích hợp ăn cùng với các món thịt mỡ, thịt gà, các món ăn nướng và pho-mát nhiều chất béo. Tuy nhiên, để thưởng thức hương vị của bia bạn không nên quá lạm dụng chúng để ăn kèm thức ăn.

NHẬN XÉT CỦA BẠN :

Bài đăng